Theo Indepedent, trong nghiên cứu được xem là "toàn diện nhất từ trước đến nay" trên 42.935 mẫu tinh dịch, đội ngũ các nhà khoa học từ Israel, Mỹ, Đan Mạch, Brazil và Tây Ban Nha đã chỉ ra từ năm 1971 đến 2011, lượng tinh trùng của đàn ông châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và New Zealand giảm hơn 59%. Đặc biệt, tình trạng này không có dấu hiệu dừng lại và chỉ ảnh hưởng tới nam giới phương Tây chứ chưa xuất hiện ở Nam Mỹ, châu Phi, châu Á.
"Mức độ suy giảm này thật đau lòng và khó tin", người đứng đầu công trình là tiến sĩ Hagai Levine từ Đại học Jerusalem bày tỏ. Trên tờ Human Reproduction Update, nhóm tác giả nhận định lượng tinh trùng ít đi do các yếu tố môi trường bao gồm chất hóa học, thuốc trừ sâu, nhiệt độ và các yếu tố lối sống như chế độ ăn, stress, thuốc lá, cân nặng.
Ảnh: Independent.
Không chỉ tác động đến tinh trùng, các yếu tố kể trên còn dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư tinh hoàn, từ đó rút ngắn tuổi thọ đàn ông. Trên thực tế, cùng với sự suy giảm của sức khỏe sinh sản, nhóm nghiên cứu còn nhận thấy số bệnh nhân ung thư tinh hoàn và lượng trẻ trai sinh ra bị thiếu một hoặc cả 2 bên tinh hoàn có xu hướng tăng. "Chất lượng tinh trùng kém liên quan đến bệnh tật và tử vong", các nhà khoa học nhấn mạnh.
Sau khi công bố, nghiên cứu của nhóm tác giả đa quốc gia được coi như "hồi chuông cảnh tỉnh" song vẫn làm dấy lên một số ý kiến trái chiều. Giáo sư Michael Dourson thuộc Trung Tâm Khoa học Rủi ro Đại học Y Cincinnati nhận định kết quả công trình "dường như là chính xác" nhưng nói tinh trùng liên quan đến bệnh tật và tử vong chưa hẳn đã đúng bởi trên thực tế, tuổi thọ đàn ông các nước phương Tây vẫn đang tăng lên.
Trong khi chờ đợi các nghiên cứu khác được tiến hành, tiến sĩ Levine khuyến cáo đàn ông hãy tự bảo vệ sức khỏe sinh sản bằng cách hạn chế tiếp xúc với hóa chất, tránh thuốc lá, ăn uống khoa học, duy trì cân nặng ổn định và giảm stress.