Mỗi giường 2 – 3 bệnh nhi
Bác sĩ Bùi Hùng Việt - Trưởng khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cho biết: “Bệnh SXH bắt đầu tăng từ đầu tháng 5, đặc biệt từ đầu tháng 7 đến nay, khoa tiếp nhận điều trị nội trú 165 ca (tăng 125% so với cùng kỳ năm 2016)”. Trong đó, Đồng Tháp hiện là một trong những địa phương có số ca mắc SXH đứng đầu khu vực ĐBSCL. Ông Dương Ân Hận – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có khoảng 1.300 ca dương tính, trong đó có 90 ca nặng và 2 trường hợp tử vong tại huyện Tháp Mười và Hồng Ngự”.
Bệnh nhi đang điều trị tại Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ. Ảnh: H.C
Trong 10 ngày đầu tháng 7, tỉnh An Giang có đến 120 ca; tiếp đến là Sóc Trăng với 110 ca và Đồng Tháp là 100 ca SXH nhập viện điều trị. “Hiện nay khoa SXH bệnh viện chỉ có 60 giường bệnh nhưng có trên 150 ca; những ngày đầu tuần lên đến 180 ca bệnh nhi điều trị nội trú nên khoa bị quá tải. Những trẻ bệnh nặng, biến chứng thì được bố trí nằm riêng một giường, còn lại mỗi giường bệnh buộc phải xếp 2-3 trẻ nằm chung” – bác sĩ Việt thông tin.
Người lớn cũng tử vong
Bác sĩ Việt cũng cho biết thêm, năm nay bệnh SXH tăng và bệnh thể nặng cũng tăng (đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận có 64 ca nặng, không có ca tử vong). Đặc biệt, thời gian gần đây bệnh SXH ở trẻ nhỏ tuổi từ 10-15 tuổi tăng mạnh và thường bị sốc cao hơn trẻ nhỏ. Nguyên nhân do người thân còn lơ là, nghĩ trẻ mới bị SXH, nên khi chuyển đến bệnh viện thường là bệnh chuyển nặng.
“Từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi tuần có khoảng 50 ca mắc và bệnh nhân nặng rơi vào tuổi thiếu niên. Như trường hợp bệnh nhân là chị L.T.K.N, huyện Tháp Mười, ghi nhận tử vong do SXH ở tuổi 25. Theo người thân của bệnh nhân, thì trước khi nhập viện, chị N đã có biểu hiện nóng sốt. Sau khi điều trị bên ngoài không khỏi, được chỉ định nhập viện nhưng chị đã không qua khỏi” – ông Hận nói.
Theo nhận định từ Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành ĐBSCL, trước đây SXH chỉ có vào mùa mưa, gần đây thì bệnh xuất hiện suốt cả năm. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, thời tiết nóng ẩm quanh năm, thỉnh thoảng có những cơn mưa trái mùa, người dân giữ nước lại sử dụng bằng bồn, lu, hũ mà không đậy nắp cẩn thận, mà đó là nơi muỗi vằn sinh sản nhanh, nhiều dễ phát sinh thành dịch.
Để phòng ngừa bệnh SXH, cũng như phát hiện kịp thời điều trị hiệu quả nhất, bác sĩ Việt khuyến cáo: “Khi phát hiện trẻ nhỏ bị sốt cao, có xuất huyết đỏ ngoài da thì nhanh chóng đưa bé ngay đến bệnh viện để khám điều trị kịp thời, không được tự ý điều trị. Đặc biệt là không dùng kháng sinh. Vào buổi trưa phải cho các cháu ngủ trong mùng màn và dùng các biện pháp phụ như hương muỗi, quạt máy”.