Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Minh Huệ
Vừa qua, ông Tô Hiến Thành, một chủ trang trại ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã phải gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phản ánh, do không vay được vốn ngân hàng, gia đình ông đã phải vay “tín dụng đen” dẫn tới phải chịu lãi suất “cắt cổ”. Vì sao lâu nay chúng ta đã ban hành nhiều chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nhưng nông dân (ND) vẫn không vay được vốn ngân hàng, theo ông?
- Không riêng gì ông Thành, lâu nay người dân vẫn thường phải vay nặng lãi từ tư nhân. Nguyên nhân do họ không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, do thủ tục vay ngân hàng quá phức tạp và giải ngân chậm, phải chờ đợi từng đợt vay với lượng tiền quy định, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất. Trong khi đó, vay từ tư nhân thủ tục rất đơn giản, không yêu cầu thế chấp, đáp ứng ngay khi có nhu cầu với lượng tiền cho vay cao hơn…
Đối tượng ưu tiên của hầu hết ngân hàng hiện nay vẫn chủ yếu là cho vay doanh nghiệp. Còn thủ tục đối với hộ cá thể, nhất là với ND chưa được thông thoáng lắm, bởi vướng mắc lớn nhất vẫn là do ND không có tài sản thế chấp. Đất đai sản xuất có khi do bà con thuê, còn tài sản trên đất như vườn cây thì không thể dùng thế chấp. Trong khi về mặt nguyên tắc, ngân hàng vẫn phải đảm bảo có tài sản thế chấp để đề phòng và xử lý rủi ro.
Bên cạnh đó, ngân hàng nào cũng phải hoạt động dựa trên lợi ích của họ. Muốn các ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thì Chính phủ phải “khơi thông” về chính sách, phải có người đứng ra chịu rủi ro, phải tính tới phương án bù lãi suất cho ngân hàng nếu họ bị thiệt hại. Cần phải làm rõ ai là người chi trả phần chênh lãi suất so với cho vay thương mại.
Nông dân huyện Sông Công (Thái Nguyên) chăm sóc gà theo quy trình an toàn sinh học. Ảnh: Minh Huệ
Như vậy, thực tế không phải do ngân hàng gây khó dễ, mà do chính sách ưu đãi tín dụng của chúng ta chưa thực sự hướng đến người dân?
- Cũng có một phần các ngân hàng không muốn cho đối tượng hộ ND vay vốn, vì đây vẫn là đối tượng vay nhỏ, dù hộ ND có doanh thu 12 tỷ đồng hay 70 tỷ đồng/năm thì hiện nay họ vẫn là khách hàng nhỏ. Trong khi ngân hàng là doanh nghiệp, họ làm việc phải dựa trên lợi ích của doanh nghiệp.
Mặc dù nếu xét trên thực tế hiện nay, nợ xấu trong cho vay nông nghiệp, nông thôn ít hơn nhiều so với các dự án cho vay bất động sản, thương mại, nhưng nó cũng phản ánh thực tế là doanh số vay còn ít. Đối với các ngân hàng thương mại, việc thực hiện cho vay với những món vay hàng chục tỷ, vài trăm tỷ đồng sẽ dễ quản lý hơn cho vay nhiều khách hàng với nhiều món vay nhỏ.
Cũng phải thừa nhận một câu chuyện, khi triển khai làm thủ tục cho vay vốn, các nhân viên ngân hàng “thích” cho vay doanh nghiệp hơn bởi những câu chuyện “tế nhị” đằng sau. Lâu nay ND đi vay vốn gần như không có ý niệm về chuyện phải nhờ vả, phải “đi đêm” với ngân hàng hay phải trích bao nhiêu phần trăm số tiền được vay để “cảm ơn”, mời người cho vay đi ăn uống, du lịch..., nhưng nhiều doanh nghiệp thì đã quá quen với chuyện “lại quả”, gần như đã thành luật ngầm giữa các doanh nghiệp với bên nhận hồ sơ cho vay vốn.
Anh Nguyễn Đình Toản đổ cám cho đàn cá ăn tại trang trại của gia đình ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Ảnh: Đ.Q
So với một số quốc gia khác, ND Việt Nam vẫn khó vay vốn hơn và phải vay với lãi suất cao hơn nhiều. Trước đây Trung Quốc có chính sách cho vay để sản xuất cây tre, theo đó họ chỉ quy hoạch cho 2 tỉnh trồng tre và ban hành 2 chính sách: Miễn thuế đất trồng tre và hỗ trợ 50% lãi suất thông qua ngân hàng cho tất cả những người trồng tre, doanh nghiệp tham gia vào chế biến và xuất khẩu tre. Bất kể đó là ND, doanh nghiệp hay hợp tác xã đều được hưởng chính sách ưu đãi đó”. Ông Hồ Xuân Hùng |
Vậy theo ông, để cải thiện câu chuyện này, cần làm thế nào để nông dân được vay vốn nhiều hơn, thuận lợi hơn?
- Tôi cho rằng một là phải rà soát, xét lại toàn bộ hệ thống giấy tờ, thủ tục hành chính, xem ND đi vay vốn ngân hàng cần những gì, bao nhiêu thời gian, thủ tục gì không cần thiết thì loại bỏ? Hai là phải trở lại vấn đề coi đất đai là tài sản của ND và ND có thể dùng đất, cũng như tài sản trên đất để thế chấp vay vốn. Tài sản trên đất cũng phải xác định rõ cái gì được làm tài sản thế chấp, cái gì không? Kể cả tài sản đó là cây lâu năm, nhưng lỡ ngày mai ND chặt bán đi thì sao?
“Tài sản thế chấp” mới chính là rào cản lớn nhất trong vướng mắc về vốn cho vay tam nông hiện nay. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với Chính phủ sửa đổi vấn đề này nhiều lần, và mới đây Tổng hội NNPTNT cũng đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Tích tụ ruộng đất – những vấn đề được, mất”, trong đó đã chỉ ra vấn đề khó nhất trong tập trung và tích tụ ruộng đất hiện nay. Đó là chúng ta chưa coi đất đai là quyền sở hữu tài sản của ND. Chỉ khi ND có quyền sở hữu đất đai, họ mới có quyền thế chấp tài sản. Bây giờ chúng ta mới có quy định về quyền sử dụng đất mà thôi.
Cùng với chính sách về đất đai, Chính phủ phải thực hiện đầy đủ việc bù lãi suất cho vay với ngân hàng. Hiện nay vẫn có ngân hàng mà Chính phủ yêu cầu tự cân đối phần lãi suất bị giảm khi thực hiện cho vay ưu đãi. Đúng ra, khi các ngân hàng thực hiện nhiệm vụ chính trị, Chính phủ cần làm rõ sẽ bù bao nhiêu thì mới có thể huy động các ngân hàng tham gia tích cực. Chứ nhìn đâu ngân hàng cũng thấy rủi ro, thất thoát thì đương nhiên họ sẽ không mặn mà.
Xin cảm ơn ông!
Anh Nguyễn Đình Toản, chủ trang trại nuôi thủy sản ở xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương): Thu nhập hơn chục tỷ đồng vẫn khó vay vốn Cuối năm 2014, sau khi dồn điền, đổi thửa, địa phương có chủ trương khuyến khích các hộ dân chuyển đổi khu ruộng trũng thành vùng chăn nuôi thủy sản tập trung theo mô hình ao nổi. Gia đình tôi đã mạnh dạn chủ động đấu thầu trên 30 mẫu ruộng trũng của 120 hộ dân (định mức 150kg thóc/sào/năm) và đầu tư hơn 6 tỷ đồng để cải tạo, xây 25 ao nổi nuôi các loại cá: trắm, chép, trôi, mè, rô phi… Sau 3 năm phát triển đến nay gia đình tôi đã thuê và mua thêm hơn 40 mẫu ruộng hoang để cải tạo để nuôi thêm cá rô phi và trắm, chép. Hiện, mô hình nuôi cá của gia đình tôi đang phát triển rất thuận lợi, sản phẩm cá nuôi cũng dễ bán và được giá. Năm nay, ước tính sản lượng cá của gia đình sẽ đạt trên 300 tấn, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu cao song tôi cũng nói thật là hiện trang trại vẫn đang vay nợ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) 5 tỷ đồng. Để có được số tiền trên tôi đã phải mượn 6 "sổ đỏ" của người thân để thế chấp mới có thể vay được tiền. Trong thời gian tới, tôi đang có dự định thu gom hết khoảng 50 mẫu ruộng bỏ hoang tại xã để đầu tư đào ao, đầm nuôi thủy sản tiến tới thành lập HTX chăn nuôi thủy sản VietGAP. Gia đình tôi đang rất muốn vay thêm khoảng 3 tỷ đồng nữa để mua, thuê đất ruộng hoang để đầu tư mở rộng ao, đầm nuôi cá, tôm song, hiện tôi vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về tài sản thế chấp để vay vốn. Trong thời gian vừa qua tôi đã nhiều lần có ý kiến đề đạt với lãnh đạo xã, huyện nhưng do bất cập về chính sách cho vay nên chính quyền không đủ thẩm quyền để giúp đỡ. Mong rằng, trong thời gian tới, Chính phủ sớm vào cuộc sửa đổi lại chính sách cho vay để gia đình tôi có cơ hội được tiếp cận vốn ưu đãi để phát triển trang trại chăn nuôi cá. Đăng Quang (ghi) |