Chiều 2.8, UBND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Tổng cục Đường bộ về đề xuất miễn, giảm phí qua trạm thu phí BOT Quảng Trị.
Từ khi trạm BOT Quảng Trị đi vào hoạt động, nhiều phương tiện giao thông né trạm đi vào đường làng xã Triệu Giang gây hư hỏng, nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, kể từ khi trạm thu phí BOT Quảng Trị đặt tại Km 763 + 800 quốc lộ 1A (trên địa bàn xã Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị) đi vào hoạt động, người dân của tỉnh có rất nhiều ý kiến phản ánh sự bất cập về vị trí đặt trạm BOT. Vấn đề này đã được UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo Bộ GTVT hồi tháng 2.2017.
Theo số liệu của Sở GTVT Quảng Trị, tổng số phương tiện ô tô trên địa bàn tỉnh là 18.878 xe. Trong đó số phương tiện tại thành phố Đông Hà và huyện Triệu Phong - nằm kế cận trạm thu phí BOT Quảng Trị là 9.186 phương tiện.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khẩn khoản đề nghị Tổng cục Đường bộ quan tâm miễn, giảm phí theo đề xuất của tỉnh. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trên cả nước, Quảng Trị là tỉnh hiếm khi trạm BOT đặt ngay giữa hai trung tâm đô thị là TP.Đông Hà và huyện Triệu Phong. Ngoài ra, người dân ở thị xã Quảng Trị, Hải Lăng cũng thường xuyên phải đi qua trạm BOT để đến với trung tâm hành chính của tỉnh là TP.Đông Hà nên việc bức xúc về giá phí là đương nhiên.
Đại tá Trần Đức Việt, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho hay, người dân vô cùng bức xúc vì giá phí phải nộp khi qua trạm BOT Quảng Trị.
Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ không chấp thuận đề xuất của tỉnh Quảng Trị và đề nghị tỉnh này đề xuất lại phương án khác. Ảnh: Ngọc Vũ
Đại tá Việt nhấn mạnh, những bức xúc về phí qua trạm BOT Quảng Trị là nguy cơ tiềm ẩn mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ xem xét áp dụng cơ chế miễn giảm phí qua trạm BOT Quảng Trị.
Cụ thể, miễn 100% giá dịch vụ sử dụng đường bộ với các phương tiện cơ giới của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú, các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn TP.Đông Hà và huyện Triệu Phong. Các địa phương còn lại giảm 50% mức phí.
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, nhờ có BOT quốc lộ 1A mới tốt và thông thoáng như ngày nay. Công lao của BOT là không thể phủ nhận nhưng việc thu phí BOT cần phải xem xét hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân để cùng nhau phát triển.
Đại tá Trần Đức Việt, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho rằng, sự bức xúc của người dân về trạm thu phí BOT tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Chính khẩn khoản đề nghị Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT cần quan tâm, ưu tiên cho Quảng Trị vì tỉnh còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, với đề xuất miễn, giảm phí như trên của tỉnh Quảng Trị là không thể được.
Tổng cục Đường bộ đề nghị Quảng Trị xây dựng lại phương án giảm cho TP.Đông Hà và Triệu Phong từ 50-60% mức phí. Các địa phương còn lại giảm 30-40%.
Được biết, từ ngày 13.12.2016 đến nay, mức thu đối với ô tô con tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/phương tiện.
Theo bảng tính giá thu phí dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1A đoạn từ Dốc Miếu – TP.Đông Hà do Bộ GTVT và Bộ Tài chính phê duyệt, mức thu phí năm 2016 đối với xe con, xe từ 16 ghế trở xuống, xe tải nhẹ là 35.000 đồng/phương tiện; xe từ 17-35 ghế 50.000 đồng; xe trên 35 ghế, xe tải trung 75.000 đồng; xe ô tô 3 trục 140.000 đồng; xe trên 3 trục 210.000 đồng. Năm 2019 sẽ tăng lần lượt là 41.300 đồng; 59.000 đồng; 88.500 đồng; 165.200 đồng và 247.800 đồng. Năm 2022 tăng lần lượt từ 7.000 đến 44.000 đồng/phương tiện. Cứ thế, 3 năm mức phí sẽ tăng một lần. Đến năm 2037-2038 mức phí lần lượt sẽ là 111.492 đồng; 159.274 đồng; 238.911 đồng; 445.966 đồng và 668.950 đồng.