Thượng tọa Thạch Thưa bên con đường nhựa ấp Ðại Trường.
Phú Cần là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm trên 62% dân số. Riêng ấp Đại Trường tỷ lệ hộ Khmer chiếm hơn 90%. Ðời sống bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp và độc canh cây lúa năng suất thấp. Thượng tọa Thạch Thưa cùng với địa phương đã tích cực vận động bà con phật tử tham gia phát triển kinh tế gia đình, thay đổi tập quán sản xuất cũ, lạc hậu để áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Anh Lâm Rinl, một người dân ấp Ðại Trường vui vẻ nói: “Chuyện bắt đầu từ năm 2008, mọi người ngỡ ngàng khi thấy sư cả hướng dẫn các đệ tử xuống giống lúa trên mảnh ruộng 2,3ha đất chùa với kỹ thuật khác hẳn: Sạ hàng với lúa giống ít hơn, bón phân và thuốc cũng rất hạn chế. Thậm chí, khi lá mạ non bị rầy ăn tơi tả, chùa vẫn không phun thuốc. Tìm hiểu mới biết, sư làm theo hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp. Thực ra, các kỹ thuật này nông dân nghe cán bộ khuyến nông nói nhiều, nhưng họ không làm theo”.
Thế là sư cả Thạch Thưa trở thành “cầu nối” hiệu quả nhất, nói một lần là họ làm theo ngay. Ông Thạch Ngọc Sang, Bí thư Chi bộ ấp Đại Trường cho biết thêm, qua vận động toàn ấp có 280ha đất được bà con chuyển sang phương pháp sạ hàng và áp dụng qui trình “3 giảm, 3 tăng”. Với diện tích trên, mỗi vụ bà con tiết kiệm được 22.400kg lúa giống, qui thành tiền gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó giảm đáng kể về phân bón, thuốc BVTV…Thế mà trước đây, năng suất lúa bình quân 5,6 tấn/ha, nay lên 7 tấn/ha. Cá biệt, nhiều hộ đạt 8 tấn/ha.
Nhờ vậy, hộ nghèo của ấp Ðại Trường hàng năm giảm đáng kể, hiện chỉ còn 20 hộ (chiếm 6,1%). “Ngoài ra, sư thường xuyên vận động nhân dân cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn. Ðến nay, toàn ấp có 281/330 hộ có hố xí hợp vệ sinh và 298/330 hộ được sử dụng nước sạch. Ấp có 300/330 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; liên tục được công nhận ấp văn hóa từ năm 2008 đến nay”, ông Sang nói.
Thượng tọa Thạch Thưa cùng các vị sư sãi và Ban quản trị chùa rất tích cực phối hợp cùng chính quyền tuyên truyền, vận động phật tử, bổn sóc đóng góp cùng ngày công lao động, xây dựng đường, cầu, thủy lợi nội đồng…, chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM).
Như công trình lộ nhựa ấp Ðại Trường có chiều dài 1.124m, mặt đường rộng 3,5m, tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng (đưa vào sử dụng cuối năm 2013), sư cùng với chính quyền vận động 45 hộ dân sống ven tuyến lộ này hiến gần 4.000m2 đất, hơn 200 cây dừa và nhiều cây ăn trái, hoa màu, vật kiến trúc khác để con đường được thi công, nhằm tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa và tạo nên bộ mặt xã NTM.
Thượng tọa Thạch Thưa tâm sự: Nếu đời tốt thì đạo sẽ tốt, đôi bên bổ trợ nhau cùng phát triển, nếu xã hội không bình an thì làm sao sinh hoạt đạo và ngược lại, nếu chăm lo phát triển đạo trong khi dân khổ, phum sóc không phát triển, thì không đúng lời phật dạy. Như vậy giáo lý của nhà phật cũng phù hợp với mục tiêu mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn, đó là một nền dân chủ XHCN. Tức là một xã hội mà ở đó mọi người đều được sống trong hòa bình, tự do, độc lập, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển, phồn vinh.
“Mặc dù trong quá trình vận động, tuyên truyền gặp không ít khó khăn, nhưng tôi luôn quyết tâm, không ngừng phấn đấu để giúp đỡ bà con. Vì niềm vui của họ cũng chính là niềm niêm của bản thân tôi”, sư cả Thạch Thưa nói.
Để nâng cao dân trí cho con em đồng bào dân tộc Khmer, Thượng tọa Thạch Thưa kết hợp với trụ trì các chùa Khmer trong huyện đưa 1.000 em học sinh và chư tăng đã xuất gia theo học các lớp dạy chữ Pali và Khmer vào các dịp nghỉ hè. Vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 1.000 phần quà để tặng cho các cụ cao tuổi có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hộ nghèo và các em học sinh nghèo hiếu học, vào các dịp lễ của đồng bào Khmer. |