Dân Việt

Người thầy giáo đặc biệt hơn 30 năm dạy miễn phí cho trò nghèo

Dũ Tuấn 03/08/2017 12:58 GMT+7
Mang trong mình căn bệnh quái ác, hơn 30 năm qua thầy giáo Lê Quốc Hưng (52 tuổi, trú thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Định) không ngồi được mà chỉ có thể đứng để giảng bài.

Căn bệnh quái ác... 

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, từ nhỏ anh Lê Quốc Hưng đã bị ám ảnh khi chứng kiến nhiều người trong làng mắc bệnh nan y nhưng không có tiền chạy chữa. Thương cảnh làng quê khốn khó, anh ấp ủ giấc mơ thi vào trường Đại học Y dược Huế, trở thành bác sĩ giỏi để chữa bệnh.

Thế nhưng, ước mơ ấy bỗng chốc tan tành bởi tại năm học lớp 12, anh Hưng gặp phải biến cố của cuộc đời. Tay chân anh đau rút, các khớp xương sưng húp… không thể cử động được. Bố mẹ thương con, dành dụm hết của cải, vật chất mang anh đi cầu cứu khắp nơi nhưng chẳng được kết quả gì.

Đến khi vào TP Hồ Chí Minh khám bệnh, bác sĩ kết luận anh mắc chứng bệnh viêm dính khớp xương. Căn bệnh này tốn nhiều tiền nhưng khó chữa, từ đó cả sự sống đổ sập ngay trước mắt, biết bao hoài bảo, mơ ước… của anh, bỗng chốc tan vỡ theo cơn đau ấy.

Suốt 5 năm chạy chữa, của cải gia đình cũng “đội nón” ra đi theo căn bệnh quái ác. Nỗi đau thể xác kèm sự thất vọng khi nhìn bạn bè cùng lớp đến trường đã khiến anh tuyệt vọng. Từ 1 người năng động, cầu tiến… anh bỗng chốc trở thành 1 người tự ti, ít tiếp xúc bên ngoài.

img

Dẫu mang bệnh, anh Lê Quốc Hưng vẫn miệt mài gieo chữ cho bao thế hệ học trò. Ảnh: D.T

Nhấp chén trà nóng, anh Hưng bảo: “Có lúc, tôi chỉ muốn chết đi để khỏi phải chịu nỗi đau, bớt đi gánh nặng cho gia đình. Tuổi thanh niên nhưng chỉ nằm một chỗ bắt cha mẹ lo cho cái ăn, giấc ngủ thấy đau đớn vô cùng. Thời điểm ấy, tôi chỉ là 1 đứa con vô dụng. Ước mơ không dám nghĩ đến, bạn bè cũng không muốn tiếp xúc, yêu đương lại càng không… cuộc sống chỉ là 4 bức tường nhà quen thuộc”.

Thế rồi, trong 1 lần buồn bã suy nghĩ về số phận của mình, anh Hưng chứng kiến những đứa trẻ trong làng “cõng nhau” vượt khó đến trường. Dẫu trong nhà còn thiếu cái ăn, quần áo nhếch nhác… chúng vẫn hồ hởi đeo bám con số, mặt chữ. Ngay lúc ấy, anh Hưng nghĩ mình cần gượng dậy, làm điều gì đó để có ích cho đời. Đến 23 tuổi, anh bắt đầu mở lớp dạy học miễn phí và “chiêu mộ” những học trò nghèo trong làng đến lớp.

“Để bắt đầu công việc, tôi mượn sách của học sinh về mày mò, tìm hiểu. Ban đầu, chỉ có vài ba học sinh đến lớp. Cả căn nhà có 1 chiếc giường nên tôi mua chiếu về trải cho học trò ngồi thay cho bàn học. Vui nhất là mấy đứa thi đỗ đại học, ra trường có việc làm xong tụi nó về thăm vẫn gọi mình bằng thầy trìu mến như hồi còn đi học” - anh Hưng nhớ lại.

img

Cơn đau hành hạ, anh Hưng không thể ngồi mà phải đứng để giảng bài. Ảnh D.T

Đi qua bóng tối... 

Hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy trẻ không lương, anh Hưng có rất nhiều thế hệ học trò. Cứ học trò nào tìm đến, đối với người thầy này là một niềm vui, một sứ mệnh mới cần thực hiện mà chẳng mảy may lấy một đồng học phí của những đứa trẻ. Cuộc sống trang trải qua ngày, chỉ nhờ vào phụ cấp 400.000 đồng của Nhà nước. Hàng xóm cảm động trước tấm lòng người thầy tật nguyền, mỗi bữa cơm lại mời anh sang dùng cơm như người trong gia đình.

Trong căn phòng chỉ rộng chừng 20m2, lởm chởm gạch đá, từ 8 giờ sáng lớp học của anh Hưng vào giờ cao điểm với khoảng 20 cô cậu học trò, ê a… vang cả xóm làng. Vừa nắn nót chỉ cho cháu học sinh mẫu giáo viết chữ xong, anh lại quay sang giảng toán cho các học trò khác. Dẫu mồ hôi ướt đẫm trên vạt áo cũ kỹ nhưng nụ cười của anh chưa bao giờ tắt.

Cả người đơ cứng vì căn bệnh, anh không ngồi được mà chỉ có thể đứng để giảng bài. Chỉ khớp gối và hai bàn chân hoạt động được, chật vật di chuyển từng bước nhỏ đến chỗ các học trò. Bất tiện, khó khăn nhưng hơn 30 năm anh vẫn gắng bó với những đứa trẻ nơi đây.

img

Việc đi lại của anh Hưng cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi bệnh tật đeo bám. Ảnh D.T

Thấy thầy thấm mệt, cậu học trò lớp 5 Lê Hoàng Liêm (trú thôn Tuân Lễ) hỏi thăm: “Thầy mệt không thầy ơi, con lấy nước thầy uống nhé”. Nghe giọng thân quen của cậu học trò, anh Hưng nở nụ cười thân thiện, rồi đáp gọn: “Thầy không sao, con lo chăm chú học đi”.

Theo lời tâm sự của Liêm, học với thầy Hưng vui vẻ và tiếp thu kiến thức rất nhanh. Nhiều câu hỏi, bài toán khó không có cơ hội hỏi trên lớp thì Liêm mang về nhà để nhờ thầy giải đáp.

Hơn 30 năm qua, nhiều thế hệ học trò của anh đã học hành đến nơi đến chốn, thi đỗ vào đại học và có cuộc sống ổn định. Dẫu thời gian vội vã trôi nhưng khuôn mặt, giọng nói… của từng đứa trẻ, anh vẫn nhớ như in.

Anh khoe với tôi, em Lê Thị Thi được anh kèm học từ lớp 6, rồi thi đỗ đại học ngành sư phạm. Hiện, đang là giáo viên một trường tiểu học ở Gia Lai có thu nhập ổn định. Khi kể về những đứa học trò cũ, khuôn mặt anh Hưng bỗng dưng chuyển sắc hồ hởi, anh không giấu nổi niềm vui của mình.

“Ước mong của tôi hiện giờ là có sức khỏe thêm chục năm nữa để kèm học cho mấy đứa học trò. Ngày trước, dang dở chuyện học hành nên tôi muốn được vận dụng tất cả kiến thức mình có để dạy cho các trò… Niềm vui, ước mơ của tôi lúc chưa làm được, giờ đành gởi gắm và nhờ những đứa trẻ thực hiện vậy”- anh Hưng chia sẻ.

“Thầy Lê Quốc Hưng là tấm gương tiêu biểu của nghị lực vượt khó phi thường. Thầy Hưng đã vượt qua bệnh tật để mang lại kiến thức, niềm vui cho bao thế hệ học sinh của địa phương, đây là tấm gương đầy nghị lực đáng để học tập và trân trọng”.

(Ông Nguyễn Tấn Định- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước)