Chung cư 27 tầng sắp chen chân vào làng Triều Khúc
Theo Quyết định 4070/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 tại khu đất 44 phố Triều Khúc, diện tích khu đất lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 6.127,72m2.
Trong đó, ghi nhận 6.096,92m2 diện tích đất do Công ty đang quản lý (theo Quyết định 1974/QĐ-UBND của UBND Thành phố 6.098m2) và 30,8m2 đất lưu không, bể nước ngầm UBND Thành phố chấp thuận giao Công ty Hòa Bình để quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng đồng bộ.
Theo Quyết định 4070/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng ký ngày 4.7, mục tiêu điều chỉnh là di dời cơ sở sản xuất không còn phù hợp ra khỏi 1ội thành. Theo Quy hoạch phê duyệt trước đó, chiều cao của các tòa nhà từ 1-20 tầng; mật độ xây dựng từ 20-40%. Nay được điều chỉnh mật độ xây dựng lên 40% và chiều cao tầng lên 27. |
UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận giao Công ty Hòa Bình quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng đồng bộ, quy mô gồm: Tổng diện tích đất nằm trong phạm vi mở đường: 1.054,82m2; Tổng diện tích đất nghiên cứu thực hiện dự án khoảng 5.072,9m2.
Theo Quy hoạch phân khu H2-3, tỷ lệ 1/2000 (được phê duyệt ngày 3.12.2015), khu đất điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu thuộc ô quy hoạch ký hiệu E20/ODK3 và E2/NT1 có chức năng là đất ở, trường mầm non, đường giao thông.
Nay được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh sang chức năng đất hỗn hợp (gồm các chức năng: nhà ở, văn phòng, thương mại, trường mầm non, cây xanh, đường giao thông).
Lại một lần "đổi chủ"
Tháng 12.2015, Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) bổ sung thông tin về việc thoái vốn của Bộ GTVT tại Vinamotor tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Theo văn bản 849/TC-HC, Công ty CP Cơ khí ô tô Hòa Bình (công ty con của Vinamotor) đã có Nghị quyết 26/NQ-HĐQT-HB phê duyệt lựa chọn đối tác đầu tư khai thác khu đất của công ty tại 44 Triều Khúc theo chủ trương đã được Bộ GTVT đồng ý tại Công văn 15661/BGTVT-QLDN ngày 24.11.2015.
Một lần nữa, "người ngoài" vào khai thác khu đất vàng mà DN trong lĩnh vực ô tô được giao quản lý. (Ảnh: IT)
Ý định đầu tư khai thác khu đất 44 Triều Khúc (đặt trụ sở, nhà xưởng của Công ty Hòa Bình) đã nhen nhóm từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, số phận của hơn 6.000m2 đất quận Thanh Xuân mới rõ nét. Đặc biệt là đơn vị thực sự nắm giữ dự án thương mại (được giao cho Công ty Hòa Bình lập).
Ngay sau khi UBND TP Hà Nội ra quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất 44 Triều Khúc theo hướng giao cho Công ty Hòa Bình lập dự án đồng bộ (có tính chất nhà ở, thương mại, văn phòng; cao 27 tầng), website được coi là chính thức của Công ty này (hoabinhauto.vn) không thể truy cập. Khá bất ngờ, những chi tiết xoay quanh dự án nằm trên khu đất thuộc quản lý, sử dụng của Công ty Hòa Bình lại xuất hiện ở một đơn vị khác.
Cụ thể, tại ĐHCĐ 2017 (tháng 4.2017) của Công ty CP xây lắp điện 1 (PCC1), dự án tại 44 Triều Khúc đã có tên thương mại là PCC1 Thanh Xuân. Theo đó, PCC1 đã âm thầm đặt chân vào khu đất hơn 6.000m2 tại Triều Khúc từ gần 1 năm nay.
Từ tháng 9 - 11.2016, PCC1 nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Hòa Bình và phê duyệt vốn đầu tư dự án PCC1 Thanh Xuân. Đáng chú ý, là văn bản ngày 15.3.2017 của UBND TP Hà Nội về việc chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của Sở QHKT về việc điều chỉnh chức năng từ đất nhà ở sang đất hỗn hợp để lập quy hoạch thực hiện dự án tại 44 Triều Khúc.
Diễn biến tại 44 Triều Khúc khiến nhiều người liên tưởng tới việc hình thành dự án Pandora 53 Triều Khúc - cùng thuộc sở hữu của DN trong lĩnh vực ô tô.
Tới tháng 4, Công ty CP ô tô Hòa Bình (pháp nhân thực hiện dự án) có vốn điều lệ gần 27 tỷ đồng. Thú vị rằng, PCC1 nắm giữ 98,4% vốn điều lệ và đã xác định sẽ thu về khoảng 144 tỷ đồng (sau thuế) từ việc đầu tư vào dự án này.
Đến đây, có thể thấy khu đất hơn 6.000m2 tại Triều Khúc đã được chuyển hóa lợi nhuận khai thác từ Công ty Hòa Bình sang PCC1. Điều này dễ hiểu, bởi Công ty Hòa Bình vốn dĩ đã bết bát nhiều năm qua và khu đất nhà xưởng hàng nghìn m2 vẫn nằm chờ khai thác. Đáng bàn ở chỗ, định hình cụ thể về dự án vẫn chưa rõ ràng (GPXD, hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất, chuyển mục đích sử dụng đất…).
Có một điều khá trùng hợp, đối diện khu đất 44 Triều Khúc là dự án rộng hàng chục nghìn m2 thuộc quản lý, sở hữu của cùng 1 đơn vị – Nhà máy ô tô Hòa Bình. DN trong lĩnh vực ô tô “bẻ lái” sang BĐS (với dự án 53 Triều Khúc) đang nằm trong tầm ngắm của cơ quan chức với các vấn đề liên quan tới xây dựng, đầu tư dự án trên các khu đất nhà xưởng được chuyển đổi mục đích.
Ngày 25.1.1994, UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhà máy ô tô Hòa Bình (thuộc Bộ GTVT) với tổng diện tích 61.643 m2 đất tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (nay là số 53 và 44 phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân). Trong đó: 43.667 m2 đất tại 53 Triều Khúc phục vụ Dự án Liên doanh Ô tô Hòa Bình; 11.878 m2 đất xây dựng nhà ở cho CBCNV (đã tách ra chia cho các hộ dân và được cấp sổ năm 2010) và 6.098 m2 đất tại 44 Triều Khúc (Công ty được UBND Thành phố cho thuê theo Quyết định 1974/QĐ-UB ngày 26/4/2006 để tiếp tục làm trụ sở làm việc và sản xuất kinh doanh). Năm 2013, việc sử dụng đối với diện tích 6.098 m2 đất thuê có dấu hiệu sai mục đích. UBND TP đã chỉ đạo thanh tra ngay trong năm 2013. |