Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số Chính sách trong phát triển thủy sản là một chủ trương đúng đắn. Mục tiêu chính yếu của Nghị định là phát triển đội tàu xa bờ vững mạnh với những con tàu vỏ thép vươn khơi đem lợi cả về kinh tế lẫn giúp ngư dân vững tin khi bám biển. Thế nhưng, điều đáng tiếc, trong quá trình thực hiện tại một số địa phương cụ thể là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… vẫn có một số tàu vỏ thép đã bị rỉ sét, hỏng hóc... Làm sao để chính sách đúng đắn này đi vào cuộc sống, làm sao để những ngư dân không còn phải lo lắng với việc chiếc tàu vỏ thép của mình ra khơi hỏng hóc, làm sao để khai thác hiệu quả tàu vỏ thép? Để cụ thể hóa các nội dung trên, Báo NTNN/ Điện tử Dân Việt tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Tàu vỏ thép 67 - làm sao để nâng bước ngư dân” Buổi tọa đàm có sự tham gia đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bình Định: ông Đỗ Thiện Chế - Phó Chủ tịch Thường trực Hội, đại diện Hội nghề cá các tỉnh và 2 ngư dân có tàu vỏ thép bị hỏng hóc: ngư dân Đinh Công Khánh, Lê Văn Thãi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Trực tuyến bắt đầu từ lúc 9h30' và diễn ra trong thời lượng 1 tiếng đồng hồ. |
Câu hỏi đầu tiên từ độc giả Hoàng Tuân (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) dành cho ông Đỗ Thiện Chế: Ông đánh giá như thế nào về tính chất của những vụ hỏng hóc, rỉ sét tàu vỏ thép 67 mà nguyên nhân được cho là do các công ty đóng tàu làm ẩu?
- Ông Đỗ Thiện Chế: Phải khẳng định, Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương hết sức cần thiết và đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Thật tiếc, trong quá trình triển khai thực hiện, không nói đâu xa, tại Bình Định, đã có 20 tàu vỏ thép 67 bị hỏng hóc, rỉ sét (chủ yếu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng). Đây là vụ việc mà tôi đánh giá là cực kỳ nghiêm trọng.
Đại diện báo NTNN/Dân Việt tặng hoa các vị khách mời.
Độc giả có số điện thoại 0956.235.34... hỏi ngư dân Đinh Công Khánh: Anh Khánh có thể cho biết, anh phát hiện sự việc tàu bị Công ty đóng tàu đóng gian dối từ khi nào không, thưa anh?
Ngư dân Đinh Công Khánh: Năm 2014, tôi biết tới Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thủy sản. Trong đó, cho vay ưu đãi với việc đóng tàu vỏ thép để vươn khơi. Thời điểm đó, tôi đang sử dụng chiếc tàu vỏ gỗ 180CV hành nghề lưới vây. Tôi quyết định đăng ký vay theo Nghị định 67 để đóng tàu vỏ sắt với mong muốn để đi ra Hoàng Sa, Trường Sa vừa yên tâm vừa đánh bắt hiệu quả, tham gia bảo vệ chủ quyền.
Tôi được ngân hàng BIDV cho vay tổng cộng 18,7 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này giải ngân năm 2015 và 2016 chia làm 3 đợt.
Tôi chọn công ty đóng tàu TNHH MTV Nam Triệu vì nghĩ rằng sẽ yên tâm hơn. Tôi tay xách nách mang cả quà cáp ra Hải Phòng để tìm hiểu về công ty và được lãnh đạo công ty đón tiếp rất thịnh tình, động viên tôi cứ yên tâm về con tàu. Lúc ấy, tôi đã bị thuyết phục.
Tôi ra Hải Phòng tới 8 lần. Lần thứ 8 là tháng 8.2016 thì giật mình thấy tất cả những yêu cầu của tôi để điều chỉnh con tàu làm sao cho việc ra khơi thuận tiện nhất: hầm đá phải 6 hầm thay vì 4 hầm; máy phải là máy mới và đồng bộ, chính hãng… không được thực hiện. Tiền không có, tôi chờ lãnh đạo công ty không được nên phải về lại Bình Định. Tôi gọi điện thì lãnh đạo công ty không nghe máy hoặc viện lý do không nói chuyện với tôi.
Cuối cùng khi tàu bàn giao ngày 16.8.2016 thì toàn bộ những yêu cầu sửa chữa của tôi đều không được đáp ứng.
