Dân Việt

Liên thông kết quả xét nghiệm: Tiết kiệm thời gian, giảm mạnh chi phí

Diệu Linh 03/08/2017 06:34 GMT+7
Từ 1.8, 38 bệnh viện tuyến trung ương đã liên thông kết quả xét nghiệm. Theo các chuyên gia, việc liên thông kết quả xét nghiệm không chỉ tiết kiệm được chi phí xét nghiệm mà còn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh khi người dân không còn phải tốn tiền, mất thời gian để chờ đợi làm các xét nghiệm “giống nhau”.

Mới liên thông xét nghiệm sinh hóa

Ngày 2.8, TS Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện (BV) Bạch Mai) cho biết, bắt đầu từ 1.8, BV cũng đã liên thông kết quả xét nghiệm với nhiều BV trung ương khác. Đã có nhiều BV cùng tuyến chuyển bệnh nhân đến mà không cần làm lại một số xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. TS Hùng nhận định, việc sử dụng lại kết quả xét nghiệm có thể tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất để liên thông kết quả xét nghiệm không phải “vì tiền” mà giảm được nhiều chi phí gián tiếp như thời gian đi lại, chờ đợi xét nghiệm của bệnh nhân. BV không bị quá tải các xét nghiệm, cũng tiết kiệm được nhân lực, thời gian của nhân viên y tế.

img

Hiện mới có các xét nghiệm sinh hóa, huyết học được liên thông xét nghiệm (Xét nghiệm máu ở Viện Huyết học Truyền máu T.Ư).  Ảnh:  Diệu Linh 

Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm chất chất lượng xét nghiệm Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ nhân viên có chuyên ngành xét nghiệm ở tuyến tỉnh đạt hơn 70%, tuyến T.Ư đạt 67%, tuyến huyện đạt 65,4%. Tỷ lệ này ở các BV tư cao nhất, đạt 84%. Trình độ của nhân viên có chuyên ngành xét nghiệm đa số là cao đẳng, trung cấp (chiếm gần 60%), đại học 31,9%), sau đại học 8,3%. 

Theo danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm vừa được Bộ Y tế ban hành, có 3 nhóm xét nghiệm được liên thông: Huyết học, hóa sinh, vi sinh. Nhóm Huyết học có 22 xét nghiệm có thể dùng lại, nhóm Vi sinh có 26 xét nghiệm, nhóm Hóa sinh có 17 xét nghiệm. Danh mục đều ghi rõ thời gian tối đa có thể dùng lại xét nghiệm từ 2-5 ngày.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng cho biết, việc liên thông xét nghiệm giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm trong một số trường hợp. Nhưng để thực hiện việc liên thông này, phòng thí nghiệm của các BV phải có chất lượng tương đương, đáp ứng các tiêu chí mà Bộ Y tế đã đưa ra. “Trước mắt, chúng tôi áp dụng liên thông xét nghiệm tại 38 BV, nơi chất lượng xét nghiệm tương đương nhau và chỉ liên thông các xét nghiệm theo danh sách mà Bộ Y tế ban hành. Qua thăm dò, lãnh đạo các BV đều yên tâm nếu dùng các xét nghiệm của nhau” – PGS Khuê nói.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh phân tích thêm, mỗi năm có tổng số 475 triệu xét nghiệm, trong đó, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các BV đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm, tăng nhanh hơn số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh. Hiện chi phí dành cho xét nghiệm chiếm khoảng 20% tổng chi phí cho y tế.

Ông Khoa nhấn mạnh, chỉ cần giảm được khoảng 1% số ca xét nghiệm và tính trung bình mỗi xét nghiệm giá 50.000 đồng, thì mỗi năm, viện phí cũng giảm được gần 240 tỷ đồng.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2017, chi xét nghiệm cận lâm sàng là 4.680 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016. Còn chi chẩn đoán hình ảnh toàn quốc là 3.441 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định, chi xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh gia tăng do bệnh nhân tham gia BHYT gia tăng, lượt khám chữa bệnh cũng gia tăng. Tuy nhiên, một nguyên nhân khá quan trọng khác là có tình trạng nhiều cơ sở y tế chỉ định quá “rộng tay”, chỉ định trùng lặp, chỉ định đồng loạt cận lâm sàng và đặc biệt là chỉ định quá mức cần thiết các xét nghiệm. Ông Sơn đánh giá, việc liên thông xét nghiệm giữa các BV là một “động thái” tốt nhằm tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh không cần thiết, giảm phiền hà cho người bệnh, giảm tải cho các phòng xét nghiệm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Lo lắng bị “ép” dùng xét nghiệm

Về lo ngại các xét nghiệm dùng lại có thể ảnh hưởng đến chẩn đoán bệnh, TS Hùng cho biết, danh sách các xét nghiệm được áp dụng liên thông cũng đã được các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu, xem xét. Theo đó, các chuyên gia đã tính đến việc sai số ở các xét nghiệm, xét nghiệm nào có thể dùng lại mà không ảnh hưởng đến chẩn đoán, quy định rõ thời gian có thể dùng lại xét nghiệm. Và chỉ có các xét nghiệm có kết quả bền vững trong một thời gian nhất định mới được dùng lại. Các BV trung ương hiện đã tương đồng về chất lượng xét nghiệm, vì thế không lo chất lượng xét nghiệm không đảm bảo.

