Giằng co lợi ích chung - riêng
Ông Tạ Văn Giang - Trưởng BQT tòa nhà chung cư CT3 Lê Đức Thọ phản ánh “Chủ đầu tư C’Land đang xâm phạm quyền sở hữu chung đối với hai tầng hầm B1 và B2”.
Căng thẳng hiện tại ở CT3 Lê Đức Thọ đang tập trung ở vấn đề xác định sở hữu chung/riêng. Đặc biệt là 2 tầng hầm B1 và B2 của tòa nhà
Cụ thể, ngày 19.6, chủ đầu tư gửi văn bản 148/CT-KD tới cư dân với nội dung khẳng định 2 tầng hầm B1, B2 là thuộc sở hữu riêng của mình. Vì thế, “BQT CT3 phải bàn bạc và thống nhất với chủ đầu tư về công tác quản lý vận hành tòa nhà CT3 theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD và Thông tư 28/2006/TT-BXD”.
Tuy nhiên, Điều 11 trong Hợp đồng mua bán căn hộ giữa C’Land và khách hàng đã quy định rõ diện tích thuộc sở hữu chung và diện tích sở hữu riêng của các bên. Theo đó, các phần diện tích sở hữu chung của tòa nhà bao gồm: hành lang, cầu thang bộ, nơi để xe chung của tòa nhà chung cư… Đồng thời, không có điều khoản nào trong hợp đồng quy định 2 tầng hầm là sở hữu riêng của bên A - chủ đầu tư. Thay vào đó, khoản 2 điều 11 chỉ nêu “toàn bộ không gian siêu thị, không gian kinh doanh, dịch vụ công cộng, văn phòng thuộc tầng hầm, tầng 1, tầng 2, tầng 3, tầng 4, tầng 5 và tầng kỹ thuật” là thuộc quyền sở hữu riêng của bên A.
Tham chiếu một hợp đồng điển hình ký giữa C’Land và khách hàng tên G. (hầu hết các hợp đồng được ký thời điểm 2011-2013) cũng như hồ sơ dự án, LS. Trần Tuấn Anh – GĐ công ty Luật Minh Bạch đánh giá: “Theo bản vẽ hoàn công, hai tầng hầm 1 và 2 được giải thích là nơi để xe. Nơi để xe, chính là điểm b, khoản 11.1 Hợp đồng mua bán giữa hai bên, nên thuộc sở hữu chung. Nếu chủ đầu tư cho rằng thuộc sở hữu riêng và quản lý riêng của họ thì không đúng quy định pháp luật cũng như thỏa thuận giữa các bên”.
Quyết định hành chính can thiệp quan hệ dân sự?
Cũng từ trạng thái xập xí xập ngầu về xác định sở hữu, sử dụng diện tích chung – riêng của chủ đầu tư, đã dắt dây tới vấn đề C’Land không hợp tác bàn giao công tác quản lý vận hành cho đơn vị vận hành đã được cư dân lựa chọn.
Ngày 18.6, BQT chung cư tổ chức bàn giao quản lý vận hành cho Công ty Vietbuildings (theo hợp đồng đã ký giữa 2 bên). Tuy nhiên, việc này không nhận được hợp tác của chủ đầu tư – “dẫn đến tòa nhà CT3 hiện tồn tại 2 đơn vị quản lý vận hành”, Trưởng BQT cho biết. Cụ thể: Vietbuildings là đơn vị đã được BQT ký hợp đồng theo ủy quyền của cư dân; còn C’Land là đơn vị đã bị cư dân biểu quyết yêu cầu thay thế do chất lượng quản lý kém trong thời gian dài.
