Dân Việt

Với MXH, người nổi tiếng hay kẻ tội đồ được tạo ra chỉ sau 1 đêm!

Hải Phong thực hiện 12/08/2017 14:34 GMT+7
“Tâm lý dễ dãi tiếp nhận thông tin, đôi khi thiếu tư duy phản biện, cộng với tốc độ lan toả chóng mặt của mạng xã hội (MXH) dễ tạo ra những “người nổi tiếng” hay “kẻ tội đồ” chỉ sau một đêm. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi đám đông không có tinh thần phê phán và cả tin, không tìm hiểu ngược lại nguồn gốc của thông tin để kiểm chứng”.

Để hiểu sâu hơn về tác động của MXH với đời sống xã hội và đời sống tinh thần, Dân Việt đã có cuộc trao đổi sâu với TS Phạm Hải Chung - Thành viên của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội của Đại học KHXH & NV (ĐH Quốc gia Hà Nội).

img

TS Phạm Hải Chung – Thành viên của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội của Đại học KHXH và NV (ĐH Quốc Gia Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

Không ít người ảo tưởng về sức mạnh trên MXH

MXH cũng có quyền lực của nó. Nhưng có một thực tế là nhiều người đang lầm tưởng mình sở hữu quyền lực thực sự khi được đông đảo cư dân mạng quan tâm. Chính điều này đã khiến nhiều người trở nên ảo tưởng vào bản thân và tạo ra những giá trị lệch lạc cho xã hội. TS đánh giá như thế nào về điều này?

- Khi Internet mới bắt đầu phát triển, rất nhiều trò chơi online như Võ Lâm Truyền Kỳ, MU nổi tiếng và thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, thậm chí bỏ nhiều tiền bạc, để đứng đầu 1 server trong game đó. Người chơi thậm chí phải hoàn thành các cấp bậc, thứ hạng và thị trường “cày thuê xếp hạng” có nhiều mảnh đất cho game thủ kiếm tiền.

Nếu trong thế giới của game LOL, Faker trở thành một bậc thầy, là hiện tượng có sức ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng, nhưng khi trở lại thế giới thực, đó chỉ là một cậu học sinh THPT bình thường. 

Singapore cũng đã đưa môn học Năng lực truyền thông (Media Literacy) vào trường học, để nâng cao năng lực của thế hệ công chúng tương lai, giúp họ nhận thức rõ và khai thác tốt hơn các mặt tích cực của phương tiện truyền thông, trong đó có MXH.

MXH cũng có ma lực thu hút người tham gia như game online. Bởi người tham gia mất công sức “thổi hồn” của họ vào nhận diện số (digital identity) trên MXH. Chúng ta đôi lúc đấu tranh với một con người khác ở ngoài đời thực. Đó có thể là một phiên bản được trau chuốt hơn thực tế, với các Apps đánh vào mong ước “sống ảo” của người dùng.

Thời gian sử dụng MXH từ 3 - 4 giờ/ngày của người Việt Nam trung bình tương đối cao. Khi dành quá nhiều thời gian như vậy, người dùng dễ dàng rơi vào tình trạng sống ảo nhiều hơn, nhiều người sẽ bắt đầu nảy sinh những mặt trái, như nhìn thấy sự việc bất bình thì sẽ bình luận ngay dù họ chưa rõ thực hư ngọn nguồn. Những phát ngôn gây thù ghét phát tán từ điều này.

Tôi cũng không phủ nhận không ít người đã ảo tưởng vào sức mạnh họ có được trên MXH và nghĩ rằng khi ra ngoài thực tế, họ cũng có được quyền lực tương tự.

MXH là con dao hai lưỡi. Nếu người dùng MXH tỉnh táo thì sẽ tận dụng được mặt tốt của nó, nhưng nếu không cẩn thận sẽ "đứt tay" và thực tế là nhiều người dùng MXH đã không thể kiểm soát được hậu quả mà MXH đem lại. Theo TS, giải pháp nào để có thể kiểm soát tốt MXH?

- Tâm lý dễ dãi tiếp nhận thông tin, đôi khi thiếu tư duy phản biện, cộng với tốc độ lan toả chóng mặt của MXH, dễ tạo ra những “người nổi tiếng” hay “tội đồ của xã hội” sau một đêm. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi đám đông không có tinh thần phê phán và cả tin, không tìm hiểu ngược lại nguồn gốc của thông tin để kiểm chứng.

Tác giả của cuốn sách Tâm lý học đám đông, Gustave Le Bon từng miêu tả đám đông “có tính bốc đồng, dễ thay đổi và dễ bị kích động”. Ngày hôm trước cậu bé kéo đàn được đám đông bênh vực. Nhưng chỉ sau một đêm, cả gia đình cậu lại bị “ném đá” bởi chính đám đông đã từng bênh vực mình.

img

TS Phạm Hải Chung làm giám khảo một cuộc thi cho SV năm 2015. (Ảnh: NVCC)

Trong thế giới ảo, nhiều người tham gia cuộc chơi và muốn được đưa ra “tiếng nói”, nhưng cũng có nhiều người muốn thao túng đám đông hay một cộng đồng nhất định.

Việc bị thao túng bởi tin giả và phát ngôn gây thù ghét đang được cảnh báo. Năm 2016, Uỷ ban Châu Âu và 4 nhà cung cấp nền tảng MXH đã đi tới các thoả thuận gỡ bỏ các phát ngôn gây thù ghét.

Trong cuốn "Truyền thông xã hội" (*), chúng tôi từng viết rằng: Người Nhật đã cho chúng ta một bài học quý về cách ứng xử trên MXH khi họ tự tiêm cho mình “liều vắc xin” miễn nhiễm với những thông tin thiếu kiểm chứng trên MXH. Và họ ý thức hơn những gì họ chia sẻ trên MXH cũng như văn hoá phê bình, phản biện… trên MXH.

MXH biến đổi phương thức giao tiếp của con người

TS có cho rằng việc cấm sử dụng một số MXH do nước ngoài xây dựng như một số nước đang áp dụng là cách hữu hiệu nhất để loại bỏ những mặt xấu, tiêu cực do chính MXH đem lại?

- Tôi không cho rằng việc cấm sử dụng MXH là một giải pháp tốt cho bất kỳ thể chế hay quốc gia nào. Bởi xã hội luôn tiến triển từ đơn chiều sang đa chiều, từ đơn giản sang phức tạp, và từ đồng nhất sang đa dạng. 

Ngay như ở Trung Quốc, họ vẫn có mạng Sina Weibo (phiên bản Twitter kiểu Trung Quốc, hiện có hơn 500 triệu người đăng ký và 222 triệu người dùng thường xuyên) để ít nhất thoả mãn nhu cầu chia sẻ và kết nối xã hội của người dân. Sự xuất hiện của các phiên bản địa phương hoá của MXH bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Những đặc điểm về sự phát triển của MXH hết sức phức tạp, với những xu hướng nhiều khi đối nghịch nhưng lại đan xen lẫn nhau. Nó biến đổi gần như toàn bộ phương thức giao tiếp của loài người, và tạo ra một “thế giới ảo” hoàn toàn so với thế giới vật chất đã tồn tại hàng tỷ năm nay.

Rất nhiều cuộc tranh cãi gần đây về sự tồn tại, và quan điểm đa chiều của MXH. Nhiều người cho rằng MXH làm công tác gác cổng tốt cho xã hội. Điều đó không có gì sai, nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng từ này, bởi trong một trò chơi thì có rất nhiều người tham gia với nhiều mục đích khác nhau về chính trị.

Nhiều nước, truyền hình hay báo mạng cũng đủ tin cậy cho người dân để phản biện và giám sát xã hội tốt thậm chí trước cả khi MXH phổ biến.

Chính vì vậy chúng ta cần phân biệt rõ giữa tác động tới người dùng như ở vấn đề tâm lý, sức khoẻ và bối cảnh chính trị của từng nước khi nhận định về MXH. 

Bản thân tôi cho rằng, MXH cũng đem lại cho chúng ta nhiều thứ, trong đó để kể nhất là nguồn thông tin dồi dào. Dù chúng ta phải khá khó khăn để sàng lọc, tiếp thu nguồn tin khổng lồ này, nhưng không thể phủ nhận MXH đã minh bạch hóa nhiều vấn đề nhạy cảm, thưa TS?

Những đặc điểm về sự phát triển của MXH hết sức phức tạp, với những xu hướng nhiều khi đối nghịch nhưng lại đan xen lẫn nhau. Nó biến đổi gần như toàn bộ phương thức giao tiếp của loài người, và tạo ra một “thế giới ảo” hoàn toàn so với thế giới vật chất đã tồn tại hàng tỷ năm nay.

- Vâng, tôi không phủ nhận mặt tích cực của MXH khi sử dụng đúng mục đích. Với nhiều nước, như tôi đã nói ở trên, chỉ cần truyền hình hay báo điện tử có thể gác cổng tốt xã hội. Ở Việt Nam, MXH trở thành trung tâm đời sống tin tức, và giao lưu xã hội của giới trẻ, tri thức.

