Ngay sau khi có những phản hồi đầu tiên từ phía dư luận không đồng tình với quyết định của Bộ VH-TT&DL, ông Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế đã ngay lập tức gặp gỡ báo chí để trao đổi. Động thái này được đánh giá là phản ứng tích cực của Bộ, thế nhưng dẫu cho chịu khó lắng nghe mà không "thấu hiểu" thì cũng bằng không.
Nghi vấn lý lịch
Ngày 1.10, trả lời một tờ báo, ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết “Lý Nhã Kỳ còn có nhân thân tốt vì bố cô là liệt sĩ, từng chiến đấu ở Rừng Sác, Cần Giờ”, coi đó như là một yếu tố để Bộ vẫn tiếp tục ủng hộ cô làm đại sứ.
Thế nhưng trước khi có quyết định bổ nhiệm đại sứ, Lý Nhã Kỳ vẫn được biết đến là "một cô gái mang hai dòng máu Việt - Nga", chính cô đã thừa nhận điều này trong bài trả lời phỏng vấn "Lý Nhã Kỳ tiết lộ khoảng đời "lạ" sau scandal" trên Báo Đất Việt ngày 14.4.2010.
Trước đó, vào ngày 17.1.2007, cô đã tâm sự với phóng viên Báo VietnamNet trong bài báo “Lý Nhã Kỳ "tặc lưỡi": Mất 30.000 euro nhưng được... cha!” rằng cha của Lý Nhã Kỳ là người Nga, gặp và yêu mẹ của cô trong những năm tháng ông sang công tác tại Vũng Tàu trong ngành dầu khí. Hai cha con cô vừa gặp lại nhau sau nhiều năm lưu lạc...
Như vậy, nếu căn cứ vào hai bài báo kia thì người cha mà Lý Nhã Kỳ kê khai trong lý lịch với Bộ VH-TT&DL chỉ là... cha nuôi của cô. Thế nhưng, ngày 1.10, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Dân Việt về vấn đề cha đẻ của cô là người Nga hay người Việt Nam, Lý Nhã Kỳ đã khẳng định: Là người Việt Nam.
Vậy có thể hiểu điều này như thế nào, phải chăng chi tiết “hai dòng máu Việt - Nga” mà cô tâm sự với rất nhiều báo trước khi nhận chức danh đại sứ cũng chỉ là một "chiêu" để đánh bóng bản thân?
Ngay sau khi Lý Nhã Kỳ được bổ nhiệm đại sứ, một nghi vấn mới nảy sinh về bằng cấp của cô. Lý Nhã Kỳ khai mình đã tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế tại Trường ĐH Real của CHLB Đức, nhưng nhiều người cho biết tại Đức không hề có trường ĐH nào mang tên như vậy và yêu cầu Bộ VH-TT&DL phải xác minh lại. Trả lời câu hỏi của Dân Việt về bằng cấp, Lý Nhã Kỳ cho biết: "Khi nào Bộ yêu cầu, tôi sẽ đưa ra".
Cây ngay sợ gì chết đứng?
Ngay sau khi có thông tin về nghi vấn bằng cấp của Lý Nhã Kỳ, phóng viên đã liên lạc với ông Trần Nhất Hoàng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL), là người đã tìm hiểu và đưa nữ diễn viên này vào danh sách những ứng cử viên cho vị trí đại sứ.
Ông cho biết: “Khi làm quyết định bổ nhiệm, chúng tôi có yêu cầu cô Lý Nhã Kỳ nộp hồ sơ về bằng cấp nhưng chi tiết bằng cấp ở Đức là gì thì phải xác minh lại. Thật ra chúng tôi thấy cái này cũng không cấp thiết lắm, có thể làm dần dần.
Khi đưa cô ấy vào danh sách để làm hồ sơ thì chúng tôi nghiên cứu sâu hơn về cống hiến xã hội và những hiểu biết xã hội của Lý Nhã Kỳ chứ không đi xác minh bằng cấp vì đây có phải là đi thi đại học hay gì đâu. Ngay thời điểm này tôi cũng không thể nhớ chính xác tên trường mà cô ấy đã tốt nghiệp. Còn về thông tin người bố liệt sĩ của Lý Nhã Kỳ thì tôi biết đó là bố đẻ của cô ấy”.
Có thể thấy Bộ VH-TT&DL đã đặt toàn bộ niềm tin vào những thông tin mà Lý Nhã Kỳ cung cấp cho Bộ khi nhận nhiệm vụ làm đại sứ mà không hề có một chút nghi vấn nào, rằng có thể những thông tin ấy chưa chắc 100% đã là sự thật. Đến khi có thông tin nghi vấn đại sứ “khai man” bằng cấp thì mới tính đến chuyện thẩm tra lý lịch này.
Trước khi được biết đến với chức danh Đại sứ Du lịch Việt Nam, Lý Nhã Kỳ vẫn là một diễn viên và một nữ doanh nhân thành đạt. Việc cô tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, cha đẻ là liệt sĩ cũng không can hệ gì lắm vì Quy chế bổ nhiệm Đại sứ Du lịch không yêu cầu những chi tiết này.
Vấn đề ở đây chỉ là dư luận mong muốn có một vị đại sứ thành thật mà thôi. Và điều này cô hoàn toàn có thể chứng minh, bởi ông bà ta đã có câu, "cây ngay không sợ chết đứng".
Lê Tâm