Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình, khu vực Cái Mép - Thị Vải đã đưa vào khai thác 20/35 dự án (với 3 dự án tạm khai thác và 7 bến cảng container), tổng công suất khoảng 112,7 triệu tấn/năm. Riêng hệ thống các cảng container Cái Mép - Thị Vải được đầu tư trên 27.000 tỷ đồng đã đi vào hoạt động năm 2009 với tổng công suất trên 6,8 triệu tấn/năm và tổng chiều dài cầu bến là 4km.
Ngày càng nhiều tàu siêu trọng vào cảng
Tàu siêu trọng vào làm hàng tại cảng Cái Mép – Thị Vải. Ảnh: H.V
Theo quy hoạch của Chính phủ, cảng biển Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế đảm nhiệm vai trò là cảng trung chuyển quốc tế, năng lực thông cảng đến 2030 có thể lên tới 195,5 triệu tấn hàng hóa và 462.000 lượt hành khách. Hiện nay, hệ thống cảng biển này đã đưa vào khai thác với tổng công suất khoảng 121 triệu tấn hàng hóa/năm. |
Với lợi thế là cụm cảng nước sâu được đầu tư quy mô, hiện đại, năng lực bốc dỡ hàng hóa nhanh, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đang ngày càng thu hút nhiều hãng tàu lớn trên thế giới. Các hãng tàu MAERSK, MSC, CSCL, ZIM, NYK, MOL, UASC, KLINE và gần đây nhất YANGMING đã đưa tàu tải trọng trên 100.000 tấn về cụm cảng Cái Mép làm hàng trung chuyển quốc tế, thay vì ghé cảng Singapore, Hongkong, Thái Lan như trước đây. Lượt tàu tải trọng trên 80.000 tấn vào Cái Mép - Thị Vải tăng đều.
Hiện nay, về cơ bản, toàn bộ hàng xuất khẩu đi Mỹ và một phần lớn hàng xuất khẩu châu Âu từ khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đều đã qua các cảng ở Cái Mép - Thị Vải. Đại diện Ban Giám đốc Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải cho biết, hiện xu hướng phổ biến của các hãng tàu lớn trên thế giới là sử dụng tàu khổng lồ 14.000 - 18.000 tấn để tiết giảm chi phí và không phải trung chuyển ở cảng thứ 3 để rút ngắn hải trình. Các hãng tàu container lớn sử dụng dịch vụ tại Cái Mép đều có xu hướng sử dụng tàu cỡ lớn để vận chuyển hàng trực tiếp từ Cái Mép đi và đến.
Nói về triển vọng phát triển nguồn hàng của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, ông Ngô Minh Thuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, với xu hướng các hãng tàu đưa tàu tải trọng lớn vào hoạt động thì sức hút của cụm cảng nước sâu Cái Mép ngày càng cao.
Khai thông đường nối
Tuy nhiên, Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, hiện hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải hoạt động mới chỉ 30% công suất. “Vậy tại sao chúng ta cứ đòi nâng cấp hệ thống cảng Hiệp Phước, Cát Lái. Cần hạn chế nâng cấp, đồng thời di dời hệ thống cảng ở TP.HCM ra Cái Mép - Thị Vải. Làm như vậy phải nâng công suất cảng Cái Mép - Thị Vải lên, đồng thời giảm tải hàng hóa vào sâu trong nội ô TP.HCM, giảm được kẹt xe, ùn tắc, giảm kẹt lưu thông hàng hóa, phù hợp với quy hoạch phát triển khu vực trọng điểm Tây Nam”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải hoạt động chưa hết công suất một phần vì lý do hệ thống giao thông hạ tầng kết nối liên vùng, kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn chưa hoàn thiện.
Trên cơ sở thực trạng đó, ông Trình đề nghị với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan vộ ngành Trung ương đẩy nhanh hệ thống giao thông kết nối vùng, nhất là đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với các địa phương trong vùng, xem xét phương án đầu tư xây dựng cầu Phước An nối với Nhơn Trạch và cao tốc Bến Lức-Long Thành; cho phép giải ngân 800 tỷ đồng theo kế hoạch để khởi công xây dựng dự án đường 911B nối Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép. Sớm triển khai đầu tư và di dời sân bay Vũng Tàu ra đảo Gò Giăng theo quy hoạch đã phê duyệt nhằm đón nhiều loại máy bay, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh…
Trước những khó khăn cần tháo gỡ và những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì quản lý việc phân luồng, di dời và xây dựng các hệ thống Cảng Cái Mép - Thị Vải, không để các địa phương mạnh ai nấy làm; sớm triển khai các dự án đường cao tốc, đường sắt liên vùng... để khai thông hệ thống giao thông cho cảng Cái Mép - Thị Vải. “Cần đẩy mạnh công suất của cảng Cái Mép - Thị Vải lên đúng với công suất dự kiến, có như vậy mới phát triển và lưu thông hàng hóa mạnh hơn” - Thủ tướng chỉ đạo.