Dân Việt

“Săn” học bổng du học thế nào cho hiệu quả?

02/10/2011 07:00 GMT+7
Du học luôn là khao khát của nhiều bạn học sinh, sinh viên. Nhưng làm thế nào để kiếm một suất học bổng du học như mong muốn mà ít tốn chi phí nhất, hiệu quả nhất?

Lâm Phan Tùng Anh - vừa giành suất học bổng thạc sĩ toàn phần tại Trường đại học Ghent (Bỉ) - chia sẻ: trước hết bạn cần chuẩn bị ít nhất 9-12 tháng. Đây là khoảng thời gian cần thiết để bạn quyết định chọn ngành học, trường, quốc gia.

img
Có rất nhiều cơ hội học bổng dành cho sinh viên - Ảnh: Như Hùng

Một hồ sơ chuẩn

Chọn một suất cho mình

Hiện nay, các suất học bổng toàn phần có giá trị lớn (gồm học phí, sinh hoạt phí, chi phí visa, vé máy bay) đa số đến từ các quốc gia châu Âu, sau đó là các nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore). Các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Úc thường khó xin học bổng có giá trị lớn do sự cạnh tranh của học sinh, sinh viên quốc tế. Để săn các suất học bổng có giá trị này, bạn nên tìm đến các lãnh sự quán, đại sứ quán các quốc gia đó hoặc truy cập vào website của các đơn vị này. Ngoài ra, một nguồn học bổng có giá trị không kém là các suất học bổng chính phủ, nhà nước hay học bổng của các quỹ lớn.

Một trong những yếu tố khiến nhiều hồ sơ xin học bổng của học sinh, sinh viên Việt Nam bị đánh rớt là trình độ tiếng Anh thông qua việc tích lũy các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Hồ Ngọc Phương Uyên - vừa giành được ba suất học bổng toàn phần tại Trường đại học Reading (Anh), Trường đại học S.P Jain Center of Management (Úc) và Trường đại học Kỹ thuật Hong Kong (PolyU) - cho rằng: “Muốn có nhiều cơ hội chiến thắng, trước hết nên thi TOEFL, nếu có thêm SAT (bậc đại học) hoặc GRE, GMAT (sau đại học) càng tốt. Do đó, người xin học bổng phải tích lũy ngay các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm số càng cao, hồ sơ của bạn càng được đánh giá cao”.

Quá trình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng cũng quyết định mức độ thành công của việc xin học bổng. Trong đó, bài luận để truyền đạt đến ban tuyển sinh các trường cấp học bổng là những dự định tương lai, câu chuyện bản thân mà người xin học bổng cần phải đầu tư.

Vũ Nhật Tân, vừa trúng tuyển chương trình học bổng thạc sĩ toàn phần chương trình Fulbright (Mỹ), chia sẻ: “Bạn cần tránh viết những vấn đề lan man, không liệt kê nhiều về bản thân, không nên kể lể những vấn đề tình cảm của bản thân và gia đình... Các bài luận mang dấu ấn của sự sáng tạo, thể hiện cá tính của người viết sẽ được đánh giá cao hơn”.

Theo một số du học sinh từng học tập tại Mỹ và các quốc gia châu Âu, muốn chinh phục đơn vị cấp học bổng, ngoài học tốt, người xin học bổng nên tham gia nhiều hoạt động xã hội, thể thao, văn hóa nghệ thuật và tích lũy các chứng chỉ, giấy chứng nhận khi tham gia các hoạt động này.

Điểm cộng cho hồ sơ

Một phần quyết định sự thành công khi tìm học bổng là thư giới thiệu hay thư tiến cử nói về bạn. Đào Thủy Chung, giành suất học bổng tại Trường đại học Münster (Đức), chia sẻ: “Bạn cần trao đổi với người viết thư giới thiệu về những dự định tương lai sau khi kết thúc khóa học, bạn sẽ dùng những kiến thức, kỹ năng mới học được vào việc gì”.

Một kinh nghiệm nhỏ nhưng giúp bạn rất nhiều, đó là việc “tái sử dụng” một mẫu đơn xin học bổng. Việc làm này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian để bạn có thể làm các công việc khác. Mặt khác, lá đơn của bạn cũng sẽ ngày một hoàn hảo hơn khi bạn dễ dàng tìm ra những lỗi sai trước đây do phải đọc đi đọc lại nó nhiều lần.

Lê Thanh Tùng, cựu du học sinh Trường đại học California Baptist (California, Mỹ), cho biết: “Trước buổi phỏng vấn, bạn nên chuẩn bị trước các câu hỏi thường gặp như quá trình học tập, hoạt động xã hội, mối quan hệ gia đình, lý do đi du học, định hướng tương lai... Để phỏng vấn thành công, bạn phải luôn tỏ thái độ lắng nghe. Đặc biệt, không được trả lời lan man, phải luôn đi vào vấn đề chính của câu hỏi”.

Cơ hội du học

* Du học hè New Zealand hai tuần miễn phí

Trung tâm đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam và Đại học IPC cấp học bổng 100% học phí và ăn ở khi tham gia học hè hai tuần tại Đại học IPC (New Zealand) với trị giá 1.500 USD.

Học bổng dành cho tất cả học sinh phổ thông tuổi từ 16-19. Ngoài các buổi học tiếng Anh, học sinh sẽ tham gia các hoạt động thể thao, tham quan thủ đô Wellington, leo núi, trượt tuyết...

SEAMEO cũng sẽ tặng hai tuần học tiếng Anh tiền du học với giáo viên bản ngữ. Chương trình này giúp học viên tăng cường khả năng giao tiếp, trang bị những kỹ năng sống cũng như tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước và con người New Zealand.

* 3-6 suất học bổng thạc sĩ cho cán bộ nữ

Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ làm việc trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Quỹ tín thác nước ngoài Cambridge cho biết trong năm 2012 sẽ cấp từ 3-6 học bổng toàn phần thạc sĩ tại Đại học Cambridge (Anh) cho các cán bộ nữ đang làm việc trong khu vực Nhà nước. Từ năm 2008-2011, dự án cấp tám suất học bổng và đây là lần cấp học bổng cuối cùng.

Xem thêm chi tiết tại địa chỉ http://www.eowp.net.

Theo Tuổi trẻ