Dân Việt

DN vừa và nhỏ đỏ mắt tìm vốn!

Thịnh An 30/07/2017 08:00 GMT+7
Bà Nguyễn Thị Hạnh, phó giám đốc trung tâm Hỗ trợ DNVVN (VCCI) cho biết, trong tháng 6.2017 có hơn 50.534 doanh nghiệp thành lập mới.

Việc thành lập doanh nghiệp đã trở nên dễ dàng, nhưng nhiều trở ngại trên con đường tồn tại và phát triển của họ: bạn hàng, thị trường…, trong đó hành trình tìm vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ quá gian nan...

img

Doanh nghiệp vừa và nhỏ được nhân viên ngân hàng VPBank tư vấn để được vay vốn tín chấp tại hội nghị kết nối khách hàng tổ chức trong tháng 7/2017.

Phần lớn là siêu nhỏ!

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế của VCCI, cho biết: năm 2016, VCCI điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam (trong đó có khoảng 1.500 doanh nghiệp FDI), có đến 53% doanh nghiệp “siêu nhỏ”, 45% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có 3% là doanh nghiệp lớn. Theo lời ông Tuấn, trong một thống kê gần đây của tổng cục Thống kê, Việt Nam có hơn 3,5 triệu doanh nghiệp tư nhân (tính cả quy mô hộ kinh doanh cá thể). Trong khi đó, theo nguồn của tổng cục Thuế có hơn 2 triệu doanh nghiệp tư nhân đang kinh doanh có nộp thuế. Nếu soát xét hai nguồn dữ liệu trên, 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân không có lãi hoặc là đã biến mất trên thương trường.

Trong bảng khảo sát năm 2016 mà VCCI thực hiện, số lao động bình quân của doanh nghiệp tư nhân hiện nay là 26,6 lao động/doanh nghiệp. “Quy mô lao động ít, lợi nhuận như mong muốn thấp, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ chưa có lãi. Điều đó nói rằng, quy mô sử dụng vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp. Khi hỏi họ mong muốn điều gì: tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm nguồn vốn, tìm thị trường…, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đều cho rằng, tìm vốn là hành trình gian nan nhất”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hải An, giám đốc trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang sản xuất những gì họ có, chưa đủ năng lực sản xuất những gì mà thị trường có nhu cầu. Theo vị giám đốc này, vì thiếu vốn mà năng lực nghiên cứu sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp (chỉ chiếm từ 0,2 – 0,5% doanh thu), dựa vào tài nguyên là chính, chưa có chiến lược phân phối sản phẩm, chưa thể thu hút nhân lực giỏi, chưa có chi phí quảng bá… dẫn đến thương hiệu trên thị trường còn quá mờ nhạt. “Đến giờ này chưa thấy một doanh nghiệp vừa và nhỏ nào tạo được tiếng vang trên thị trường”, ông An nói.

Gian nan hành trình tìm vốn

Khi tìm hiểu về nhu cầu vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, mới thấy đây là rào cản lớn nhất trong tiến trình tồn tại và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.

Bà Nguyễn Thị Bình, chủ một cơ sở sản xuất thực phẩm sạch tại Q.9, TP.HCM nói: “Một doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, có vốn mới có cơ hội sản xuất với số lượng lớn, lúc đó giá thành sẽ giảm, mới đủ sức cạnh tranh”.

Ông Hội (công ty viễn thông Khánh Hội, TP.HCM) phản ảnh: “Tài sản thế chấp chưa được ngân hàng định giá đúng mức nên khó tiếp cận vốn vay theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp”. Ông Hội “gõ cửa” quỹ hỗ trợ vốn của bộ Khoa học và công nghệ định giá doanh nghiệp. Hồ sơ đã xong nhưng khi chuyển qua ngân hàng, bên đó không chấp nhận hồ sơ mà yêu cầu làm việc lại với doanh nghiệp vay vốn về tài sản, kế hoạch kinh doanh… “Sau khi hai bên làm việc, cuối cùng chỉ làm tốn thời gian của nhau, tôi vẫn không vay được vốn”, ông Hội tỏ vẻ bức xúc.

Ông Minh Quân, chủ một doanh nghiệp sản xuất thảo mộc làm đẹp tại Bình Phước kể, vì cần vốn nên mới tìm đến ngân hàng, nhưng ngồi hàng giờ vẫn không có ai hỏi han gì. “Doanh nghiệp tỉnh lẻ thiếu thông tin lắm. Còn các ngân hàng ở tỉnh ít chịu chia sẻ các sản phẩm, dịch vụ của họ. Muốn vay vốn phải chịu nhiều nhiêu khê về thủ tục,” ông Quân nói.

Đại diện một ngân hàng thương mại cho biết, hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ có những khó khăn: chưa có tài sản tích luỹ để làm tài sản đảm bảo khi vay vốn, không đảm bảo thời gian thành lập theo yêu cầu của ngân hàng, thiếu tính chuyên nghiệp trong hồ sơ doanh nghiệp... “Thiếu những yếu tố trên nên hành trình tìm vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ gian nan lắm”, vị đại diện bình luận thêm.

Gỡ bằng cách nào?

Trong khảo sát năm 2016 của VCCI đã chỉ rõ: 38% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vay vốn của ngân hàng có thời hạn trung bình 16 tháng với lãi suất 8%/năm (cao hơn 1% so với doanh nghiệp lớn), 49% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vay vốn làm ăn từ các cá nhân “tín dụng đen”. Về phía ngân hàng đã làm gì với những bế tắc của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong câu chuyện tìm vốn? Câu trả lời là: yêu cầu doanh nghiệp có tài sản thế chấp mới được vay vốn. “Chỉ được vay tín chấp khi doanh nghiệp đó tạo được niềm tin sâu sắc với chi nhánh ngân hàng tại địa phương. Mà cũng khó lắm…”, giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Bình Phước, chia sẻ.

Tại một hội nghị kết nối khách hàng vừa được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM trong tháng 7.2017, ông Đào Gia Hưng, phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cho biết: “sẽ cấp vốn tín chấp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ” với những điều kiện: chỉ cần thành lập từ ba tháng trở lên, có nguồn thu ổn định, có sổ sách kế toán...

Theo một nguồn tin riêng, mức vốn được cấp qua hình thức tín chấp có thể lên đến 5 tỉ đồng. Theo ông Hưng, ngoài hình thức vay tín chấp, VPBank còn có hình thức cấp vốn qua thấu chi, thẻ tín dụng… “Từ khi VPBank có những hình thức cấp vốn tín chấp, mỗi tháng có thêm 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn ở đây”, ông Hưng cho biết thêm.

VPBank đã mở nút thắt về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, nhưng họ “đơn độc” trong việc này. Cần có thêm nhiều ngân hàng chung tay, may ra doanh nghiệp vừa và nhỏ mới có cơ hội lớn lên…