Dân Việt

Cuộc sống sau khi rời nhà thổ của các bé gái bị mẹ bán trinh

Hà Phương 03/08/2017 08:45 GMT+7
Các bé gái bị ép bán trinh từ nhỏ trở thành công nhân xưởng may hoặc làm vòng tay, sau khi được giải cứu khỏi nhà thổ tại Campuchia.

Sephak mới 13 tuổi lúc bị mẹ bán làm gái mại dâm. Cô được đưa tới một bệnh viện để lấy giấy chứng nhận còn trong trắng rồi sau đó đến khách sạn. Tại đây, Sephak bị hãm hiếp nhiều lần. Sau ba đêm, cô bé mới được trả về nhà.

Sephak lớn lên ở Svay Pak, một làng chài nghèo ngoại ô thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Đây cũng là nơi nổi tiếng với nạn mua bán tình dục trẻ em. Ann, mẹ Sephak, cho biết gia đình khó khăn và ngập trong khoản nợ 6.000 USD (khoảng 136 triệu đồng). Chủ nợ ngày đêm hối thúc và đe dọa gia đình Ann phải trả tiền. Trong tình cảnh đó, Ann được một phụ nữ tiếp cận hứa sẽ cho tiền để trả nợ. Khoản tiền ấy thực chất là để mua trinh tiết của con gái Ann. Theo Sephak, mẹ em được họ đưa cho 800 USD (18 triệu đồng).

Sau khi trở về nhà, Sephak bắt đầu bị mẹ ép làm việc cho một nhà thổ. Quyết định đó tới giờ vẫn khiến mẹ Sephak hối hận. 

img

Nhiều bé gái ở làng Svay Pak bị bán làm gái mại dâm vì gia đình nghèo khó. Ảnh: CNN.

Trở lại tâm chấn

Phóng viên của CNN lần đầu tiên tiếp cận với Sephak vào năm 2013 cùng nhiều nạn nhân khác, trong bộ phim tài liệu về nạn buôn bán tình dục ở Campuchia.

Sephak được một tổ chức phi lợi nhuận chống lại nạn buôn người có tên AIM giải cứu. Hiện giờ, cô và các cô gái cùng cảnh ngộ làm việc cho một nhà máy của AIM. Họ kiếm tiền từ việc làm những chiếc vòng tay và may quần áo.

"Bây giờ tôi cảm thấy ổn định hơn trước. Không phải rất ổn nhưng cũng đủ. Tôi hiện có một công việc tử tế. Tôi thực sự mong những người khác cũng có việc làm như tôi", Sephak nói.

Don Brewster là người sáng lập ra AIM từ năm 2005. Cựu mục sư người Mỹ này cho biết tổ chức của ông đến nay đã giải cứu được hơn 700 người. Nỗ lực cứu vớt cuộc đời các cô gái bị bán làm gái mại dâm của ông phần lớn đều tập trung ở ngôi làng Svay Pak. Cái nghèo bao phủ lấy ngôi làng và đeo bám từng nóc nhà. Không ít gia đình tại đây kiếm không nổi một đôla mỗi ngày. Nhiều người trong số họ sống trên những căn nhà thuyền rách nát dọc sông Tonle Sap. Họ kiếm sống bằng nghề nuôi cá.

"Khi nhắc tới nạn buôn bán tình dục trẻ em thì nơi đây từng là tâm chấn", Brewster nói. "Lúc chúng tôi tới Svay Pak, 100% trẻ em gái ở đây đều bị bán làm gái. Nếu bạn là trẻ em gái sinh ra tại ngôi làng này, bạn sẽ bị bán. Tuy nhiên hiện giờ, tỷ lệ này đã giảm xuống đáng kể, dưới 50%".

Brewster cho rằng các bé gái không còn bị bán vào các nhà thổ nữa nhưng nạn buôn người hiện vẫn diễn ra trong các khách sạn, nơi càng khó để phát hiện và ngăn chặn.

img

img Làng Svay Pak ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh nổi tiếng với nạn buôn bán tình dục trẻ em. Đồ họa: CNN.

"Đôi khi không có sự lựa chọn"

Eric Meldrum là giám đốc điều tra của AIM. Ông phối hợp cùng cảnh sát Campuchia để lần ra các đường dây và giải cứu nạn nhân. Trong vòng ba năm, ông đã giúp giải thoát 130 trẻ em gái trong hơn 50 vụ truy quét khác nhau. 

"Cảnh sát đang làm rất tốt công việc của mình. Chúng tôi có sự phối hợp ăn ý với họ", Eric nói. "Campuchia vẫn là một đất nước nghèo khó. Người dân ở đây phải chật vật kiếm sống và do không có việc làm, lại thất học, họ nhận thấy ngành công nghiệp tình dục là một trong những con đường kiếm tiền để gửi về nhà. Nhiều gia đình không muốn con gái họ sa chân vào vũng lầy này nhưng đôi khi chẳng có cách nào khác".

Mặc cho những nỗ lực giải cứu của các tổ chức phi chính phủ và cảnh sát, nhiều cô gái ở Svay Pak vẫn đang phải đối mặt với một thực tế.

"Thật khó hiểu lý do tại sao những người mẹ lại làm việc này. Không có tiền nên họ bắt con gái đi làm. Đến giờ, tôi vẫn thấy nhiều bà mẹ không hiểu cảm xúc của con gái họ. Họ không hiểu rằng con gái mình cũng có trái tim và trái tim ấy đang phải chịu đau khổ", Sephak nói.