Dân Việt

Thoát chết trận lũ quét lịch sử nhờ mắc trên ngọn cây

Kiên Trung - Đoàn Bổng 05/08/2017 12:43 GMT+7
Bị lũ cuốn trôi, người đàn ông gào khóc gọi vợ và 2 con nhỏ trong vô vọng. Trong tâm lũ Mù Cang Chải (Yên Bái), những phận người thật mong manh và đau xót.

XEM CLIP:

Trôi 600m, gào khóc gọi vợ con

Vợ và 2 con (4 tuổi, 1 tuổi) mất tích trong dòng lũ giữ, tỉnh dậy sau gần 2 ngày được điều trị tại BV huyện Mù Cang Chải, việc đầu tiên, anh Lê Doãn Dũng (35 tuổi) đòi người em ruột dìu ra ngôi nhà cũ để tìm vợ con.

img

Anh Lê Doãn Dũng đau đớn khi vợ cùng hai con bị dòng nước dữ cuốn đi.

Nhà anh Dũng ở đầu cầu Kim Nọi, cả một vệt hàng chục nhà dân nằm trong đường đi của dòng lũ phút chốc bị cuốn sạch.

Đau đớn, mệt mỏi, anh Dũng kể: "5h sáng, tôi thấy mặt đất rung chuyển. Vợ chồng tôi chưa kịp ôm con chạy thì lũ ập đến, cuốn trôi cả nhà. Tôi vật lộn giữa dòng nước, ngoái tìm gào khóc gọi vợ con nhưng bất lực".

Anh bị cuốn trôi cách nhà khoảng 600m và may mắn mắc vào một cái cây nên thoát chết. Khi công nhân ngành điện tìm thấy, anh Dũng đã bất tỉnh, bị tảng đá đè lên chân.

Quê ở Thanh Hóa, còn vợ là chị Hồ Thị Liên (32 tuổi, quê Thái Bình), 5 năm trước vợ chồng anh Dũng lấy nhau rồi lên đây làm ăn, buôn bán. Chắt bóp nhiều năm họ dựng được căn nhà và có chút vốn liếng. Nhưng chỉ trong tích tắc, tất cả bị dòng nước nhấn chìm.

Bác sỹ Thào A Hạc, Trưởng phòng tổng hợp BV cho biết, anh Dũng nhập viện trong tình trạng đa chấn thương. Nghiêm trọng nhất là vết thương trên đầu.

“Khi vào viện, do bị lũ cuốn, va đập với cây cối và đá, bệnh nhân rất hoảng loạn, chấn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Sáng nay, sức khỏe bệnh nhân đã tốt hơn, nhưng vẫn cần theo dõi chấn thương vùng đầu” - bác sỹ Hạc cho hay.

Phận người mong manh

Anh Mùa A Công (ở tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải) chưa hết bàng hoàng nhớ lại, như mọi hôm, anh dậy từ 3h30 để đi làm thuê. Lúc đó trời không mưa, suối vẫn bình thường.

Nhưng đến chỗ làm, mọi người bảo ở đây lũ đang to quá, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, anh Công bỏ việc chạy về nhà.

img

Anh Mùa A Công và gia đình may mắn thoát chết dù bị lũ cuốn phăng nhà cửa.

“Đến cầu Kim Nọi - cách nhà 300m, khoảng 5h30 thì nước lũ đã ngập cầu, chảy rất xiết, không thể đi qua. Đi vòng, vượt đồi về đến thì không thấy nhà đâu, mọi thứ đã bị lũ cuốn sạch" - anh Công kể.

May mắn thoát chết, chị Giàng Thị Mú, vợ anh Công cũng cho biết, khi đó khoảng hơn 5h, chị mới ngủ dậy, chuẩn bị cơm nước cho bọn trẻ, bỗng thấy nước đổ ầm ầm, tiếng động rất mạnh.

"Chạy ra thấy dòng nước đục ngầu như thác đổ ào ào ập về. Tôi chỉ kịp gọi 2 đứa nhỏ chạy lên đồi tránh trú. Khoảng 20 phút sau, nhìn xuống, toàn bộ tài sản gồm nhà cửa, 3 chiếc xe máy, 2 máy bừa, gạo… đều bị lũ cuốn phăng" - chị Mú kể lại. 

Anh Công cho biết: "Chính quyền có bảo lên trung tâm giáo dục của huyện để ăn, ngủ. Nhưng mất nhà cửa, tài sản rồi, còn đâu tâm trí ăn với ngủ".

img

Ông Phạm Xuân Thành, 54 tuổi, kể lại giây phút ám ảnh.

