Bản đồ thể hiện mức độ các nước phụ thuộc về nhiên liệu từ Nga. Ảnh: Business Insider
Dầu khí mang lại nguồn doanh thu quan trọng đối với Nga. Nhưng không chỉ thế, dầu khí cũng là một công cụ quan trọng để Nga duy trì sức mạnh địa chính trị. Dầu khí bảo đảm để Nga có tầm ảnh hưởng đáng kể lên những nước phụ thuộc vào nguồn dầu khí mua từ họ. Nếu Nga đáp trả Mỹ nhiều hơn thì dầu khí, đặc biệt là lượng xuất khẩu sang châu Âu, có thể là công cụ tốt nhất.
Nhìn vào bản đồ phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng từ Nga, có thể thấy 53% nhiên liệu Liên minh châu Âu (EU) tiêu thụ là nhập khẩu từ Nga. Trong lượng nhiên liệu đó có 90% dầu thô và 66% khí tự nhiên – tỷ lệ cao hơn hầu hết các khu vực khác trên thế giói như Bắc Mỹ, Đông Á (trừ Nhật Bản) và Nam Á. Năng lượng chiếm đến 20% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của EU.
Một số quốc gia phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu nhiều hơn những nước khác. Hầu hết các nước châu Âu nhập hơn 30% nhiên liệu mà họ tiêu thụ. Na Uy cung cấp khoảng 35% lượng nhiên liệu đó, còn Nga cung cấp gần 40%.
Là nền kinh tế lớn nhất EU, Đức nhập hơn 60% lượng dầu khí mà họ tiêu thụ; còn Pháp, nền kinh tế lớn thứ ba EU, nhập khoảng 45%. Một số nước Đông Âu thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn và nhiên liệu nhập khẩu.
Hungary, Áo và Slovakia nhập khoảng 60-65% nhiên liệu sử dụng. Bulgary, CH Séc và Romania nhập ít hơn, tương ứng là 37%, 32% và 17%. Ở khu vực Baltic, Lithuania nhập gần 75%, Latvia nhập 45% và Estonia nhập 9%. Hầu hết lượng nhiên liệu này đến từ Nga.
Trên thực tế, Nga cung cấp hơn 70% lượng dầu mỏ và khí tự nhiên được sử dụng ở Bulgaria, Latvia, Lithuania, Hungary, Slovakia và Phần Lan. Nga cung cấp 62% khí tự nhiên và 56% dầu sử dụng ở CH Séc, 53% khí đốt và 90% dầu sử dụng ở Ba Lan.
Tạo nên sự phụ thuộc này là bước đi hoàn toàn có ý thức của Nga. Sự thống trị về an ninh năng lượng giúp Nga duy trì một vùng đệm giữa họ với Tây Âu để nhờ đó có thể đẩy lùi bất kỳ cuộc xâm lăng nào.
Nga ngày nay không còn mạnh như thời Liên Xô, nhưng họ đã tạo ra được công cụ kinh tế có thể dùng để gây sức ép lên những nước có thể trở thành mối nguy của mình bằng cách đe dọa an ninh năng lượng của những nước đó.
Nhận thức được điều này, nhiều nước đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn mua nhiên liệu. Ba Lan và Lithuania bắt đầu nhập khí hóa lỏng từ Mỹ.
Vai trò của Đức
Pháp và Đức, hai nước lãnh đạo trong EU, cho thấy cách nhiên liệu của Nga có thể định hình chính sách đối ngoại như thế nào.
Pháp có thể phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu, nhưng phần nhiều lượng dầu và khí đốt mà họ sử dụng được mua từ Algeria, Qatar, Ả-rập Xê-út và Libya. Vì thế Pháp có thể quyết liệt và ủng hộ nhiều hơn những biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Nhưng Đức thì khác. 57% lượng khí tự nhiên và 35% dầu thô Đức sử dụng được nhập từ Nga. Berlin vì thế phải cân bằng giữa một bên là Mỹ, nước đóng vai trò an ninh quan trọng hàng đầu, với Nga, nguồn cung cấp nhiên liệu chính của họ.
Đây là một trong những lý do Đức chỉ trích các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga mạnh như vậy. Những biện pháp của Mỹ sẽ trừng phạt doanh nghiệp ở bất kỳ nước nào có hợp tác hay tham gia những dự án chung với các công ty năng lượng của Nga.
Đức ủng hộ dự án xây dựng Nord Stream 2, một đường ống dẫn qua biển Baltic, bỏ qua Ukraine, một nước trung chuyển mà qua đó Đức đang tiếp nhận nguồn nhiên liệu nhập khẩu rất lớn. Đường ống dẫn này sẽ giúp Đức bảo đảm nhu cầu năng lượng nhưng vẫn giúp Nga trừng phạt Ukraine bằng cách ngừng cung cấp khí đốt mà không làm ảnh hưởng đến những nước khác ở bên dưới như Đức.
Những lợi ích địa chính trị của Nga ở Ukraine phù hợp với lợi ích năng lượng của Đức. Đức sẽ hưởng lợi từ dự án Nord Stream 2 khi có tuyến cung cấp khí đốt mới, còn Nga sẽ hưởng lợi vì có thêm công cụ gây sức ép với Ukraine.
Nhưng Washington sẽ không muốn Moscow dừng chuyển nhiên liệu qua Ukraine. Mỹ cần nỗ lực quản lý tình hình ở Ukraine theo cách có thể ngăn chặn Nga và Đức xích lại gần nhau.
Thêm nữa, Nga không thể bắt nạt Mỹ bằng công cụ nhiên liệu. Nhưng Nga có thể gây ảnh hưởng lên các đồng minh của Mỹ nếu Moscow chọn cách trả đũa nhiều hơn mức yêu cầu Mỹ cắt giảm số quan chức và nhân viên ngoại giao như hiện nay.