Tôi gọi ngay cho công ty đề nghị kỹ sư vô khắc phục hầm đá thì mấy tuần sau Công ty Nam Triệu mới bố trí người vào sửa chữa. Họ sửa chữa mất 1 tháng. Tới mùa mưa bão thì tôi đành để tàu nằm bờ.
Ngày 16.3.2017, tôi mua bạn và phí tổn: dầu, đá, gạo, lương thực, thực phẩm, đồ tươi, khô, thịt, ớt và 22 thuyền viên đi cùng. Tàu mới chạy ra 10 hải lý thì máy bị hỏng, chạy vào cảng Đề Gi (xã Cát Khánh) nằm bờ tới bây giờ.
Công ty đóng tàu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm "Ngư dân tích cóp hết vốn liếng để đóng tàu nhưng lại không may gặp phải những công ty đóng tàu gian dối thì rủi ro quá lớn. Những con tàu vỏ thép này đang trong thời gian bảo hành thì đơn vị đóng tàu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, phải đền bù cho ngư dân" - Ủy viên BCH Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội thủy sản Cà Mau Trần Văn Của trao đổi với Dân Việt khi diễn ra trực tuyến. |
Độc giả có email: Nganguyenhbdc77@gmail.com hỏi: Thưa các anh ngư dân, khi phát hiện sự việc, các anh có bị sức ép gì không?
Ngư dân Lê Văn Thãi bên con tàu hỏng của mình. Ảnh: Dũ Tuấn
Ngư dân Lê Văn Thãi (huyện Phù Cát, Bình Định): Tàu vỏ thép của tôi có công suất 940CV, trị giá 18,7 tỷ đồng, vay của ngân hàng BIDV Bình Định. Tàu ra khơi 2 lần thì chỉ thu được mấy tấn cá trị giá 100 triệu đồng. Tính ra, tôi bị lỗ 400 triệu đồng. Tàu đi 2 chuyến thì toàn bị trục trặc, xong thì máy chính hỏng hẳn, bộ đề khởi động máy phát điện và thiết bị giải nhiệt cho máy cũng không hoạt động được.
Khi tôi báo với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu thì phía công ty cứ lần lữa không chịu sửa chữa nhanh cho tôi. Hơn nửa tháng thì phía công ty đóng tàu mới vào cuộc kiểu miễn cưỡng. Hiện tàu vẫn đang nằm bờ, chưa biết khi nào khắc phục được. Tôi thất nghiệp 6 tháng nay rồi.
Bộ Công an điều tra rõ vụ việc đóng tàu cá kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6858/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc phải làm rõ chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Theo đó, về vụ việc tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ tại một số địa phương không đảm bảo chất lượng để hoạt động thủy sản được báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện ngay trong tháng 8 này. |
Bạn đọc Lê Huy Nam (Quảng Ngãi) hỏi: Lời khuyên của ông Chế dành cho những ngư dân có ý định đóng tàu lớn vươn khơi?
Ông Đỗ Thiện Chế - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bình Định đang trả lời trực tuyến bạn đọc của Dân Việt. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Đỗ Thiện Chế: Trong quá trình đồng hành cùng bà con, Hội nông dân chúng tôi sẽ khuyến cáo bà con chỉ nên làm những việc mà bản thân mình có thể hiểu được, kiểm soát được. Theo đó, việc đóng mới tàu phải có thời gian nghiên cứu kỹ, phải được tham quan thực tế, tai nghe, mắt thấy con tàu mẫu; xác định có thể sử dụng được, phù hợp, làm chủ được nó thì mới vay làm. Những việc chưa rõ phải nhờ cơ quan chức năng tư vấn, giúp đỡ; hoặc trực tiếp nhờ Hội Nông dân tư vấn, giúp đỡ, để có thấu hiểu vấn đề trước khi đóng mới con tàu của mình.
Ngư dân Bình Định có thể gọi trực tiếp cho tôi theo số điện thoại: 0982.056.678
Bạn đọc có số điện thoại 0915.677.51... hỏi ngư dân Khánh: Tới thời điểm này, thiệt hại của ông có lớn không khi tàu không thể ra khơi được?
Ngư dân Đinh Công Khánh: Đến lúc này, tổng thiệt hại của tôi đã lên đến hơn 1,3 tỷ đồng (trong đó: lỗ 2 chuyến biển gần 500 triệu đồng, mỗi tháng nếu tàu không hư hỏng như trước thì tôi đánh bắt thu về 150 triệu đồng/ tháng nên tính ra khi nằm bờ gần 6 tháng tôi mất 900 triệu đồng, giữ chân 20 bạn thuyền phải mất mỗi tháng 120 triệu đồng).