Lại có ý kiến cho rằng, việc liên thông xét nghiệm sẽ khiến các bác sĩ bị “ép” dùng lại các kết quả xét nghiệm dù bệnh nhân cần phải xét nghiệm lại. Ông Khoa cam đoan: “Quy định về việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ không “bó chân bó tay” các bác sĩ. Các bác sĩ vẫn là người có quyết định cao nhất trong điều trị. Nếu ca bệnh nào thấy cần phải xét nghiệm thì các bác sĩ vẫn có quyền chỉ định xét nghiệm, trên tinh thần “đảm bảo chất lượng điều trị”. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cần nhớ không lãng phí nếu kết quả xét nghiệm vẫn sử dụng được”.

Ông Sơn cũng khẳng định, sức khỏe của người bệnh, hiệu quả điều trị vẫn là mục tiêu quan trọng nhất. Khi các bác sĩ chẩn đoán và nhận định bệnh nhân cần phải xét nghiệm lại thì chỉ cần chịu trách nhiệm về quyết định đó, BHYT sẽ thanh toán mà không khó khăn gì. Tuy nhiên, quy định này sẽ luôn nhắc nhở các bác sĩ, các cơ sở y tế không cần phải lãng phí các xét nghiệm không cần thiết. “Trước đây, bệnh nhân thường được chỉ định xét nghiệm chẩn đoán nhóm máu nhiều lần dù nhóm máu không thay đổi cả đời. Điều này vô cùng lãng phí” – ông Sơn ví dụ.

Theo lộ trình, đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các BV trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Khoa thừa nhận, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến chưa đồng đều. Hiện nhân lực ở các phòng xét nghiệm đang có vấn đề và rất đa dạng. Từ bác sĩ, dược sĩ, cử nhân xét nghiệm, kỹ thuật viên xét nghiệm, thậm chí đến cả điều dưỡng nhiều khi cũng được huy động để thực hiện quy trình xét nghiệm. Vì thế, để tiến đến liên thông xét nghiệm trên toàn quốc còn rất nhiều việc phải làm.

GS Đặng Thị Ngọc Dung – Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học (Đại học Y Hà Nội) cho biết, ngày càng nhiều BV thấy được tầm quan trọng của ngoại kiểm các kết quả xét nghiệm, nhằm đối chiếu và so sánh kết quả thực hiện trong BV, nâng cao chất lượng xét nghiệm. Nếu năm 2012 chỉ có 74 đơn vị tham gia ngoại kiểm thì năm 2017 đã có 1025 đơn vị. Lĩnh vực xét nghiệm được ngoại kiểm tăng từ 3 (năm 2012) lên 12 (năm 2017). Như vậy, nhiều lĩnh vực, xét nghiệm được tăng cường kiểm soát chất lượng hơn.  

img

Để liên thông kết quả xét nghiệm, các BV phải có các labo đạt chuẩn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bác sĩ phải cho xét nghiệm lại. Với bệnh nhân nặng, phải làm xét nghiệm hàng ngày, thậm chí vài lần/ngày để theo dõi diễn biến bệnh. Kể cả khi đã liên thông kết quả xét nghiệm rồi cũng không phải toàn bộ kết quả của tuyến dưới chuyển lên đều không cần làm lại, mà phải căn cứ vào bệnh trạng để chỉ định làm xét nghiệm lại hay không”.

GS-TS Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc BV Bạch Mai

img

Để tiến tới liên thông xét nghiệm rộng rãi hơn cần phải nâng chuẩn xét nghiệm của các BV lên. Điều này cần Hội đồng gồm các chuyên gia hàng đầu kiểm tra chất lượng máy móc, trình độ nhân lực của các BV theo tiêu chuẩn ISO và Hội đồng kiểm chuẩn phải chịu trách nhiệm trước việc đánh giá các kết quả xét nghiệm. Phải có hệ thống kiểm chuẩn quốc gia để kiểm tra tất cả các máy móc, nhằm đảm bảo chất lượng máy giữa các BV tương đương nhau. Nếu không chuẩn mà sử dụng lại xét nghiệm để phẫu thuật, điều trị, đến lúc bệnh nhân bị tai biến thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

GS-TS Trần Bình Giang -Giám đốc BV Việt Đức