TK-208 Dmitry Donskoy, tàu ngầm lớn nhất mọi thời đại. Ảnh: Sputnik.
Tàu ngầm được đánh giá là những sát thủ dưới lòng biển, đủ sức tấn công xóa sổ một hạm đội, thậm chí là cả một khu vực lãnh thổ rộng lớn của đối phương. Trong lịch sử quân sự thế giới, có nhiều thiết kế tàu ngầm đã lập kỷ lục trong các hạng mục khác nhau, theo Sputnik.
Lớn nhất
Tàu ngầm hạt nhân hạng nặng mang tên lửa đạn đạo Đề án 941 "Akula" của Liên Xô đang giữ kỷ lục thế giới về kích thước. Được chế tạo trong giai đoạn 1976-1986, sáu tàu ngầm Đề án 941 đã trở thành một phần quan trọng trong bộ ba răn đe hạt nhân của Liên Xô.
Mỗi tàu ngầm Akula dài 175 m, rộng 23 m và có lượng giãn nước 48.000 tấn. Tàu có khả năng mang tới 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-39, mỗi quả có tầm bắn 8.300 km và chứa 10 đầu đạn với tổng sức nổ tương đương 135 quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima. Các chỉ huy NATO gọi lớp Akula là "quân bài chủ lực của hải quân Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh".
Ngày nay, lớp Akula chỉ còn một chiếc mang tên TK-208 "Dmitry Donskoy" đang trong biên chế hải quân Nga với vai trò phòng thí nghiệm nổi. Nó từng được sử dụng để phóng thử tên lửa đạn đạo RSM-56 Bulava, vũ khí chủ lực cho các tàu ngầm Đề án 955 "Borei".
Trang bị nhiều vũ khí nhất
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Mỹ sở hữu cơ số vũ khí lớn nhất trên thế giới, với 24 tên lửa đạn đạo Trident I và Trident II. Mỗi quả Trident I có tầm bắn 7.400 km và mang theo 8 đầu đạn W76 với tổng sức nổ tương đương 53 quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima. Trong khi đó, mẫu Trident II tăng tầm bắn tới 12.000 km, mang tối đa 8 đầu đạn hạng nặng W88 với uy lực gấp 5 lần tên lửa Trident I.
Chuyên gia quân sự Andrei Kotz cho biết tàu ngầm lớp Ohio là xương sống của lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược Mỹ, với hơn một nửa sức mạnh tấn công của bộ ba hạt nhân Mỹ nằm trên loại tàu ngầm này. Không chỉ sở hữu kho vũ khí khổng lồ, lớp Ohio còn có tốc độ khi lặn lên tới 46 km/h và có thể lặn sâu tối đa 550 m.
Nhỏ gọn nhất
Danh hiệu tàu ngầm tấn công hạt nhân nhỏ nhất thế giới thuộc về lớp Rubis của Pháp, với lượng giãn nước khi lặn chỉ 2.600 tấn, nhỏ hơn 20 lần so với Đề án 941 của Nga. Lớp Rubis dài 73,6 m, rộng 8 m, biên đội 6 tàu ngầm loại này có thể nằm gọn trong một sân bóng đá.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Rubis của Pháp. Ảnh: Wikipedia.
Tuy nhỏ gọn, lớp Rubis được trang bị hệ thống vũ khí rất mạnh, không thua kém những tàu có kích thước lớn hơn nhiều. Mỗi chiếc mang theo 14 ngư lôi cỡ 550 mm và tên lửa chống hạm Exocet với tầm bắn 50 km. Lò phản ứng hạt nhân cùng thiết kế nội thất thoải mái cho phép thủy thủ đoàn 57 người làm nhiệm vụ độc lập trong 45-60 ngày liên tục.
Độ ồn thấp nhất
Vào đầu những năm 1980, hải quân Liên Xô tiếp nhận tàu ngầm tấn công diesel-điện Đề án 877 "Paltus" (lớp Kilo) đầu tiên. Qua nhiều năm, hàng chục tàu ngầm Kilo đã được chế tạo và triển khai cho hải quân Liên Xô, Nga, Ba Lan, Romania, Ấn Độ, Algeria, Iran và Trung Quốc.
Vào cuối những năm 1990 và đầu thập niên 2000, bản hiện đại hóa sâu mang tên Đề án 636 "Varshavyanka" (Kilo cải tiến) được chế tạo và biên chế cho hải quân Nga và nhiều nước khác trên thế giới. Đến cuối những năm 2000, các nhà thiết kế tiếp tục ra mắt bản nâng cấp có tên Đề án 636.3 với nhiều cải tiến về hệ thống vũ khí và triệt tiêu độ ồn.
Ưu điểm chính của Đề án 877 và 636 là độ ồn hoạt động cực thấp, khiến NATO đặt cho chúng biệt danh "hố đen đại dương". Trên thực tế, chỉ có một số loại tàu ngầm hiện đại có thể so sánh với Đề án 636, bao gồm mẫu Type-209 của Đức và Triomphant của Pháp.
Mỗi tàu ngầm Varshavyanka được trang bị 24 tên lửa hành trình Klub tầm bắn 300 km và ngư lôi. Các quả đạn đều sử dụng ống phóng 533 mm, có thể nạp đạn tự động trong vòng 15 giây sau khi bắn. Sự kết hợp của khả năng tàng hình dưới biển và vũ khí tầm xa cho phép tàu ngầm Đề án 636 tấn công nhiều loại mục tiêu, kể cả tàu sân bay được bảo vệ nghiêm ngặt.
Bí ẩn nhất
Tàu ngầm hạt nhân không người lái Status-6 của Nga được đánh giá là một trong những thiết kế bí ẩn nhất thế giới. Hình ảnh duy nhất của Status-6 vô tình bị rò rỉ trên truyền hình quốc gia Nga vào tháng 11.2015, trong cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức Bộ Quốc phòng. Hình ảnh về mẫu tàu ngầm hiện đại này đã gây chấn động trong giới phân tích quân sự phương Tây.
Hình ảnh bị rò rỉ của Status-6 trên truyền hình Nga. Ảnh: Sputnik.
Status-6 được nhận định có khả năng tàng hình và tự động hóa cao, nhiệm vụ chính là mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn tới các khu vực ven biển của đối phương.
Hồi tháng 3.2016, Tập đoàn đóng tàu thống nhất Nga (USC) xác nhận đang chế tạo tàu ngầm không người lái lớn đủ để mang theo ngư lôi riêng. Phương tiện mang tàu ngầm này cũng trong quá trình phát triển, khiến nhiều chuyên gia cho rằng Status-6 là tên mã cho mẫu tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 5 của Moscow.