Ngư dân Đinh Công Khánh trả lời câu hỏi của bạn đọc Dân Việt. Ảnh: Dũ Tuấn
Để “chữa bệnh” cho tàu, tôi phải bán con tàu vỏ gỗ với giá 1,5 tỷ đồng nhưng không "xi nhê" gì, tôi cũng bán luôn chiếc tàu thu mua hải sản gần 1 tỷ đồng. Giờ coi như trắng tay. Từ chỗ có của ăn của để, vì con tàu vỏ thép bị đóng gian dối mà tôi lâm nợ, vợ chồng cãi lộn… mọi chuyện rơi vào túng quẫn, chưa có lối thoát. Trong khi đó, ngân hàng liên tục giục giã trả nợ vì đã quá hạn nên cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa.
- Ông Đỗ Thiện Chế: Tôi phải nói điều này. Một chính sách lớn, có nhiều ý nghĩa quan trọng như thế của Đảng và Nhà nước. Một chính sách để giúp ngư dân có phương tiện, công nghệ hiện đại, vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần; giúp cho ngư dân có điều kiện thể hiện lòng yêu nước, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương khi có tình huống xấu xảy ra.
Nhưng kết quả thì sao, mấy công ty đóng tàu làm ngư dân rơi vào khó khăn, khốn đốn. Họ làm ngư dân Bình Định, nhất là những chủ tàu có sự cố, mất tinh thần, không còn ham muốn vươn khơi bám biển, thiếu tự tin tham gia đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Toàn cảnh cuộc giao lưu trực tuyến
Phải nhìn thẳng vào thực tế những vụ việc này, vì tàu đóng mới chất lượng quá kém, liên tục hư hỏng ở nhiều hệ thống cả thân tàu, máy tàu, thiết bị điện, thông tin,…
Tôi nói nôm na, nếu công trình ở đất liền hư hỏng thì có có thể dễ dàng gọi thợ, chuyên gia khắc phục. Nhưng ở biển khơi biết gọi ai, ai đến sửa được. Tàu hỏng trên biển khác gì “chui vào chỗ chết”?
-Ông Đỗ Thiện Chế: Thiệt hại là quá lớn. Ngư dân như anh Khánh, anh Thãi đây đã không đánh bắt hải sản được, không có tiền trang trải cuộc sống cho bản thân, gia đình; không tiền trả vốn, lãi; lại phải tốn kém hàng trăm triệu đồng cho chi phí ban đầu cho mỗi chuyến ra khơi là quá chua xót.
Sự việc nghiêm trọng như vậy, vì mấy công ty đóng tàu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của ngư dân với Đảng và Nhà nước, với chính sách rất đúng đắn này.
Thậm chí, đáng lo là nhiều ngư dân cho rằng, phải chăng cơ quan chức năng bắt tay với doanh nghiệp "lừa" ngư dân để tư lợi?
PV: Qua điện thoại, chia sẻ thêm với Dân Việt khi diễn ra trực tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau - người có nhiều năm gắn bó với thủy sản tư vấn thêm cho bà con cách phòng tránh sự cố trong đóng tàu.
Ngư dân Mai Thanh Vũ (huyện Phù Cát, Bình Định) bên con tàu vỏ thép bị hỏng
Ông Trần Văn Của nói: Thứ nhất, ngư dân cần chọn những xưởng đóng uy tín, được cơ quan nhà nước kiểm tra chặt chẽ theo định kỳ.
Máy móc lắp trên tàu ngay từ đầu cần yêu cầu chính hãng vì một trong những bộ phận quan trọng nhất trên con tàu là máy móc mà máy chính hỏng thì rất “lằng nhằng”. Nếu cơ sở đóng tàu không làm theo những yêu cầu này thì ngư dân nhất quyết đừng nhận tàu. Nhận tàu là ôm cục nợ.
Bạn đọc có email: Lehoangquantvxd1982@...: Phía các đoàn thể như Hội nông dân sẽ có động thái như thế nào để bảo vệ ngư dân bị thiệt hại do tàu vỏ thép hư hỏng, rỉ sét?
- Ông Đỗ Thiện Chế: Hội đã và đang tuyên truyền, vận động bà con tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đóng tàu này để thực hiện tốt các giải pháp khắc phục.
