Trạm thu phí đường tránh Cai Lậy (Tiền Giang) đặt trên quốc lộ 1A, bắt đầu thu phí từ ngày 1.8, chỉ việc nộp tiền lẻ cho trạm của các tài xế đã bị xem là “tấn công” trạm thu phí. Nhưng trong thế cờ này, làm gì họ có quyền tấn công?
Dân địa phương nói: Hàng trăm năm nay mới thấy phương tiện ra vào Long Xuyên phải nộp phí. Ảnh: H.L
Ở Hậu Giang, trạm thu phí vắt ngang quốc lộ 1 (đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp) tại khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng do công ty TNHH BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp thu phí từ 0g ngày 14.4; sáng ngày 13.4 dân chúng hè nhau dỡ dải phân cách, khi các doanh nghiệp và người dân sinh sống dọc hai bên quốc lộ buộc phải mua phí qua trạm rồi đi ngược lại (hai lần), dù điểm đến của họ phía bên đây trạm thu phí đang bị ngăn cản bằng dải phân cách.
Các trạm thu phí mọc lên trên quốc lộ 1A và quốc lộ 91, xe đò không thể tăng giá vé, còn xe tải anh nào chẳng chở quá trọng tải, so bì và tố khổ nhau cũng chẳng ích gì. Vì tất cả đều phải nộp phí, không chỉ có thu phí qua trạm, mà phí chồng lên phí khi xe lăn bánh.
Các nhà đầu tư luôn nói, họ đã nâng cấp đường sá để thúc đẩy luân chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, các hiệp hội vận tải ở An Giang và các doanh nghiệp vận chuyển hàng từ TP.HCM về Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ… đều ê ẩm, vì không đơn thuần là phí qua trạm mà đây là thêm những cú bồi, nhồi vào lợi nhuận gầy yếu; nếu cộng phí vào giá thành thì… sức cạnh tranh càng tệ hơn.
Tuyến quốc lộ 1A đoạn từ TP Cần Thơ đến Cà Mau 180km, phải nộp lộ phí ở ba trạm. Trên quốc lộ 91 đoạn từ TP Cần Thơ đến cầu Cái Sắn, giáp tỉnh An Giang, 45km có tới hai trạm thu phí. Các phương tiện vận tải từ quốc lộ 80 sang An Giang và ngược lại, chỉ sử dụng chưa đến100m của quốc lộ 91, nhưng phải trả phí cho toàn tuyến. Doanh thu của công ty lập trạm thu phí đã đạt mức 15 tỉ đồng/tháng, tăng 18% so với trước, nhưng vẫn muốn lập thêm trạm. Nhiều cử tri ở An Giang và Cần Thơ đã kiến nghị chấn chỉnh tới đoàn giám sát của Quốc hội.
Đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp, trên nền đường có sẵn chỉ nâng cấp mở rộng 21,6km, với mức đầu tư hơn 1.830 tỉ đồng, bình quân trên 85 tỉ đồng/km, các phương tiện vận tải qua lại đây sẽ nộp phí trong 11 năm ba tháng. Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 91 từ Km 14+000 – Km 05+889 (dài 29km) đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng. “Nếu con tui mới sinh năm nay, thì việc thu phí hoàn vốn cho dự án này kéo dài đến lúc nó 16 tuổi,” một bác tài xế nói.
Trạm thu phí đặt tại số 78 quốc lộ 1A , thuộc địa bàn ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành của công ty TNHH BOT quốc lộ 1A Sóc Trăng dài 8,5km, và tuyến tránh thành phố Sóc Trăng dài 7,6km, tổng mức đầu tư lên đến 1.419 tỉ đồng, phương tiện vận tải qua lại phải nộp phí trong 18 năm chín tháng. Ở tỉnh Bạc Liêu, dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn cửa ngõ phía bắc dài 9km, xử lý một số điểm chống ngập dài 4km, chi phí đầu tư 633 tỉ đồng, việc thu phí kéo dài 13 năm chín tháng.
Theo kế hoạch đầu tư trung hạn kết cấu hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 – 2020 cần 91.000 tỉ đồng. Trong đó, tuyến đường bộ có 39 dự án với tổng vốn 73.000 tỉ đồng (ngân sách nhà nước 24.900 tỉ, vốn xã hội hoá hơn 12.800 tỉ, vốn ODA 23.600 tỉ); chắc chắn sẽ có thêm trạm thu phí nữa.
Vụ Kế hoạch – đầu tư thuộc bộ Giao thông vận tải cho biết đến tháng 4.2016, bộ đã tiếp nhận 134 chương trình, dự án giao thông sử dụng vốn ODA, tổng mức đầu tư 22,54 tỉ USD. Trong đó, 112 dự án ODA (bao gồm chín dự án của ngân hàng Thế giới – WB) đã hoàn thành và đi vào khai thác, tạo cú hích lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Điển hình nhất là dự án khôi phục cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau, giai đoạn 1 được triển khai từ năm 1995. Khi đó, quốc lộ 1 đã xuống cấp nghiêm trọng, nền đường nhỏ hẹp với bề rộng chỉ 7 – 8m, khiến các phương tiện đi lại trên hành trình Bắc – Nam rất gian nan. Cũng theo vụ này, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long – WB5 được đầu tư 363,7 triệu USD, vậy phần đường nào do nhà lập trạm đầu tư và phần nào đã có trước được nâng cấp từ tiền vay bạc hỏi của WB?
Tại Cần Thơ, khi tiếp xúc các đại biều quốc hội, các cử tri nói thực trạng: có những con đường chỉ nâng cấp mở rộng chứ không phải làm mới, nhưng chi phí và mức thu quá cao. Việc trốn trạm thu phí làm người dân mở “đường thoát bất đắc dĩ”, và cả chính quyền địa phương rất bức xúc, do mất an toàn giao thông và đường xuống cấp quá nhanh.
Trạm thu phí là cách tiếp cận nguồn thu trực tiếp từ cộng đồng sau khi tự công bố mức đầu tư, không thể đơn giản là công thức bỏ vốn làm công trình và thu hồi vốn, cấn trừ theo kiểu gì cũng được. Nên cộng đồng đòi hỏi làm sao tăng độ xác tín và có giám sát mức đầu tư của các dự án BOT, và số thu tính trên lưu lượng xe cộ qua lại, công khai minh bạch theo quy định của luật, chứ không thể nói khơi khơi bao nhiêu năm bao nhiêu tháng là được.