Tại buổi cung cấp thông tin ngày 26/7, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết hiện nay không phải tập trung vào trẻ nhỏ hoặc người già mà hơn 50% ca mắc hiện nay là người đang trong độ tuổi lao động.
Trong 7 tháng đầu năm, nước ta đã có gần 60.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, 17 người tử vong.
Ông Trần Đắc Phu cho biết, dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn mọi năm. Thông thường dịch bệnh bùng phát vào mùa mưa, với nhiệt độ trung bình trên 20 độ C. Đây cũng chính là yếu tố khiến bệnh thường tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam và miền Trung.
Năm nay, mặc dù miền Bắc vẫn có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết thấp (12,4%), nhưng lại gia tăng ở Hà Nội, đồng thời các ca bệnh rải rác ngay từ đầu năm.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị.
Ông Phu cho rằng một phần nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian qua là mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình cao hơn các năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.
Theo ông Phu, người dân cần được biết các đặc điểm nhận diện rõ ràng về loại muỗi truyền bệnh, cách lây bệnh và các tuýp sốt xuất huyết để có cách chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh chủ quan.
Các chuyên gia y tế cho biết, muỗi lây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa.... Đây là loại muỗi không đẻ ở ao tù, cống rãnh. Đặc biệt, muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trên 20ºC.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết mọi năm chủ yếu ở thể D1 và D4, nhưng năm nay có sự gia tăng số ca mắc ở thể D2. Hiện, các tuýp virus này chưa có sự biến đổi về độc lực và cũng chưa có biến đổi gen.
Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Nếu bị sốt cao sau 2-3 ngày tại thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Tại Phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai - nơi chuyên điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết đã...