Theo ông, việc quy hoạch và phát triển thủy điện thời gian qua điều gì nổi cộm lên nhất?- Theo tôi, chung quanh việc quy hoạch thủy điện có 3 vi phạm lớn: Vi phạm về quy trình quy hoạch. Vi phạm về luật, tức là vi phạm Nghị quyết 49 của Quốc hội năm 2010 nên sau đó Chính phủ đã bổ sung điều chỉnh quy hoạch. Ba là vi phạm về bảo vệ môi trường.
ĐBQH Trương Văn Vở
Trong quy định về thủy điện, các nhà đầu tư khi lấy 1 mét rừng phải trồng bù lại 1 mét rừng. Theo ông, trong quá trình làm thủy điện thì việc này được thực hiện như thế nào?- Nói chung là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và vườn quốc gia là phải được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Đụng tới diện tích đất rừng đó thì cần phải xem xét, cẩn trọng trong quá trình lập quy hoạch. Chính phủ đã loại ra trên 400 dự án thủy điện, trong đó có 6 dự án thủy điện bậc thang và trong đó có 2 dự án Đồng Nai 6 và 6A. Nhưng phải làm rõ diện tích rừng để nhường cho các dự án thủy điện loại khỏi quy hoạch là bao nhiêu? Việc loại khỏi quy hoạch đó có mất rừng không và biện pháp thay thế số diện tích rừng mất đi như thế nào?
Ông thấy quy trình và quy định hiện nay liên quan đến lĩnh vực này đã đủ mạnh để bảo vệ người dân thoát lũ?- Điều đáng mừng là Chính phủ sớm có Quyết định 1879 (10.2010) giao Bộ TNMT xây dựng quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ thủy lợi giữa hồ thủy lợi và hồ thủy điện. Nhưng tới giờ này, tôi cho rằng việc triển khai của các ngành liên quan vẫn còn chậm. Hiện mới chỉ ban hành được quy trình vận hành chứa 5/11 lưu vực sông.
Báo cáo thẩm tra vừa rồi cho thấy nhiều hồ đập thủy điện không an toàn. Có phải do việc quản lý hồ đập bị buông lỏng?
- Tôi cho rằng, khâu đầu tiên cần phải rà soát lại việc thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về quy trình vận hành hồ vận hành và hồ chứa. Tiếp theo, cần phải gắn với trách nhiệm của từng chủ thể ngành và địa phương trong quá trình vận hành hồ chứa, đồng thời có chế định về xử lý vi phạm cho nghiêm minh. Phải có chế tài, chế định xử lý vi phạm rõ ràng, cụ thể mới hy vọng không có chuyện thủy điện xả lũ bất chấp hậu quả như hiện nay.