Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Gia Khải xung quanh công việc khá đặc biệt của ông.
Từng là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư, ông có thể cho biết về công việc hàng ngày của ông và các thành viên trong Ban khi đó?
- Tôi được mời làm Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe T.Ư phía Bắc, Phó trưởng Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư từ 1.12.2003 tới 1.1.2016. Người trao nhiệm vụ này cho tôi là đồng chí Chín Hồng, Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư và đồng chí Trần Đình Hoan, Trưởng ban Tổ chức T.Ư vào thời điểm đó (ông Trần Đình Hoan làm Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư từ tháng 2.2002 - PV).
Cuối năm 2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký công văn cho tôi nghỉ công tác tại Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư từ 1.1.2016.
GS.TS, Anh hùng lao động Phạm Gia Khải. (Ảnh: NVCC)
Từ khi nhận công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ T.Ư cho tới khi về hưu, tuần nào tôi cũng được tham gia giao ban để nắm tình hình sức khỏe của cán bộ T.Ư ở tổ 1, 2, 3, 5 vào các buổi thứ ba, thứ năm. Ngoài ra, tôi cũng được tham dự các buổi hội chẩn cho những trường hợp đặc biệt.
Đồng chí Trần Đình Hoan, người đã đề nghị tôi tham gia vào công tác bảo vệ sức khỏe cho cán bộ T.Ư từ năm 2003, từng tâm sự rằng ông rất yên tâm về chất lượng theo dõi và giải quyết bệnh của Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư từ khi tôi về công tác.
Đặc biệt, ông Trần Đình Hoan nhấn mạnh nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi gửi đi nước ngoài chẩn đoán thì có kết quả trùng khớp với chẩn đoán của phía Việt Nam. Điều này làm tôi phần nào thấy tự hào vì nền y học nước nhà cũng như trình độ bác sỹ của ta không hề thua kém các nước phát triển.
Tham gia vào Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư nhiều năm, ông rút ra được kinh nghiệm gì cho nghề nghiệp của mình và ông khó khăn lớn nhất ông phải đối mặt là gì?
- Kinh nghiệm tôi rút ra được từ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ T.Ư là: Luôn phải tìm hiểu, hỏi rất kỹ bệnh sử của từng người, phải biết rõ đồng nghiệp nào thạo về chuyên ngành gì? Ngoài ra, cũng cần phải khiêm tốn, biết thuyết phục và hóa giải những ý kiến trái chiều để tìm ra tiếng nói chung.
Trường hợp nào còn vướng mắc thì nên cân nhắc trong quyết định và phải biết tự chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Nếu gọi đó là khó khăn cũng đúng, nhưng gọi đó là vinh dự cũng không sai. Vì tôi ngày càng nghiệm ra rằng người đứng đầu không chỉ là người giỏi nhất, mà cũng phải là người biết chọn lựa những giải pháp tối ưu.
Suốt thời gian công tác đó, ông có những kỷ niệm đáng nhớ hoặc những câu chuyện hậu trường về việc chăm sóc sức khoẻ cho các yếu nhân?
- Cùng với nỗ lực của các anh chị em trong Ban và nhiều đồng nghiệp, chúng tôi đã giải quyết được khá nhiều trường hợp gay cấn. Có thể kể ở đây như chúng tôi đã nong vành cho một người có dị ứng với iode; chỉ định đặt máy tạo nhịp tim cho một người khác mà khi khám và hỏi bệnh không phát hiện ra điều gì nghi ngờ, nhưng hỏi người nhà lại biết là người đó có lúc bị ngất xỉu do tim chậm từng lúc…
Nhưng điều quan trọng nhất mà Ban đã làm được, và tôi có thể tự hào khi mình cũng góp một phần công sức trong đó, là chúng tôi luôn giúp bệnh nhân cảm thấy họ được chăm sóc, bảo vệ một cách hữu hiệu và kịp thời.
Việc chăm sóc sức khỏe cho các vị lãnh đạo hẳn là khá công phu. Ông có thể chia sẻ một chút về điều này, thưa GS?
- Hàng năm, Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư tổ chức khám cho tất cả cán bộ mà mình phụ trách. Ngoài ra tuần nào các bác sĩ và nhân viên y tế cũng kiểm tra sức khỏe cho các bệnh nhân mình phụ trách.
Nhờ vậy, có không ít trường hợp được chẩn đoán sớm khi họ mắc một số bệnh hiểm nghèo, được chữa trị sớm, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Như trường hợp bệnh nhân Mai Thúc Lân (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội – PV), được bơm hóa chất điều trị kịp thời nên ông sống thêm được nhiều năm nữa.
Vừa rồi, dư luận cũng có nói đến việc một số cán bộ cấp cao của T.Ư phải điều trị bệnh ở nước ngoài như trường hợp một tướng quân đội phải sang Pháp điều trị hay trường hợp của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Mới đây, thông báo của Văn phòng T.Ư Đảng cho biết đồng chí Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư đang phải điều trị bệnh. Là người từng có nhiều năm gắn bó với việc chăm sóc sức khỏe cho yếu nhân, GS có chia sẻ gì?
- Về quan điểm cá nhân, tôi thấy cái gì cần giữ bí mật thì nên giữ, còn cái gì có thể công khai được thì cũng nên công khai để nhân dân nắm được. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định ở nhiều nước trên thế giới, chứ không riêng ở Việt Nam, tình trạng sức khỏe của các yếu nhân, đặc biệt là những người nắm giữ vị trí chủ chốt của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, cũng là những thông tin cần phải được giữ bí mật.
Cho đến nay, người ta có công bố chính thức về sức khỏe của ông Yasser Arafat đâu? Hoặc trường hợp của vị tướng quân đội đã được theo dõi, điều trị ở Paris (Pháp) vì bệnh gì cũng không ai được biết trừ một số rất ít người. Nhưng ở Hoa Kỳ, điều này có khác chút: Như Thượng nghị sĩ John McCain bị u não, ứng viên Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton bị ngã gây máu tụ dưới màng cứng là báo chí biết và đăng tải ngay…
- Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Phạm Gia Khải!
Giáo sư y khoa Phạm Gia Khải từng giữ chức Viện trưởng Viện Tim mạch; Trưởng bộ môn Tim mạch Đại học Y Hà Nội. Ông nhận hàm Giáo sư y khoa vào năm 1990. Trong nhiều năm công tác, Giáo sư Khải đã đóng góp hơn hơn 70 công trình và bài báo cáo trong và ngoài nước, liên quan tới bệnh tim mạch, đồng thời nhận nhiều danh hiệu cao quý như: Nhà giáo nhân dân; Anh hùng lao động; Công dân ưu tú của thủ đô; Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba. Giáo sư Phạm Gia Khải cũng là Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam; chuyên gia cao cấp về tim mạch cho ngành Y; từng là Chủ tịch hội đồng chuyên môn của ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ T.Ư đến hết năm 2015. |