Để cái "muốn" và cái "được" gần nhau hơn.
Ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF dường như không quan tâm lắm đến những gì dư luận đang sôi sục, ông chỉ nói: "Mọi việc đang tiến triển tốt theo đúng tiến trình". Theo ông, những gì mà VFF trước đây rất khó đưa vào được điều lệ hoặc thêm vào điều lệ bổ sung sẽ được giải quyết dễ dàng một khi VPF (Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp) ra đời.
Bóng đá Việt Nam có thăng hoa khi VPF ra đời? |
Theo thông lệ, các đơn vị tổ chức giải bóng đá (tương tự như hình thức của VPF) của những nước có nền bóng đá phát triển sẽ được hoàn toàn tự quyết để thay đổi tất cả những vấn đề liên quan tới công tác tổ chức một giải bóng đá (lịch thi đấu, thay đổi nhân sự, thay đổi người điều hành…), miễn là các vấn đề ấy không vi phạm điều lệ của Liên đoàn Bóng đá nước đó. Tuy nhiên, tại Việt Nam nhiều năm nay, mỗi khi VFF muốn có sự thay đổi ở giải đấu V.League thì những quyết định đó sẽ theo một trình tự hành chính dài dằng dặc.
Nếu VPF ra đời và đi vào hoạt động thì những sự kiện "vụn vặt" ấy sẽ không cần đến sự quyết định của các đơn vị hành chính lớn theo kiểu "Mang búa tạ đi giết kiến" như bấy lâu nay vẫn làm.
"Khi việc tự quyết tăng cao thì ngay chuyện điều kiện sân bãi, khán đài thậm chí cả việc giữ gìn sạch sẽ khu vệ sinh cũng được đưa vào quy định để phục vụ khán giả được tốt hơn. Đội bóng nào, CLB nào không đảm bảo những chuyện dù là nhỏ nhặt ấy cũng sẽ bị xử lý. Khán giả sẽ thấy được tôn trọng hơn" - ông Trần Quốc Tuấn, Tổng Thư ký VFF cho biết.
Tuy nhiên, khi VPF được tăng quyền tự quyết thì có nghĩa vai trò giám sát của VFF sẽ càng phải được nâng cao. "Cánh tay" VPF là cực mạnh với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp "Hàng đầu Việt Nam", hiện tại với đề án, tổng vốn pháp định của họ là hơn 21 tỷ đồng, vì thế để điều khiển được "cánh tay" lực lưỡng này thì "bộ não" VFF sẽ càng phải hoàn thiện hơn.
"Bộ não" VFF và "cánh tay" VPF
Giải thích về những dư luận cho rằng: VPF là một tổ chức mới thay thế cho VFF, ông Trần Quốc Tuấn cho biết "Thực ra cũng không thể trách dư luận về việc này khi mà tiến trình thay đổi xảy ra quá mau lẹ".
Trên thực tế, đề án về việc thành lập công ty tổ chức giải bóng đá (theo xu hướng của các nước có nền bóng đá phát triển) đã có từ 3 năm nay. Tuy nhiên, đến năm nay cơ hội mới chín muồi khi các CLB đã doanh nghiệp hóa hoàn toàn và chính xác hơn là được sự đồng thuận cao của các ông chủ CLB.
Ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF
Việc hình thành VPF mới chỉ hoàn thiện về mặt ý tưởng nhưng ông Tuấn khẳng định: "Nếu xét về mặt doanh nghiệp thì VFF có 35,6% cổ phần tại VPF, là cổ đông lớn nhất vì thế không có chuyện VFF phải lép vế trước VPF".
Các vấn đề vốn rất nhạy cảm trước nay của bóng đá Việt Nam cũng không thể giải quyết rốt ráo một khi VPF ra đời: Chuyện "đội anh - đội tôi" , việc trọng tài, việc mua bán, thưởng, phạt... vì chuyện đó nằm trong sự hành xử của mỗi ông chủ CLB. Tuy nhiên, để đỡ bị các CLB phàn nàn, khiếu kiện sẽ được triệt để giải quyết - mọi quyết định sẽ dựa trên số phiếu của các CLB tham gia VPF. Vì thế, sẽ không có chuyện các đội buông xuôi thậm chí "mua - bán" điểm với nhau nữa".
Xem ra, VFF sẽ còn phải tiếp tục hoàn thiện mình hơn nữa cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Sự ra đời của VPF là một thách thức lớn mà VFF phải trải qua. Tính tự quyết cao của VPF lại càng cần hơn đến sự công tâm của những người điều khiển nó.
Nam Hải