Không thể bắn trúng đích
Hệ miễn nhiễm tạo ra các kháng thể và các tế bào miễn nhiễm, từ đó huy động mọi thành phần của cơ thể, mọi tế bào, cơ quan, bộ máy này nọ để phòng thủ, chống kẻ thù từ bên ngoài xâm nhập (vi khuẩn, virút...) gây hại, thậm chí tấn công luôn các tế bào đang manh nha lạng quạng phát triển thành ung thư. Nếu hệ miễn nhiễm bị suy giảm thì sao? Thì tăng cường hệ miễn nhiễm. Đúng, nhưng tăng cường bằng cách nào?
Hệ miễn nhiễm không phải là một cơ quan cụ thể như tim gan phèo phổi để uống một viên hay tiêm (thuốc) một phát là “bắn” trúng đích.
Hệ miễn nhiễm không phải là một cơ quan cụ thể như tim gan phèo phổi để uống một viên hay tiêm (thuốc) một phát là “bắn” trúng đích. Hệ thống này phức tạp, tinh vi, đòi hỏi sự phối hợp, nhịp nhàng của mọi thành phần cơ thể. Đến nay khoa học vẫn chưa hiểu hết sự phối hợp này.
Tăng cường hệ miễn nhiễm cần tế bào miễn nhiễm (là những tế bào có khả năng vô hiệu hoá, tiêu diệt tác nhân gây hại cơ thể). Nhưng tế bào miễn nhiễm có nhiều loại. Mỗi loại lại chuyên tiêu diệt một số “kẻ thù” nào đó thôi, chứ không đa năng, “kẻ thù” nào cũng diệt được. Vậy thì tăng cường tế bào miễn nhiễm loại nào? Và cần bao nhiêu tế bào miễn nhiễm là đủ? Khoa học đến nay vẫn chưa biết tỳ lệ “pha trộn” các loại tế bào miễn nhiễm này thế nào là tối ưu, và có bao nhiêu là tốt nhất.
Thực phẩm ảnh hưởng đến hệ miễn nhiễm
Khoa học thừa nhận, việc thiếu một số chất vi lượng như các vitamin A, B, C, E, B9 (acid folic)… và các khoáng kẽm, selenium, sắt, đồng… có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn nhiễm. Các thử nghiệm trên động vật đã cho thấy điều đó, nhưng sự thay đổi của hệ miễn nhiễm do thiếu những chất vi lượng trên ảnh hưởng đến sức khoẻ chưa được rõ ràng. Quan sát ở người cũng tương tự. Kẽm là thành phần trong các enzyme của tế bào miễn nhiễm. Selenium, đồng, vitamin C…có thể ngăn chặn phá huỷ tế bào miễn nhiễm… Những thứ “tăng cường hệ miễn nhiễm” này đều có trong thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Sự thiếu hụt khoáng chất này hay vitamin nọ chẳng qua là do ăn uống mất cân bằng, ăn quá nhiều thịt mà rau quả lại ít, chẳng hạn.
Còn với thực phẩm chức năng, “tăng cường hệ miễn nhiễm” thì sao? Quảng cáo bốc lên là thành phần có chứa những hoạt chất được cho là cải thiện hệ miễn nhiễm, nhưng chắc chắn không thể có bằng chứng cụ thể, viên thần dược đó hiệu quả ra sao khi chống lại một bệnh tật nào đó nhờ “tăng cường hệ miễn nhiễm”.
Sống lành mạnh như thầy tu
Khoa học vẫn đang nỗ lực nghiên cứu và khai thác những hiệu quả từ một lối sống lành mạnh và những yếu tố khác như tuổi già, stress... ảnh hưởng trên việc đáp ứng của hệ miễn nhiễm.
Nhưng như thế nào là sống lành mạnh? Cái này thì khoa học rất khó tính và khó… chịu: không thuốc lá, rượu chè, bia bọt (hạn chế), tập thể dục đều đặn, tránh béo phì, ngủ nghê tử tế, kiểm soát huyết áp, khám sức khoẻ định kỳ… Còn ăn uống thì nên ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc còn vỏ, bớt chất béo bão hoà… Sống lành mạnh như thế chẳng khác nào sống đời tu hành, nhưng được quyền ăn thịt hạn chế.
Hệ miễn nhiễm hay hệ thống phòng thủ bệnh tật của con người vừa phức tạp, vừa huyền bí. Phức tạp bởi vì nó phải phối hợp đủ mọi thứ trong cơ thể để hoạt động. Cò n nếu cho rằng, chỉ cần uống một viên thần dược chức năng, sau đó là yên tâm chờ đợi “tăng cường hệ miễn nhiễm” sẽ đến. Đấy mới chính là điều huyền bí.