Dân Việt

Tăng trừng phạt Nga, Triều Tiên, Iran, Mỹ đối mặt nguy cơ khủng khiếp này

Phương Đăng (tổng hợp) 31/07/2017 11:57 GMT+7
Mỹ được cho là đang đối mặt với nguy cơ chiến tranh tổng lực với bộ 3 Nga, Triều Tiên, Iran sau khi Thượng viện và Hạ viện nước này đồng thời thông qua các lệnh trừng phạt mới nhắm vào 3 quốc gia trên.

img

Tăng trừng phạt Nga, Triều Tiên, Iran, Mỹ cũng đối mặt nguy cơ chiến tranh tổng lực.

Thượng viện Mỹ ngày 27.7 nhất trí thông qua dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga, Iran và Triều Tiên sau khi dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua trước đó.

Dự luật này sẽ được chuyển tới Nhà Trắng trong bước lập pháp cuối cùng trước khi chính thức có hiệu lực.

Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump có 10 ngày để quyết định sẽ phê chuẩn hoặc phủ quyết dự luật này. Trong trường hợp ông Trump chọn phủ quyết, dự luật sẽ vẫn có hiệu lực nếu 2/3 thành viên lưỡng viện quốc hội Mỹ bác bỏ quyết định của tổng thống.

Trước khi Thượng viện bỏ phiếu, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói rằng chính quyền Trump sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chống lại Nga, Triều Tiên và Iran.

"Chúng tôi sẽ chờ xem dự luật cuối cùng sẽ như thế và sẽ đưa ra quyết định tại thời điểm đó", bà Sanders nhấn mạnh thêm. 

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nhấn mạnh rằng, đây là "một trong những gói trừng phạt toàn diện nhất lịch sử và sẽ giữ nước Mỹ an toàn".

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố "Dự luận là thông điệp mạnh mẽ cảnh cáo những kẻ hiếu chiến".

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc tăng trừng phạt đồng thời bộ 3 Nga, Iran, Triều Tiên cũng đặt Mỹ vào tình thế nguy hiểm khi động thái này có thể kích hoạt những phản ứng cực đoan từ các nước trên. Nga, Triều Tiên và Iran đã có những bước đi đầu tiên để đáp trả lại động thái của Mỹ.

img

Iran, Nga, Triều Tiên đã có những bước đi đầu tiên đáp trả các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Trong ảnh, từ trái qua phải: Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30.7 vừa đích thân công bố quyết định trục xuất 755 nhân viên ngoại giao Mỹ - động thái đáp trả mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt mới Mỹ áp đặt đối với Nga.

Ông chủ Điện Kremlin thậm chí còn cảnh báo, Nga có thể tiến hành thêm các biện pháp trả đũa Mỹ nhưng chưa phải ngay lúc này.

Trong khi đó, cùng ngày (30.7) Triều Tiên cũng mạnh mẽ đe dọa sẽ có "hành động quyết định" nếu Mỹ tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt mới chống lại nước này.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, nếu Mỹ tiếp tục gây áp lực quân sự đối với Triều Tiên cũng như tăng cường các biện pháp trừng phạt nước này, thì "họ sẽ đáp trả bằng hành động kiên quyết và tương xứng". Hãng Kyodo nhận định rằng, tuyên bố này chứa đựng mối đe dọa tiềm ẩn và ám chỉ đến việc Triều Tiên sẽ có thêm các hành động khiêu khích quân sự hơn nữa.

Đêm 28.7, Triều Tiên tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 từ một địa điểm bí mật tại tỉnh Chagang. Đây là lần đầu tiên Bình nhưỡng thử nghiệm tên lửa đạn đạo vào ban đêm.

Ngay sau đó, Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwaseong-14. Theo hãng tin KCNA, tên lửa đã bay trong thời gian 47 phút, 12 giây, đi được quãng đường dài 998 km và rơi xuống sau khi đạt độ cao tối đa là 3.724,9 km. Theo giới chuyên gia,  tên lửa Triều Tiên thử hôm 28.7 có khả năng tấn công lục địa Mỹ như Denver và Chicago.

Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley cảnh báo: "Triều Tiên cực kỳ nguy hiểm và ngày càng nguy hiểm hơn".

Còn về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng từng giận giữ tuyên bố sẽ "đáp trả thích đáng" những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

"Chúng tôi sẽ không bỏ qua cho những hành động vi phạm của người Mỹ và chúng tôi sẽ chống lại điều đó", ông Rouhani khẳng định.

Ngày 27.7, Iran tuyên bố phóng thành công tên lửa chở theo vệ tinh vào không gian, song giới chuyên gia cho rằng vụ thử nhằm che đậy chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa của nước này và đây là một động thái "dằn mặt" Mỹ.

Truyền hình nhà nước Iran nói tên lửa Simorgh, nghĩa là phượng hoàng trong tiếng Farsi, có khả năng chở một vệ tinh 250 kg bay xa tới 500 kilomet bên trên Trái đất, nhưng không nói rõ về trọng tải của tên lửa.

Giới chuyên gia khu vực nhận định, vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Iran nhằm gửi đi một thông điệp tới Washington sau khi lưỡng viện Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran, Nga và Triều Tiên. Trước đó, Mỹ hồi đầu tháng đã gia tăng chế tài kinh tế nhắm vào Tehran vì chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.