Chúng tôi cắt cử cán bộ tiếp tục theo dõi các hoạt động khắc phục của các cơ quan, đơn vị liên quan. Đề xuất UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, khắc phục sai phạm nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu chất lượng như hợp đồng đã ký kết; đền bù những tổn thất do các sai phạm, vi phạm hợp đồng gây ra; có xử lý sai phạm nghiêm khắc, đủ sức răng đe, lấy lại lòng tin của ngư dân với một chính sách rất đúng đắn nhưng bị các công ty đóng tàu này lợi dụng.
Bạn đọc Nguyễn Hoàng (Thanh Hóa) gọi điện tới đường dây nóng của Dân Việt hỏi ngư dân Khánh: Tôi cũng là ngư dân nên hiểu được nỗi khổ của các anh. Sự việc cũng đã rõ, trách nhiệm của mấy công ty đóng tàu cũng đang được cơ quan chức năng điều tra. Mong muốn của các anh bây giờ là gì?
Ngư dân Đinh Công Khánh: Như đã nói, tụi tui chỉ có mong muốn doanh nghiệp đóng tàu nhanh chóng sửa chữa, đền bù thiệt hại cho chúng tôi vì đây là lỗi của doanh nghiệp đóng tàu chứ không phải của chúng tôi.
Chúng tôi là ngư dân, chúng tôi muốn ra khơi chứ ai muốn nằm bờ thất nghiệp như thế này, xót con tàu lắm.
Nhân đây, tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có chỉ đạo ngân hàng có cách gì đó giãn nợ cho chúng tôi để chờ tàu được sửa xong thì chúng tôi lại ra khơi bám biển.
Tôi cũng mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý mạnh tay hành vi gian dối này. Các luật sư và nhiều chuyên gia đóng tàu nói với tôi, tổng chi phí để đóng con tàu của tôi không tới như con số mà họ đưa ra cũng như ngân hàng đã chuyển khoản vay của tôi cho họ. Chúng tôi là ngư dân, ngoài làm ăn trên biển, chúng tôi mong muốn mỗi người đều là những lá chắn bảo vệ cho Hoàng Sa, Trường Sa nhưng công ty đóng tàu họ quá ác, quá vô trách nhiệm và mất đạo đức. Chúng tôi kiến nghị xử lý thật nghiêm những hành vi gian dối này!
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bình Định Đỗ Thiện Chế: Hôm nay, tôi cám ơn sự có mặt của các ngư dân: Đinh Công Khánh, Lê Văn Thãi, Trần Văn Hạo... đã không quản ngại đường sá xa xôi, chạy xe máy cả trăm kilomet tới tham dự cuộc giao lưu trực tuyến "Tàu vỏ thép 67 - làm sao nâng bước ngư dân".
Qua chia sẻ của các anh, Hội cũng nắm bắt thêm được những tâm tư, nguyện vọng rất chính đáng để từ đó có kiến nghị, giải pháp trong hành trình đòi quyền lợi chính đáng cho các hội viên ngư dân.
Tôi cũng trân trọng cảm ơn Báo NTNN/Dân Việt đã tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến rất kịp thời và ý nghĩa. Trong thời gian tới, tôi rất mong Báo có thêm những cuộc giao lưu trực tuyến để bà con ngư dân chia sẻ và kiến nghị lên cấp trên.
Về câu chuyện tàu 67 hỏng hóc, rỉ sét do một số công ty đóng tàu làm ăn gian dối, Hội Nông dân tỉnh Bình Định rất mong muốn tới đây, báo sẽ có những cuộc hội thảo chuyên đề với quy mô rộng hơn.
Qua cuộc trực tuyến ngày hôm nay, Hội Nông dân tỉnh Bình Định mong muốn bà con cần tiếp tục tin tưởng vào chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Bình tĩnh, tin vào sự chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương, không để các thế lực phản động lợi dụng.
Thưa quý bạn đọc, trong thời gian diễn ra giao lưu trực tuyến “Tàu vỏ thép 67 - làm sao nâng bước ngư dân”, chúng tôi nhận được hàng chục câu hỏi từ độc giả gửi về. Do thời lượng có hạn, những nội dung các vị khách mời chưa kịp trả lời, chúng tôi sẽ chuyển tới cho các vị khách mời chia sẻ riêng sau. Rất cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của quý vị độc giả và các bạn! |