Dân Việt

Bộ mặt Sài Gòn “rỗ” từ bờ ra sông

Giang Thanh – Đằng Giang 13/08/2017 06:25 GMT+7
Ít nhất là năm ngày qua, dân sài Gòn không ngừng bàn tán xôn xao xung quanh chuyện ông phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM Đoàn Ngọc Hải đề xuất với UBND thành phố cho ông được toàn quyền xử lý vi phạm vỉa hè. Người thì bảo ông Hải “ngông”. Kẻ thì nói đó là đề xuất hay. Quyết định của UBND TP.HCM thế nào chưa rõ, nhưng qua đề xuất trên, nếu am hiểu lĩnh vực đô thị, ắt sẽ cảm thấy lo cho cái cách quản lý của TP.HCM.

Hứa để rồi tơi tả

Bằng chứng là hiện tại người dân ngụ trong các con hẻm ở quận 1 lại đang bức xúc, bởi nạn vỉa hè bị đánh chiếm một cách công khai. “Buồn cho cái nơi được cho là cái “nôi” quyết đòi lại vỉa hè hồi đầu năm với hàng ngàn bài báo ca ngợi, vậy mà giờ, nạn chiếm dụng vỉa hè cứ thế trêu ngươi người dân sở tại”, ông Tài, một hộ dân ngụ trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh, ngao ngán chia sẻ.

img

Dự án Thảo Điền Sapphire được xây dựng từ tháng 6/2015 nhưng đến gần hai năm sau những vi phạm trong xây dựng của công trình này mới bị phát hiện.

Ngay chính trên đường Nguyễn Thái Học – nơi ông Tài sinh sống – với cái nhà hàng “sang chảnh” B.D. trước đây chính quyền cương quyết tháo dỡ những phần lấn chiếm, cũng như sử dụng vỉa hè để kê bàn, nay cảnh tượng lại như cũ. B.D chỉ cách trụ sở công an và UBND phường Cầu Ông Lãnh chưa tới 300m.

Không chỉ bộ mặt đô thị quận 1 “lủng” vì chuyện cái vỉa hè bị tái chiếm, mà gần như vỉa hè, lòng đường bị tái chiếm ở khắp các quận nội thành trên địa bàn thành phố. Ở quận 3, dọc đường Bà Huyện Thanh Quan, từ đường Võ Thị Sáu lên đến Nguyễn Thị Minh Khai, buổi sáng vỉa hè, lòng đường đã bị cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh lớn lấn chiếm hoàn toàn. Trên đường Phạm Văn Đồng (thuộc ba quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức), từ 18 giờ các quán nhậu bự sự ven đường bày la liệt bàn ghế trên vỉa hè rộng 3 – 8m, nhân viên bước hẳn xuống lòng đường lôi kéo khách… “Đáng nói, trong khi tái chiếm, người bán hàng rong còn biết cố nép sát vào bên trong để đỡ chướng mắt người đi đường; còn các nhà hàng, cửa hiệu, cửa hàng kinh doanh lớn thì bất chấp ánh mắt bức xúc của người đi bộ”, ông Tài chua chát so sánh.

Quay lại đề xuất của ông Đoàn Ngọc Hải,  lý do mà ông đề xuất được toàn quyền xử lý vỉa hè quận 1, là vì ông cho rằng: một số cán bộ quản lý trật tự đô thị có dấu hiệu trục lợi, vỉa hè càng bầy hầy, họ càng thích. Rồi cách làm của mười phường hiện nay là đang dòm ngó cấp trên, nhiều cán bộ có dấu hiệu trục lợi từ vỉa hè, có nhiều phường làm cho có. Vì vậy cần phải quy trách nhiệm chủ tịch phường, tránh tình trạng chủ tịch phường nào cuối năm cũng xuất sắc hết, trong khi nhiệm vụ lại không hoàn thành.

Chưa biết tính xác thực của thông tin ông Hải phát biểu là thế nào, nhưng chắc chắn ông đã có lý khi phát biểu như vậy, và minh chứng hùng hồn nhất là những câu chuyện đã nêu bên trên.

Tiền “ăn” thủng sông, kênh, rạch!

Những ngày này, khi chính quyền TP.HCM đang lên kế hoạch “xử điểm” vụ lấn sông Sài Gòn ở phường Thảo Điền, quận 2, một chuyên gia trong lĩnh vực đô thị chia sẻ: giờ mới ra tay “vớt” sông, rạch là quá chậm, giống như chuyện đã rồi, vì sông Sài Gòn hay có nhiều kênh, rạch ở TP.HCM đã bị biến dạng do cách quản lý lỏng lẻo lâu rồi.

Quả thực, dọc sông Sài Gòn từ quận 1 đến Thủ Đức, các dự án lấn sông rất rõ ràng. Tráng lệ nhất có lẽ là cái dự án Thảo Điền Sapphire – mà thành phố đang quyết dẹp – nhưng xem ra lại có diễn biến mới, khi chủ đầu tư dự án này xin gia hạn thêm một tháng, kiểu đại gia vàng ở Đà Nẵng xin khất phá biệt phủ xây dựng sai phép, để rồi sau cả năm vẫn không bị phá. “Giờ đi khắp quận 2 hỏi chuyện ai, nơi đâu sông Sài Gòn bị lấn chiếm là người dân sở tại có thể kể cả buổi không hết. Nào là, vào thời điểm năm 2005, dự án khu dân cư 4ha phường Thạnh Mỹ Lợi do công ty CP may – xây dựng Huy Hoàng làm chủ đầu tư, đã lấn sông hàng chục mét với diện tích 1,7ha…”, vị chuyên gia trong lĩnh vực đô thị nêu trên, nói.

Trong khi đó, ở quận 9 – vốn nhiều kênh rạch nhưng giờ tìm lại đã là hàng… hiếm! Rạch Bà Hiện chỉ còn trên giấy khi khu dân cư Khang An hình thành. Cũng mới đây một con kênh cắt ngang đường Võ Chí Công, phường Phú Hữu, quận 9, cũng bị một chủ đầu tư san lấp không thương tiếc, khiến đoạn còn lại của con kênh trở thành ao tù. “Đồng tiền đã làm sông, rạch méo mó hết rồi chú ơi”, người đàn ông tên Công nói vội, rồi rời đi khi chúng tôi ghé quán nước trên đường Võ Chí Công tìm hiểu về chuyện bức tử con kênh.

Yếu tố “đồng tiền ăn thủng lòng sông, kênh, rạch” xem ra cũng có lý, khi thấy dự án Thảo Điền Sapphire được xây dựng từ tháng 6.2015, nhưng đến gần hai năm sau những vi phạm trong xây dựng của công trình này mới bị phát hiện. Hay danh sách thống kê mới nhất của sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho thấy trên địa bàn các quận 7, 8, 12, những con rạch như Ông Lớn, Bà Tàng, rạch Đĩa, rạch Rơi..., cùng những dòng sông như Phú Xuân, Chợ Đệm – Bến Lức... cũng chịu số phận bị “bức tử”, khi vẫn còn hàng loạt trường hợp lấn chiếm…