Dân Việt

Dân nghèo mong đợi chính sách hỗ trợ xây nhà phòng tránh thiên tai

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ về việc đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ nông dân, hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt khu vực miền Trung.
Theo đánh giá, đây là chính sách nhân văn, có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh bão, lũ xảy ra ngày càng khốc liệt ở các tỉnh miền Trung.

Từ thí điểm đến nhân rộng mô hình

Trước khi đề xuất chính sách này, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo và nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Theo đó, đã có 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh được xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt với tiêu chí: Sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố; giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi phòng tránh lũ, lụt.

Hậu quả bão lũ vừa qua tại xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Hậu quả bão lũ vừa qua tại xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Để có kinh phí xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt, mỗi hộ nghèo được ngân sách trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức 10 triệu đồng/hộ và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng, đóng góp của các hộ gia đình với mức tối thiểu 10 triệu đồng/hộ.

Ông Nguyễn Văn An xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) được hỗ trợ xây nhà tránh lũ năm 2012, chia sẻ: "Gia đình tui được Nhà nước hỗ trợ và vay vốn ưu đãi nên đã có nhà lầu. Từ khi có nhà khang trang, gia đình không sợ lũ lụt nữa! Mùa lũ năm rồi, nhiều bà con đã đến nhà tui tránh lũ đấy".

Đánh giá về quá trình triển khai thí điểm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Hầu hết các địa phương đã có sự quan tâm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên nên đã đạt được kết quả tốt. Một số địa phương đã bố trí thêm từ ngân sách địa phương hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng chòi phòng, tránh lũ, lụt”. Theo ông Dũng, quá trình thực hiện thí điểm thành công này đã tạo đà để Bộ Xây dựng có tờ trình Chính phủ về việc đề nghị ban hành chính sách trên.

Hỗ trợ hộ nghèo 14 tỉnh

Khi nghe tin Bộ Xây dựng có đề xuất mở rộng diện hỗ trợ nhà phòng chống lụt, bão, nhiều người dân ở miền Trung rất phấn khởi. Ông Đoàn Công Khánh (53 tuổi ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết: "Cơn bão số 11 và lũ lớn vừa qua làm cho ngôi nhà của tôi chỉ còn cái khung. Nếu được hỗ trợ như đề xuất của Bộ?Xây dựng thì chúng tôi bớt lo khi mùa mưa bão về”.

Trao đổi với NTNN, ông Võ Cao Phi - Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân (Phú Yên) cũng khẳng định: "Quyết định hỗ trợ xây nhà tránh lũ đã làm nức lòng dân nghèo, đem lại hiệu quả hết sức sâu rộng. Trong quá trình xây nhà, sự tương trợ đoàn kết của cộng đồng địa phương càng thêm rõ nét. Nếu chương trình mở rộng hỗ trợ đến hộ cận nghèo thì càng có nhiều gia đình bớt rủi ro vì lũ lụt".

Theo đề án, ngân sách nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ; với những hộ đang cư trú tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ là 12 triệu đồng/hộ. Về mức vay, các hộ dân được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất vay là 3%/năm và thời hạn vay là 10 năm, thời gian ân hạn là 5 năm.

Theo đề án của Bộ Xây dựng, đối tượng hỗ trợ của chính sách này là các hộ nghèo chưa có nhà ở kiên cố thuộc 14 tỉnh, thành phô: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong chiến lược phòng chống, giảm nhẹ thiên tai thì việc hỗ trợ nông dân, hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt khu vực miền Trung là giải pháp trước mắt. Nếu làm tốt chính sách này thì ý nghĩa của nó không đo đếm được, là tiền đề để thực hiện các giải pháp phòng chống bão, lũ mà Bộ Xây dựng đã, đang và sẽ triển khai.

Tới đây Bộ còn nhiều giải pháp cùng nông dân phòng tránh bão lũ, như xây dựng các công trình phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; bố trí, ổn định theo hình thức tái định cư tập trung hoặc xen ghép theo quy hoạch đối với các hộ gia đình trong khu vực bị lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún đất; xây dựng các nhà ở cộng đồng và tiến hành cải tạo, nâng cấp các công trình công cộng đã có; nâng cao khả năng tự phòng chống thiên tai của từng hộ gia đình"... “Khi làm tốt đồng bộ các giải pháp đó thì chúng ta hy vọng sẽ giúp người dân giảm thiểu được những mất mát, thiệt hại khi xảy ra bão, lũ”- ông Trịnh Đình Dũng nói.

Ông Võ Đồng Quang - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam: “Ở đây, mỗi khi lũ lụt cực khổ vô cùng, nhất là những nhà ở vùng trũng thấp mà không thể xây cao kiên cố. Việc được hỗ trợ xây nhà làm cho các hộ nghèo vui mừng, không sợ bão lũ nữa".

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch UBND xã Đại Quang: “Toàn xã Đại Quang còn đến 252 hộ nghèo, đa số ở vùng trũng, quanh năm chịu ảnh hưởng lũ lụt ngập. Nếu chính sách được triển khai ở Đại?Quang thì những người dân sẽ an tâm sản xuất, làm ăn”.