Nhà “giữ già”
“Trời nóng rồi, mở cửa ra, cởi bớt áo dài cho bà” – chị Lê Tiểu Bình – chủ Nhà Tuổi Vàng (số 4 M4 Linh Đàm, Hà Nội) mau mắn nhắc nhân viên, tiện tay, chị chạy qua vén rèm cửa cho ánh sáng lùa vào phòng.
Trong phòng đang có 4 cụ bà già yếu, gồm 3 cụ trên 80 tuổi, 1 cụ mới hơn 60 nhưng bị hoang tưởng. “Các cụ đều không nhận biết được gì, ăn uống, vệ sinh đều phải có người giúp” – chị Bình ngậm ngùi.
Vui bạn bè và tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ sẽ giúp NCT khỏe mạnh hơn. |
Một cụ bà khác nằm thiêm thiếp ở phòng bên. Cụ tên là Phạm Thị Quảng (72 tuổi), quê TP.Hải Phòng. Chồng cụ mất đã lâu, cụ có một cậu con trai, một cô con gái đều đã lập gia đình. Hai năm trước, cụ bị tai nạn, nằm liệt một chỗ gần nửa năm, hết ở nhà con trai rồi đến nhà con gái. Nhưng các con cháu đều phải đi làm, đi học, cụ lại cần người chăm sóc thường xuyên nên các con gửi cụ vào đây.
“Lương của tôi chỉ được 1,5 triệu đồng, số tiền còn lại do em trai giúp chứ các con cũng khó khăn” - cụ Quảng cho biết. Theo cụ Quảng, lợi ích nhất của việc sống ở Nhà Tuổi Vàng là lúc nào cũng có người bên cạnh, trò chuyện, giúp cụ xoa bóp lúc đau, ăn uống cũng đầy đủ.
Chị Lê Tiểu Bình thành lập Nhà Tuổi Vàng đã 5 năm nay với mô hình chăm sóc người già kiểu gia đình. Năm ngoái, chị đã mở thêm cơ sở thứ hai. Mỗi cơ sở lúc nào cũng có khoảng 10-15 cụ. Chị và con gái cùng 9 nhân viên chia nhau sống cùng phòng các cụ.
Mức phí dao động từ 4-6 triệu đồng/cụ/tháng tùy vào mức độ bệnh tật. Tuổi trung bình là 82 tuổi, hầu hết các cụ đều đã khó khăn về vận động hoặc lú lẫn. Các cụ không chỉ được chăm sóc, nuôi dưỡng mà còn được khám bệnh tại nhà, cho uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Thay đổi quan niệm
Không thể nói hết được những vất vả mà chị Bình và nhân viên đã trải qua khi chăm sóc các cụ. Nhiều cụ tai biến nằm liệt, người lở loét phải trở mình, chấm thuốc thường xuyên. Có cụ không còn kiểm soát được vệ sinh, ngày ngày các chị phải thay bỉm, đổ bô không biết bao lần... Có cụ khi đổ bệnh nặng, con cái ở nước ngoài về không kịp, chị Bình lại là người nắm tay cụ phút cuối cùng.
Hơn 150 cụ từng sống ở Nhà Tuổi Vàng thì cũng đã ra đi gần một nửa. Đa số các cụ đều bệnh nặng, con cái không thể nghỉ làm dài ngày để chăm sóc nên gửi bố mẹ vào đây.
Bà Trần Thị Dung – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe NCT (Hội NCT Việt Nam)
“Các con thường xuyên vào thăm nom, cũng tỏ ý xót xa cho cha mẹ. Nhưng họ tâm sự, bố mẹ đã nằm liệt như vậy nhiều năm, suốt ngày mắng chửi, con cháu quay như chong chóng. Nhà chật, mùi người ốm lưu cữu khiến cả nhà cũng bệnh theo”- chị Bình cho biết.
Hiện Hà Nội có 4 trung tâm dưỡng lão, chuyên chăm sóc những người già yếu, con cái bận rộn, không có thời gian thăm nom thường xuyên. Hơn nữa, vào trung tâm dưỡng lão, các cụ được chăm sóc y tế thường xuyên, đảm bảo sức khỏe, lại có bạn già để trò chuyện. Điều này cũng “giải phóng” người khỏe ra khỏi những mệt mỏi, khổ sở, yên tâm công tác, học tập. Tuy nhiên, vẫn nhiều người coi việc đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão là “bất hiếu”, “bỏ rơi” cha mẹ.
“Đã đến lúc cần thay đổi quan niệm “già cậy con” theo kiểu bắt con bên cạnh lau mặt, đổ bô cho mình khi ốm yếu. Nếu cứ quẩn quanh lo cho cha mẹ già thì các con có thể mất cơ hội thăng tiến và không còn thời gian chăm sóc cháu nhỏ, chăm sóc bản thân. Và vào trung tâm dưỡng lão cũng là một lựa chọn” – bà Lê Thị Túy (76 tuổi, chuyên viên tư vấn Trung tâm Tuổi trẻ Hạnh phúc và Kỹ năng cuộc sống) nhận định.
Diệu Linh