Chủ tịch xã nhận thiếu sót
Ông Huấn cùng em Việt A. và cán bộ xã, thôn trong buổi xin lỗi chiều ngày 10.8.
Ngay sau khi xảy ra sự việc gây xôn xao dư luận, những người liên quan đến dòng bút phê trên đã đến xin lỗi gia đình và có sự giải thích vào chiều tối qua.
Theo đó, ông Nguyễn Đăng Huấn - Chủ tịch UBND xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, Hà Nội), người trực tiếp ký lý lịch cho biết, những dòng bút phê trên được ông Phạm Văn Mạnh - cán bộ văn phòng xã viết và trình ông ký.
“Ngày 8/8, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hành chính có con mổ ở bệnh viện nên xin nghỉ phép. Khi đó, tôi họp xong thì thấy trên bàn làm việc có một số giấy tờ của người dân nên tôi đã ký” - ông Huấn nói..
Về nội dung được viết lên lý lịch, ông Huấn khẳng định: “Cán bộ văn phòng Phạm Văn Mạnh viết và đưa lên cho tôi ký. Tôi nhận thiếu sót trong nội dung lý lịch sinh viên của cháu Việt A.”.
Ông Huấn nói thêm, trong phần bút phê, cán bộ có dùng chữ "pháp luật của Nhà nước" là chưa đúng.
Theo ông Huấn, ở đây, trong bút phê không nói gia đình không chấp hành mà nói là chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của địa phương, mà cụ thể là trong đóng góp xây dựng nông thôn mới.
"Cụm từ 'pháp luật của Nhà nước' là chưa chính xác, tôi đã yêu cầu công chức xã ghi nội dung này phải rút kinh nghiệm, không ghi như thế được, bởi họ không vi phạm pháp luật, mình ghi như vậy dễ gây bức xúc", ông Huấn nói rõ.
Người bút phê lên tiếng
Ông Mạnh chia sẻ về việc mình bút phê vào lý lịch sinh viên của cháu Việt A.
Cán bộ Phạm Văn Mạnh, người trực tiếp bút phê vào lý lịch của em Ngô Việt A. cũng tường thuật lại vụ việc. Theo đó, chiều 8.8, Việt A. đến UBND xã xin sơ yếu lý lịch, ông Mạnh có nói cháu là về trao đổi với bố mẹ xuống gặp lãnh đạo thôn để hoàn thành việc đóng góp đường nông thôn mới. Cháu Việt A. đồng ý và nói về nhà bảo lại bố mẹ.
"Sáng hôm sau (ngày 9.8), Việt A. quay lại UBND xã để xin giấy xác nhận, tại đây tôi có hỏi gia đình đã thực hiện chưa thì cháu nói “mẹ cháu có xuống nhà cô Hiền (lãnh đạo thôn) nhưng không gặp.
Lúc đó, tôi có nói với cháu “chú sẽ tạo điều kiện, cháu về bảo mẹ cháu gọi cho cô Hiền và bảo cô Hiền gọi điện cho chú, đóng một phần cũng được không phải đóng tất vì gia đình khó khăn” - cán bộ Mạnh nói.
Cán bộ Mạnh cũng cho biết thêm: "Tôi nói với cháu Việt A. đến đầu giờ chiều lấy cũng được, nhưng cháu bảo cần đi nộp gấp, chú cứ viết. Sau đó tôi viết dòng chữ trên".
Liên quan đến vấn đề trên, bà Trần Thanh Hiền - phó trưởng thôn Đại Lan cho biết, gia đình cháu Việt A. không thuộc hộ nghèo của thôn, nhà có 4 nhân khẩu. Thôn làm đường nông thôn mới, nên mỗi người phải đóng góp 300 nghìn đồng. Như vậy, nhà cháu Việt A. có 4 người, số tiền phải đóng là 1,2 triệu đồng.
Bà Hiền - Phó trưởng thôn Đại Lan chia sẻ về sự việc.
Thế nhưng từ đó đến ngày 9.8, đã mấy năm gia đinh cháu Việt A. chưa đóng góp nên mới xảy ra sự việc trên.
Được biết, trong tối 9.8, gia đình cháu Việt A. đã đóng số tiền 1,2 triệu cho lãnh đạo thôn và bà Hiền đã xác nhận việc này.
Thôn gửi danh sách, xã khó xử
Giải thích thêm về việc đóng góp nông thôn mới ông Huấn cho hay, khi làm đường trục, thôn Đại Lan đã họp, người dân thống nhất sau khi trừ các khoản, mỗi khẩu sẽ đóng 300.000 đồng.
Thôn cũng thống nhất, với các hộ chưa đóng tiền sẽ làm danh sách gửi lên UBND xã và đề nghị không giải quyết các thủ tục hành chính.
"Trường hợp gia đình cháu Việt A. cũng vậy, không có chuyện xã không tạo điều kiện mà do gia đình chưa đóng đầy đủ các khoản tiền, nên cán bộ xã mới phê vào như thế", ông Huấn phân trần.
Ông Huấn cũng chia sẻ, việc này rất khó xử bởi thôn đã có đề nghị lên, nếu phê thực hiện tốt chủ trương, quy định của địa phương cho gia đình chưa thực hiện thì những người khác sẽ có ý kiến.
Liên quan đến văn bản hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch, Chủ tịch UBND xã Duyên Hà cho hay, đối với lý lịch bình thường thì không cần bút phê mà chỉ cần xác nhận, nhưng trong hồ sơ lý lịch của em Việt A. có đề nghị "Chính quyền địa phương xác nhận theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh sinh viên tại địa phương".