Dân Việt

Có siêu thực phẩm ngừa ung thư không?

Một chất được xác định là có thể ngăn ngừa ung thư và chất này có trong thực phẩm, nếu ăn thường xuyên thực phẩm này liệu có thể ngăn ngừa được ung thư không? Trong thực tế, tìm ra mối quan hệ giữa thực phẩm và ngăn ngừa ung thư là điều khó khăn.

Khó khăn là bởi vì…

Trong một loại thực phẩm nào đó chứa rất nhiều thứ, đậu nành chẳng hạn, chứa nhiều loại isoflavones chứ không chỉ một loại. Những isoflavones này được cho là có thể làm giảm rủi ro ung thư vú. Ngoài ra, trong đậu nành còn chứa nhiều hoá chất thực vật khác cũng ảnh hưởng đến việc ngăn ngừa ung thư, đâu riêng gì các isoflavones. Con người đâu chỉ ăn uống có một loại thực phẩm để có thể xác định chính xác loại thực phẩm nào đó có hiệu quả ngăn ngừa ung thư. Chưa hết, cách chế biến thực phẩm, nấu nướng chiên xào cũng ảnh hưởng đến mức rủi ro hay lợi ích mà thực phẩm đó đem lại nữa.

img

Bảng tư vấn dinh dưỡng cân bằng.

Do đó, nói ăn thực phẩm này, thực phẩm nọ có thể phòng ngừa ung thư chẳng có gì là chắc chắn.

Không chắc chắn nhưng không phủ nhận lợi ích

Mặc dù gặp khó khăn trong nghiên cứu để xác định mối quan hệ giữa thực phẩm và ung thư, nhưng viện Nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ và quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới cũng đưa ra một số nhận định ban đầu rằng, có lẽ các loại hoá chất thực vật đa dạng trong rau củ quả, đã hỗ trợ nhau để làm giảm rủi ro ung thư. Những hoạt chất này gồm: các sắc tố carotenoids làm cho rau quả có màu đỏ, cam, vàng, hoặc xanh đậm. Các loại polyphenols trong nhiều loại trái cây, và các hợp chất allium có trong các loại hành, tỏi…

Có thể nêu ra dưới đây một số loại rau củ quả đã được đánh giá là có thể phòng ngừa ung thư:

Những nghiên cứu cho thấy các loại rau họ cải (cruciferous) như cải xanh, cải xoăn, cải xoong, bắp cải, súp lơ… giúp điều hoà hệ enzyme để ngừa ung thư. Tuy nhiên, thực nghiệm mới chỉ ở quy mô phòng thí nghiệm. Hiệu quả tương tự như thế ở người khi ăn các loại rau này chưa được khẳng định. Lycopene là một loại carotenoids có nhiều trong cà chua, đu đủ, dưa hấu… Lycopene có thể kháng nhiều loại ung thư như ung thư phổi, thực quản, bao tử, ruột già… Nhưng mối liên hệ giữa việc tiêu thụ lycopene và hạ thấp rủi ro ung thư chưa được xác định.

Đậu nành nói chung là lành tính, có lợi cho sức khoẻ, nhưng đối với ung thư lại cho nhiều kết quả trái ngược. Điển hình là ung thư vú. Nếu ăn thường xuyên đậu nành từ nhỏ thì cho thấy giảm rủi ro ung thư vú, nhưng khi đã mắc bệnh, thì đậu nành lại có thể làm phát triển khối u. Tác dụng này được quy cho các isoflavones có trong đậu nành, như đã nói ở trên.

Vấn đề là ăn uống cân bằng

Nhiều bài báo làm toáng lên với nhiều tiêu đề lạ lùng như thực phẩm là sát thủ thầm lặng, thực phẩm kia phải tránh. Và ngược lại, cũng bốc lên nhưng loại gọi là siêu thực phẩm, giúp thúc đẩy hệ miễn nhiễm, diệt tế bào ung thư…

Vấn đề không phải một loại thực phẩm nào đó, mà là khẩu phần ăn của bạn thế nào, có đầy đủ dinh dưỡng hay không: protein, glucid, chất béo, chất xơ, các khoáng, vitamin… Những thứ này có thế lấy từ nhiều nguồn khác nhau, nay thứ này, mai thứ khác, như rau quả, đậu, thịt cá…, rồi còn bớt mặn bớt ngọt nữa. Cách ăn uống này khoa học gọi là ăn uống cân bằng.

Ăn uống cân bằng dinh dưỡng chỉ là một yếu tố. Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới đã tổng hợp nhiều nghiên cứu và đi đến kết luận: khoảng 1/3 các bệnh ung thư thông thường nhất có thể ngừa được nếu kết hợp ăn uống cân bằng dinh dưỡng, duy trì thể trọng vừa phải, và tập luyện.