Sáng nay (8.8), TAND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đưa ra xét xử 14 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm và cán bộ huyện Mỹ Đức (Hà Nội) về 2 tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hàng loạt hành vi sai phạm của các bị cáo đã được làm rõ tại tòa.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử 14 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm và cán bộ huyện Mỹ Đức (Hà Nội) về 2 tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bước vào phần xét hỏi. Trả lời thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Nguyễn Văn Đức - nguyên chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm cho rằng cáo trạng có điểm chưa đúng với thực tế. "Cáo trạng nêu bị cáo đã được nhận đất nhưng thực tế bị cáo chưa được nhận đất. Bị cáo được cấp giấy chứng nhận nhưng thực tế chưa được giao đất”- bị cáo Đức khai trước tòa.
Bị cáo Đức lý giải do không biết đây là đất cấp cho đối tượng giãn dân nên đã đăng ký mua một suất. “Tôi chưa nhận đất trên thực địa nhưng làm thủ tục giao đất. Diện tích thì được biết theo bìa đỏ là 145m2. Sau này tôi mới biết đây là đất cấp cho đối tượng giãn dân và biết việc ký biên bản thống nhất và mua đất là sai” – bị cáo Đức nói.
Bên cạnh đó, nguyên chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm cho rằng mình “không có bằng cấp chính quy, học hành thì chắp vá nên không có hiểu biết đầy đủ quy định của pháp luật”.
Bị cáo Nguyễn Văn Khang - nguyên kế toán ngân sách xã Đồng Tâm khẳng định, nội dung cáo trạng đúng với sai phạm của bản thân, không có oan sai. “Bị cáo chưa được nhận đất thực tế, chưa biết là chỗ nào nên chưa sử dụng, không biết hiện trạng đất và không chuyển nhượng cho ai. Sau năm 2013, khi có đơn khiếu nại, tôi viết đơn xin thôi không mua suất đất đó.” - bị cáo Khang khai nhận tại tòa.
Bên cạnh đó, đối với việc giao, cấp, đấu giá đất trái thẩm quyền, với chức trách là kế toán ngân sách xã, bị cáo Khang đã nghiệm thu toàn bộ số tiền người dân nộp, nộp toàn bộ vào ngân sách.
Bị cáo Bùi Văn Dũng - nguyên Trưởng ban Tài chính xã Đồng Tâm, khai nhận, diện tích đất được cấp sai được đứng tên con bị cáo, hiện vẫn chưa sử dụng vào việc gì. Bùi Văn Dũng được xác định đã trực tiếp ký biên bản hợp thức việc thống nhất của Đảng ủy, HĐND và UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ vào ngày 10.12.2002. Dũng đã được nhận đất và làm thủ tục để UBND xã hợp thức hóa, lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), UBND huyện đã ra quyết định cấp GCNQSDĐ. Về hành vi ký biên bản trên, bị cáo Dũng cho rằng mình không có nhận thức đầy đủ về việc giao, cấp đất trên. Quá trình bị điều tra, truy tố, được các điều tra viên giải thích, bị cáo mới nhận ra sai phạm của mình.
Bị cáo Bùi Văn Hồng (sinh năm 1958), cựu Xã đội trưởng xã Đồng Tâm cũng khai nhận “bản cáo trạng về bản thân mình là đúng”.
Bị cáo Hồng cho biết, dù không tham gia hội nghị nào của xã về việc mua bán đất nhưng thấy ông Trường đưa biên bản có sẵn tên rồi nên ký vào.
"Năm 2007 được anh Trường thông báo tập thể bán cho 100m2 đất. Đến năm 2008 sau khi đo đạc bị cáo đã ghi tên đất cho con trai, nhưng tiền nong chưa phải nộp… Đến giờ bị cáo nhận thức thấy sai rồi, mong hội đồng xét xử xem xét chứ cũng không biết nói sao nữa” – bị cáo Hồng nói.
Các bị cáo tại phiên xử ngày 8.8.
Đáng chú ý, khai trước tòa bị cáo Nguyễn Tiến Triển (sinh năm 1954), cựu Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, cho rằng, một số nội dung cáo trạng truy tố chưa đúng.
"Bị cáo đồng ý với chủ trương chia đất cho cán bộ xã mà không thu tiền là không đúng. Đó là thống nhất bán cho anh em đất thừa, có thu tiền. Nội dung tôi đồng ý chủ trương đấu giá đất, vụ lợi 1,7 tỷ là không đúng. Nội dung tôi hưởng lợi 2 suất không phải nộp tiền sử dụng đất là chưa đúng.” - bị cáo Triển nói.
Sau khi nghe Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa xét hỏi, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội ông Triển làm bí thư xã tuy nhiên ông lại khai rằng do nhận biết pháp luật chưa đầy đủ nên đã ký vào văn bản do cán bộ ủy ban trình về chủ trương bán hơn 1.000m2 đất khu giãn dân.
“Tôi nghĩ để hoàn thành nhiệm vụ, thì còn khu đất ế hơn 1.000m2 nên khi được Uỷ ban trình bày là bán cho anh em hợp lý nên tôi đồng ý” - bị cáo Triển khai.
Lúc này, chủ tọa phiên tòa nói: "Bị cáo là Bí thư đảng uỷ xã thì phải hiểu được thẩm quyền, đối tượng được cấp đất giãn dân là như thế nào. Cấp không hoàn thành kế hoạch thì phải báo cáo lại chứ không phải tự bán vượt quá thẩm quyền".
“Nếu bị cáo không phải là bí thư có được xét mua không” - chủ tọa phiên tòa hỏi tiếp. Đáp lại bị cáo Triển nói: “Nếu không phải là bí thư thì chắc tôi cũng không được mua”.
Bị cáo Lê Đình Thuần - nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho rằng: Một số điểm trong cáo trạng chưa khách quan, bị cáo Thuần khai, thực tế không có cuộc họp thống nhất việc giao đất năm 2002.
Năm 2013, bị cáo đã làm đơn gửi xã và huyện xin không mua suất đất được giao nữa. Thời điểm này, mảnh đất bị cáo Thuần được giao đang đứng tên vợ bị cáo, song bị cáo không biết diện tích đất bản thân được cấp nằm chính xác chỗ nào. Nói về sai phạm trong việc xác nhận cho 12 hộ dân để hợp thức diện tích đất được giao trái thẩm quyền, bị cáo Thuần cho rằng, sau khi cơ quan chức năng thanh tra, bị cáo biết mình có sai phạm.
Tại phiên tòa, bị cáo Thuần “đổ lỗi” cho áp lực từ phía huyện khi giao nhiệm vụ cho cán bộ xã Đồng Tâm trong giải quyết tồn đọng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bị cáo Thuần cũng tiếp tục “đổ lỗi” cho hội đồng tư vấn đất đai và cho rằng mình không thể nắm bắt hết hồ sơ từng trường hợp. “Việc bị cáo ký xác nhận vào các đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng hay sai?” - chủ tọa lên tiếng. “Dạ, là sai.” - bị cáo Thuần đáp.