Ông Phạm Xuân Thành (54 tuổi, cũng ở tổ 8) chưa hết ám ảnh về trận lũ kể lại: "Nghe thấy tiếng động lớn như nổ mìn từ dưới lòng đất, tôi đang ngủ vội bật dậy chạy ra đường xem. Đúng lúc ấy, đợt lũ đầu tiên tràn về cuốn phăng tôi theo dòng nước. May mắn, tôi bị mắc kẹt ở bụi cây nên thoát chết".

Lội ngược dòng nước, ông Thành về nhà hô hoán vợ, con gái và cháu ngoại 5 tuổi cùng hàng xóm thức dậy chạy lũ. Nghe tiếng tri hô, vợ chồng anh Thảo A Sang ở kế bên vội bế đứa con gái 2 tuổi chạy ra ngoài.

Cùng lúc này, đợt lũ thứ 2 tràn về trong sự kinh hãi của những người may mắn thoát chết trong gang tấc.

img

Ông Giàng A Páo: "May mắn nhất là dịp này các cháu đang nghỉ hè, chứ không hậu quả sẽ khôn lường".

Ông Giàng A Páo (SN 1965, nhà tại tổ 8) cho biết, vợ chồng tôi nghe tiếng ùng ục từ xa réo lại nên vội chạy lên đồi sau nhà. Trong chợp mắt, dòng nước ào qua như một luồng điện. Công trình nhà vệ sinh, 3 phòng trọ cấp 4 bị cuốn sạch.

Ông Páo chia sẻ, rất may cho gia đình, đêm trước vợ chồng con gái đã lên nương ngủ. May hơn nữa, đang dịp nghỉ hè nên học sinh thuê trọ về nhà với bố mẹ.

"Mỗi phòng có 4 cháu thuê trọ theo tháng. Dọc khu 8 từ nhà tôi đến cầu Kim Nọi có khoảng vài chục nhà cho thuê. Nếu đúng thời điểm các cháu đang học thì không biết chuyện gì xảy ra" - ông Páo ngậm ngùi.

Theo đại diện BV Đa khoa Mù Cang Chải, từ sáng 3.8 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 7 bệnh nhân, có cháu chỉ hơn 10 tuổi. Khi vào, các bệnh nhân đều có dấu hiệu tổn thương tâm lý sau khi thoát khỏi ranh giới sinh tử.

Gần 1.800 lượt người tham gia tìm kiếm, cứu nạn

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Phó tư lệnh Quân khu 2 chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Quân sự tỉnh Yên Bái nỗ lực hết sức để giúp nhân dân, tìm kiếm cứu nạn trong 5 ngày, để chuẩn bị trường lớp cho các cháu sắp tới ngày khai giảng.

img

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Phó tư lệnh Quân khu 2.

Ngay khi biết tin, Quân khu 2 đã cử lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả nhưng do tình hình cấp thiết nên đã điều thêm 220 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 tăng cường.

“Thời gian tăng cường ít nhất là 5 ngày. Sau đó, nếu cần sẽ tiếp tục nhiệm vụ đến khi xong thì thôi. Các cán bộ, chiến sĩ sẽ chung sức chung lòng cùng nhau tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ”, Thiếu tướng Thái cho biết.

Đại tá Phạm Hồng Chương, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái cho biết, đến chiều qua, đã có gần 1.800 lượt người thuộc các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ... được huy động.

Khu vực ưu tiên tìm kiếm, dọn dẹp là ở tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải, nơi thiệt hại nặng nề nhất.

img

Chủ tịch Yên Bái lo lắng sẽ có những nạn nhân bị vùi lấp dưới cả chục m3 đất đá.

Chủ tịch tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy lo ngại, sẽ có nạn nhân bị vùi trong hàng chục m3 đất đá ở khu vực tổ 8.

Ngoài ra, còn nhiều điểm sạt lở, có nơi đường bị vùi lấp đến 2km nên cần ưu tiên việc dọn dẹp, gia cố, nhanh chóng khai thông các tuyến đường.

Bên cạnh đó, mục tiêu đặt ra là đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất cho 6 trường học ở huyện Mù Cang Chải, để ngày 5.9 học sinh đến trường học tập bình thường.

"Tỉnh cũng rà soát, lên danh sách ưu tiên di dời những hộ ở khu vực có nguy cơ sạt lở; lưu ý Sở Y tế phun thuốc diệt khuẩn, phòng chống dịch bệnh sau lũ", ông Duy nói.