Văn bản "lạ" của UBND quận Nam Từ Liêm về quản lý vận hành tổ hợp CT3 Lê Đ ức Thọ ngày 28.6
Trong bối cảnh đó, BQT bất ngờ nhận được văn bản 1379/UBND-QLĐT của UBND quận Nam Từ Liêm về việc quản lý vận hành Tổ hợp CT3. “Căn cứ thực trạng diễn biến việc tranh chấp giữa Công ty CP Đầu tư BĐS Hà Nội và BQT nhà chung cư CT3 Lê Đức Thọ; sau khi xem xét các quy định liên quan”, UBND quận Nam Từ Liêm có ý kiến như sau:
Thứ nhất, “theo quy định, việc quản lý vận hành nhà chung cư do đơn vị quản lý vận hành ký hợp đồng với BQT nhà chung cư thực hiện”. Đáng chú ý, quận Nam Từ Liêm có “ý kiến” đề nghị các bên nghiêm túc thực hiện như sau: Trong thời gian chờ kết quả phân định trong việc tranh chấp sở hữu chung, riêng; để đảm bảo an toàn cho cư dân, tổ chức trong tòa nhà, “đề nghị các bên giữ nguyên hiện trạng để tòa nhà vận hành bình thường”.
Hướng dẫn tạm thời của Quận đã bị "biến tấu" trong văn bản của chủ đầu tư gửi BQT CT3 Lê Đức Thọ
Nhưng, văn bản của quận lại bị C’Land biến tấu trong văn bản ngày 6.7 gửi BQT thành: “Tại công văn 1379/UBND-QLĐT của UBND quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo Công ty CP Đầu tư BĐS Hà Nội tiếp tục quản lý vận hành tòa nhà”!?
Về nội dung “đề nghị các bên giữ nguyên hiện trạng…” nêu trong văn bản của Quận, LS. Trần Tuấn Anh luận giải: “Điều này đã rất rõ ràng. Phần nào của chủ đầu tư thì cứ quản lý, sử dụng. Cái gì dân đang quản lý, sử dụng thì cứ duy trì. Nếu hầm 1, hầm 2 đang do người dân quản lý thì giữ nguyên hiện trạng”.
Đặc biệt, LS. Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Văn bản của quận không hợp lý. Bởi, sự việc chưa được xếp vào dạng tranh chấp gì cả, mà UBND quận lại ra văn bản theo dạng….công văn tạm thời. Đó không phải là quyết định hành chính, chẳng phải thể loại gì trong điều hành quản lý. Nhưng lại yêu cầu các bên phải giữ nguyên hiện trạng?! Nếu giữ nguyên hiện trạng mà xảy ra thiệt hại (đơn cử như cháy nổ) thì trách nhiệm thuộc về ai? Chúng ta có quyền khởi kiện ai để bồi thường? Liệu chăng là khởi kiện văn bản này?” – GĐ công ty Luật Minh Bạch nêu vấn đề.
Sự việc đã chuẩn bị tới "hồi kết"
Được biết, những kiến nghị “nóng” của BQT CT3 Lê Đức Thọ xoay quanh sự việc tại chung cư và hành xử của chủ đầu tư đã được gửi tới Thành ủy Hà Nội ngày 13.7. Ngày 27.7, Văn phòng Thành ủy phản hồi cho biết đã chuyển đơn liên quan đến Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm theo ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Trung Hải – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
UBND quận không có thẩm quyền ra văn bản đề nghị “không thay đổi hiện trạng”. Bản chất sự việc là tranh chấp sở hữu chung – riêng trong nhà chung cư - thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án. Văn bản của Quận chỉ là khuyến nghị cho các bên để tạm thời ổn định. Đây không phải văn bản mang tính quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các bên dựa vào văn bản này để khẳng định được tiếp tục quản lý vận hành tòa nhà (tức C’Land – PV) là trái quy định pháp luật. Đáng nói, cơ quan hành chính Nhà nước đã “can thiệp” vào quan hệ dân sự, quan hệ thương mại thỏa thuận giữa các bên. Tức, sử dụng mệnh lệnh hành chính để điều tiết các mối quan hệ kinh doanh thương mại. LS. Trần Tuấn Anh, GĐ công ty Luật Minh Bạch |