Nếu như năm 2009, người Việt Nam trung bình dành 5 giờ xem tivi thì đến năm 2017, người Việt Nam trung bình dành 3 - 4 giờ trên MXH. Thế hệ sinh viên của tôi khi được hỏi đã không còn bật tivi lên xem tin tức, mà tiếp cận thông tin qua MXH và báo mạng.

Cũng không thể phủ nhận đó là cổng thông tin đa chiều giúp nhiều sự việc được đưa ra ánh sáng, cũng như minh bạch hoá xã hội. Quyền lực thứ 5 này đang thể hiện sức mạnh lan toả của mình.

Trong một cuộc trao đổi trước đây với Dân Việt, TS từng đưa ra hình ảnh ấn tượng “mỗi nhà báo trong cuộc đua với MXH phải là một con linh dương trên đồng cỏ Châu Phi”, nếu nhà báo không đủ nhanh nhạy, họ sẽ thất bại trước MXH. Nhưng thực tế, liệu đây có phải là lo lắng thái quá bởi báo chí vẫn có những sứ mệnh riêng mà MXH không thể gánh vác thay, thưa TS?

- Điểm tốt của báo chí công dân ở Việt Nam là cung cấp thông tin đa chiều hơn cho độc giả, tạo thêm gia vị cho môi trường truyền thông - báo chí nước nhà.

Tuy nhiên, báo chí chính thống luôn tồn tại vì một trong các chức năng chính là gác cổng, là bên thứ 3 khách quan đưa ra nguồn thông tin đã được kiểm chứng. Đó luôn là lợi thế dù nền tảng nào cấp tiến hơn ra đời. Tuy nhiên nếu nói tới mức độ phủ và tốc độ của thông tin, thì MXH đang chiếm ưu thế, và thậm chí là khu rừng thông tin để cho báo chí khai thác.

Rất nhiều tờ báo vì chạy theo chữ "nhanh" trước chữ "chính xác" đã rơi vào bẫy của tin giả và thậm chí đánh mất chữ tín trước công chúng. Những dẫn chứng cho luận điểm này đã được báo chí nói tới rất nhiều.

Nhưng nếu các tờ báo chỉ phục vụ thông tin chính xác mà lại không kịp thời, thậm chí quá chậm so với tốc độ lan toả thông tin trên MXH thì tin tức đó sẽ không được công chúng quan tâm nữa.

Để đạt được mục tiêu vừa chính xác và vừa nhanh nhạy hơn so với MXH, tôi đã lấy hình ảnh chú linh dương trên đồng cỏ Châu Phi mỗi sáng thức dậy phải chạy nhanh hơn con báo trong cuộc sinh tồn để so sánh với công việc báo chí hiện nay chính là vì thế.

Xin cảm ơn TS!

TS. Phạm Hải Chung tốt nghiệp TS chuyên ngành Truyền thông tại Đại học Bournemouth, Vương Quốc Anh và Thạc sỹ Báo chí quốc tế tại Đại học Baptist, Hồng Kông.

TS Phạm Hải Chung hiện làm việc tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền và Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia HN).

Các lĩnh vực nghiên cứu chính: Các xu hướng phát triển và các phương pháp mới trong nghiên cứu báo chí, truyền thông đặc biệt từ góc độ tâm lý, nhận diện cá nhân và văn hóa của giới trẻ cũng như hành vi sử dụng các phương tiện truyền thông.

(*) "Truyền thông xã hội" là dự án nghiên cứu được in thành sách của TS. Phạm Hải Chung và TS. Bùi Thu Hương cùng nhóm các tác giả, được NXB Thế giới xuất bản tháng 11.2016.

Cuốn sách là tập hợp quá trình nghiên cứu và tìm hiểu nhằm trả lời các câu hỏi của thế hệ công chúng hiện tại để thích ứng và vận dụng cách thức hoạt động của truyền thông xã hội.

Nội dung trong cuốn sách đề cập tới những xu hướng mới về truyền thông xã hội, quá trình tác nghiệp của nhà báo dựa trên sự hậu thuẫn thông tin từ MXH, doanh nghiệp tận dụng Facebook trong hoạt động quảng bá, góc nhìn đa chiều về công nghiệp game online. Và tất nhiên không thể thiếu chuyện bàn về cách hành xử trên MXH...

(Theo VNN)