Nợ đọng và không chia cổ tức
Ở ĐHĐCĐ thường niên 2017 vừa qua, bức tranh hoạt động của SDU thời điểm hiện tại đã lộ rõ. Cụ thể, kết thúc năm 2016, lợi nhuận sau thuế của SDU chỉ đạt gần 5 tỷ đồng (50% so với kế hoạch đề ra). Trong tổng tài sản khoảng 863,4 tỷ đồng, tới 80,19% là tài sản ngắn hạn. Đồng thời, vốn chủ sở hữu (trên tổng nguồn vốn) của SDU chỉ chiếm khoảng 39,4%.
Cổ đông SDU lại tiếp tục “nhịn” cổ tức 2016 giống như nhiều năm qua
Về phương án phân phối lợi nhuận 2016, ban lãnh đạo SDU đi đến thống nhất “không chia cổ tức và không trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế năm 2016 của công ty”. Lý do: theo quy định, công ty chỉ được trả cổ tức cho cổ đông khi công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác.
Điều đó khớp với số liệu báo cáo tài chính tại thời điểm 31.12.2016 cho thấy SDU đang nợ thuế số tiền 21,5 tỷ đồng - dẫn tới Cục Thuế Hà Nội đang phong tỏa hóa đơn của SDU; đồng thời trong năm 2016 SDU xác định doanh thu bán nhà nhưng chưa xuất được hóa đơn VAT… Sự việc đã được Ban kiểm soát của SDU đề nghị ban TGĐ cân đối nguồn vốn để nộp thuế cho NSNN để Cục Thuế cho sử dụng hóa đơn VAT, tránh phát sinh liên quan.
Báo cáo tài chính tại thời điểm 31.12.2016 kiểm toán thực hiện kiểm tra soát xét đã cơ bản phản ánh tình hình tài chính của DN. Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro trong việc trích lập các khoản đầu tư tại thời điểm 31.12.2016 do đơn vị chưa cập nhật báo cáo tài chính của các đơn vị góp vốn, và tiền phạt và thuế phát sinh tại thời điểm cuối kỳ báo cáo của đơn vị. Đánh giá của BKS SDU tại ĐHĐCĐ 2017 |
Viễn cảnh “được chia cổ tức” năm 2017 cũng dường như cũng khó khá quan với cổ đông SDU. Bởi, theo kế hoạch lợi nhuận đề ra tại Đại hội, năm 2017 lợi nhuận sau thuế được SDU đặt ra chỉ vỏn vẹn chưa tới 3,3 tỷ đồng (thấp hơn năm 2016 vừa qua).
Giữa bối cảnh này, ĐHĐCĐ SDU bất ngờ thông qua phương án tăng vốn điều lệ của Công ty và ủy quyền cho HĐQT (chủ tịch là ông Hoàng Văn Anh) phê duyệt các dự án đầu tư, hợp đồng tín dụng có quy mô vượt xa khả năng tài chính tự chủ hiện tại của DN. Đặc biệt, 2 quyết định này đều vấp phải tỷ lệ 30,53% không tán thành khi biểu quyết.
Coi chừng “vết xe đổ” Sông Đà Thăng Long
Tình thế và tham vọng của SDU hiện tại, theo những gì thể hiện trên hồ sơ tài chính, kế hoạch đầu tư của DN, khá tương đồng với Sông Đà Thăng Long thuở trước. Nhất là ở lát cắt: Vốn yếu, năng lực mỏng nhưng vẫn “liều mình” đẩy mạnh đầu tư dàn trải.
Trong 3 năm (2014-2016), vốn chủ sở hữu của SDU duy trì ở ngưỡng 334-340,34 tỷ đồng. Theo phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành thêm cổ phiếu (được thông qua tại ĐHĐCĐ vừa qua), chủ tịch Hoàng Văn Anh đánh giá nhu cầu vốn chủ sở hữu của SDU là 440 tỷ đồng (trong 3 năm 2017-2019).
Sau giai đoạn 1 nhiều vấn đề về an toàn thi công, thiếu đảm bảo an toàn PCCC, dự án 143 Trần Phú của SDU chuẩn bị bước vào giai đoạn 2
Đáng chú ý, nhu cầu vốn chủ sở hữu đáp ứng cho đầu tư thời gian tới được xác định tới gần 822,8 tỷ đồng. Cụ thể là 4 dự án (tổng giá trị đầu tư dự kiến đạt ngót 4.114 tỷ đồng) ở các tỉnh thành như: Dự án X1-26 Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) đòi hỏi vốn chủ sở hữu tham gia là 101,22 tỷ đồng; dự án Green Diamond (quận 2, TP.HCM) – 344,1 tỷ đồng; dự án 143 Trần Phú giai đoạn 2 (Hà Đông, Hà Nội) – 273,9 tỷ đồng và dự án NƠXH Ỷ La (tỉnh Tuyên Quang) – 103,5 tỷ đồng.
SDU dự kiến chào bán 10 triệu cổ phần (tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 100 tỷ đồng) trong thời gian từ quý II.2017 đến quý III.2018. Số tiền dự kiến thu được sẽ được sử dụng vào các dự án: X1-26 Liễu Giai, Green Diamond, NOXH Ỷ La, 143 Trần Phú giai đoạn 2, KĐT Sông Đà – Hòa Bình. |
Đặc biệt, hiệu quả của các dự án nêu trên được mô tả khá hấp dẫn. Điển hình, với 2 dự án nhà ở X1-26 Liễu Giai và Green Diamond, chỉ số NPV (tạm hiểu: mức lãi ròng của dự án sau khi đã thu hồi vốn đầu tư ban đầu và trang trải tất cả chi phí (bao gồm cả lạm phát) lần lượt là gần 256,62 tỷ đồng và 581,65 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở tham số IRR (có thể được so sánh với tỉ suất hoàn vốn trên thị trường chứng khoán), 2 dự án “màu mỡ” nêu trên lại không được SDU xác định (!)
Lý giải về sự cần thiết phải tăng vốn điều lệ, HĐQT SDU cho biết: do các dự án đầu tư thời gian tới có quy mô nhỏ hơn 20ha, nên tỷ lệ vốn tham gia vào dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án. Ngay trong năm 2017, SDU khởi công dự án X1-26 Liễu Giai và Green Diamond nên nhu cầu vốn phải đạt 445,32 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn tự có của SDU tính đến 31.12.2016 chỉ là 340,33 tỷ đồng.