Dân Việt

Tài xế nhét tiền lẻ vào chai nhựa: Bộ GTVT sẽ xem lại mức phí

P.V 09/08/2017 09:12 GMT+7
Hôm nay, 9.8, Bộ GTVT sẽ họp bàn và có phương án giải quyết việc người dân dùng tiền lẻ phản đối trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang).

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sau khi nhận được thông tin người dân dùng tiền lẻ để phản đối thu phí tại trạm BOT Cai Lậy, Tổng cục đã gửi văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang.

Trong văn bản gửi đi, quan điểm của Tổng cục là việc lái xe nhét tiền lẻ vào chai nhựa, vò nát tiền để rồi đưa vào túi nylon trả phí đường bộ là hành động khó chấp nhận được.

Theo ông Huyện, những khó khăn, vướng mắc, bất cập tại trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ sẽ họp vào ngày mai (9.8) để đưa ra phương án xử lý.

img

Người dân nhét tiền lẻ vào chai nhựa để trả khí khi đi qua BOT Cai Lậy. Ảnh: CTV.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Tổng cục kiến nghị lãnh đạo Bộ về việc người dân trong bán kính 5-7 km từ trạm BOT Cai Lậy có mức thu phí riêng, hợp lý hơn. Ngày mai, Bộ GTVT sẽ có quyết định cụ thể.

“Làm sao để phù hợp lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý những người cố tình nhét tiền vào ống nhựa, vò nát tiền. Việc làm này để tránh gây ra tắc đường tại trạm BOT”, ông Huyện khẳng định.

Cũng theo vị này, sắp tới, Bộ GTVT sẽ đưa ra một cơ chế chung trong việc lắp đặt trạm BOT, mức thu phí ở các địa phương. Sau đó, Bộ sẽ xin ý kiến của các địa phương rồi mới ban hành.

Cũng về vấn đề này, phát biểu tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT với Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển sáng 8/8, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Đối tác Công Tư (Bộ GTVT), cho rằng người dân phản đối các trạm thu phí không phải không muốn đóng tiền mà họ muốn công bằng trong việc thu phí.

Ông Huy Cho biết trong thời gian tới, Bộ GTVT không chỉ rà soát các trạm thu phí người dân có ý kiến mà còn rà soát tất cả các trạm thu phí trên cả nước. Mục đích là xem việc thu phí có đúng đối tượng, mức giá hay không và đảm bảo công bằng cho người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng khi đi giám sát các trạm BOT, đoàn công tác của Quốc hội nghe người dân phản ứng rất nhiều. Nhiều người cho rằng không sử dụng mét đường nào cũng phải chịu phí.

“Tôi cho rằng chúng ta phải quy định cụ thể về việc người dân ở khu này sẽ đóng phí ở mức này, người dân ở vùng khác đi xa hơn đóng phía mức cao hơn. Như vậy sẽ đảm bảo công bằng”, ông Thanh nói.

Ba ngày qua, Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) phải tăng cường nhân viên làm việc tại trạm thu phí Cai Lậy để đếm tiền lẻ của tài xế mua vé.

img

Trạm BOT Cai Lậy, nơi người dân nhét tiền lẻ vào ống nhựa phản đối thu phí. Đồ họa: Minh Trí.

Nhiều trường hợp lái xe dùng tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng nhét vào chai nhựa khiến nhân viên của trạm phải cắt chai lấy tiền. Việc làm này của các lái xe nhằm phản đối việc công ty đặt trạm BOT trên quốc lộ 1.

Theo một số tài xế, điểm bất hợp lý là nếu như đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM dài 45km, cho phép xe chạy với vận tốc 120km/h, chỉ thu 40.000 đồng đối với xe 7 chỗ trở xuống. Trong khi đó, đường tránh thị xã Cai Lậy chỉ dài 12km, tốc độ cho phép tối đa 80 km/h nhưng thu 35.000 đồng/xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống là quá cao.

Các lái xe cũng cho rằng họ chỉ chạy trên quốc lộ 1, không chạy xe vào đường tránh cũng phải trả phí là vô lý. Trạm BOT này nên dời vào đường tránh.