Dân Việt

Chuyện lạ ở kỳ thi đại học năm nay

Giáp Văn Dương 12/08/2017 06:45 GMT+7
Có nhiều chuyện lạ xảy ra, dư luận thì xôn xao, bộ Giáo dục và đào tạo thì cứ rút kinh nghiệm dài dài. TS Giáp Văn Dương có vài lời về kỳ thi đại học (ĐH) năm 2017, theo ông có nhiều chuyện lạ đời đã xảy ra.

Thí sinh 30 điểm mà vẫn trượt đại học

Vì sao như vậy? Nếu bỏ qua sự gian lận trong thi cử vì chưa có bằng chứng, thì chỉ có thể giải thích bằng một trong các lý do sau: 1. Do thí sinh năm nay giỏi bất thường. 2. Do đề thi năm nay quá dễ.

img

Một cảnh đăng ký xét tuyển đại học năm 2017. Điều đáng ngạc nhiên nhất là điểm xét tuyển ĐH Sư phạm Huế chỉ có 12,75.

Trường hợp (1) khó xảy ra vì giỏi hay kém là kết quả học tập của cả một quá trình. Không thể có chuyện năm lớp 11 còn học bình thường như mọi năm khác, năm lớp 12 bỗng nhiên trở nên quá giỏi. Vậy thì chỉ còn lại lý do vì đề thi năm nay quá dễ. Vì đề dễ nên mới có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối, đến mức 30 điểm vẫn trượt ĐH.

Như vậy, nếu 30 điểm, tức điểm tối đa cho cả ba môn, mà vẫn trượt ĐH thì chứng tỏ đề thi đã thất bại trong việc sàng lọc thí sinh. Nguyên nhân trực tiếp là đề thi năm nay quá dễ như đã nói ở trên, nhưng nguyên nhân sâu xa là do hai kỳ thi này, thi tốt nghiệp phổ thông trung học (PTTH) và thi ĐH, có bản chất khác nhau nên rất khiên cưỡng khi ghép lại với nhau. Một bên là đánh giá kiến thức phổ thông, còn một bên là sàng lọc người phù hợp. Muốn ghép được thì khâu ra đề phải làm rất cẩn trọng. Đề thi năm nay đã không làm được việc này.

Khi việc sàng lọc thí sinh thất bại thì đương nhiên việc tuyển sinh của các trường cũng thất bại, vì các trường không tuyển được thí sinh phù hợp với mình. Trên nguyên tắc, sự phù hợp đó phải được đánh giá thông qua nhiều yếu tố, chứ không chỉ có điểm số của một kỳ thi đại trà. Để biết được thí sinh có phù hợp hay không thì các trường phải xét hồ sơ, đọc bài luận và có thể cả phỏng vấn trực tiếp thì mới biết được. Chỉ họ mới có thể đánh giá được thí sinh nào thì phù hợp với trường mình.

Như vậy, tốt nhất là để việc tuyển sinh ĐH cho các trường tự chủ. Mỗi trường phải tự chịu trách nhiệm về việc tuyển sinh của mình, trong đó có việc tham chiếu đến kết quả thi tốt nghiệp PTTH, nhưng đây không phải là tiêu chí duy nhất.

Có nên bỏ điểm ưu tiên khu vực không?

Theo tôi là không nên bỏ ưu tiên, nhưng có thể điều chỉnh lại một chút cho phù hợp hơn. Ví dụ: chỉ được hưởng một mức ưu tiên cao nhất thay vì cộng dồn tất cả các ưu tiên, lên đến 3,5 điểm. Nhưng duy trì điểm ưu tiên như vậy liệu có bất công với học sinh thành phố? Những em chưa từng ra khỏi thành phố để về vùng sâu vùng xa, không hiểu được sự khó khăn ở đó để chia sẻ, nên sẽ thấy việc cộng điểm này là rất bất công. Câu trả lời của tôi là: ưu tiên hay không ưu tiên là lựa chọn chính sách của quốc gia. Đã là lựa chọn chính sách thì phải tính đến kết quả tối ưu cho toàn cục. Khi đó, có thể là bất công với một nhóm nào đó, nhưng sẽ tối ưu cho tổng thể. Mà suy cho cùng, chúng ta sinh ra đã khác nhau về đủ thứ, từ năng lực bản thân đến hoàn cảnh gia đình, tức là sinh ra là đã có sự bất công ở ngay trong đó, nên việc cộng điểm ưu tiên cho các thí sinh ở khu vực vùng sâu vùng xa cũng không có gì là khó nuốt lắm. Sau này, các em sẽ còn gặp nhiều thứ bất công lớn hơn nhiều, đáng phải xử lý hơn nhiều.

Điểm trúng tuyển các trường khối sư phạm quá thấp

Điều làm tôi phiền lòng nhất của kỳ tuyển sinh năm nay là điểm trúng tuyển của các trường khối sư phạm quá thấp. Trường ĐH sư phạm Huế điểm trúng tuyển chỉ 12,75 điểm. Nếu tính cả điểm ưu tiên tối đa lên đến 3,5 điểm thì chỉ cần 9,25 điểm cho ba môn đã trúng tuyển. Với đề thi dễ như năm nay thì phải nói đó là những em có năng lực học tập rất yếu. Nhưng sau bốn năm, họ sẽ trở thành giáo viên, sẽ là người dạy dỗ con em chúng ta, và là người dẫn dắt nền giáo dục này. Chuyện gì xảy ra tiếp theo thì các bạn tự hình dung.

Nhiều lúc tôi có cảm giác lực cản lớn nhất với đổi mới giáo dục hiện giờ không phải là từ phía nhà quản lý, mà lại là từ chính các nhà giáo. Chất lượng giáo viên đang ở mức báo động. Lẽ ra giáo viên phải là những người giỏi nhất, tự hào về bản thân và nghề nghiệp của mình, thì ở ta rất nhiều giáo viên lại đang bị đánh giá là những người thất bại. Thất bại từ ngay kỳ thi tuyển sinh đầu vào nên điểm tuyển của trường sư phạm mới thấp như vậy. Những người đó sau này sẽ có ba bốn chục năm đứng lớp để dẫn dắt con em chúng ta đi vào đời, trong tâm thế của người kém cỏi và thất bại như thế thì kết quả ra sao các bạn cũng sẽ hình dung ra. Chỉ hy vọng các trường sư phạm không chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh để giữ chất lượng.

Các nhà làm chính sách luôn than tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Mà sinh viên sư phạm ra trường giờ thất nghiệp cũng nhiều. Nếu các trường sư phạm cứ chạy theo thành tích tuyển sinh, hạ điểm chuẩn miễn sao đủ chỉ tiêu, thì không chỉ tạo ra những lứa giáo viên kém chất lượng, gây ảnh hưởng kéo dài hàng chục năm, mà còn tiếp tay cho tình trạng thừa thầy thiếu thợ mà xã hội đang kêu ca.

Các trường sư phạm phải có sự dũng cảm để phanh lại một vài năm, không đánh đổi chất lượng với số lượng, không tuyển người có năng lực học tập quá yếu vào trường để sau này đi dạy học.

Nhân đây cũng xin nhắc lại, nếu không thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, nếu nhà giáo không sống được bằng lương, thì mọi cải cách giáo dục trước sau gì cũng sẽ thất bại.