Đâu đã vào đó
9 giờ sáng 13.8 (giờ Malaysia), con phố Jalan Radin (Sri Petaling-Kuala Lumpur) nơi tôi ở vẫn vô cùng yên tĩnh, thanh bình. Cái không khí dễ chịu làm cho người ta cảm nhận như sáng mùng 1 Tết cổ truyền Hà Nội chứ không phải nơi đây đang chuẩn bị tổ chức một sự kiện lớn – Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games) 2017.
Các công nhân cần mẫn làm việc bên ngoài sân vận động Bukit Jalil sáng 13.8. Ảnh: Lê Hoàng
Đến lúc này, Trung tâm báo chí SEA Games vẫn chưa mở cửa. Được biết, Trung tâm báo chí được đặt ngay trong khuôn viên sân vận động Bukit Jalil và sẽ mở cửa vào ngày 19.8. Lúc này, giới truyền thông, người dân đều không được đặt chân vào bên trong sân vận động nhằm giữ bí mật tối đa cho kịch bản lễ khai mạc. |
Để cảm nhận rõ hơn không khí SEA Games, tôi quyết định đi bộ trên quãng đường chừng 2km đến Khu liên hợp thể thao quốc gia Bukit Jalil – nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và nhiều môn thi đấu thể thao, trong đó có điền kinh, bơi. Dọc đường không có nhiều băng-rôn, khẩu hiệu, cũng không có sự xuất hiện của nhiều tình nguyện viên… Không ồn ào, những người công nhân cần mẫn làm công việc của mình.
Anh Steven - một công nhân đang làm việc phục vụ cho SEA Games nở nụ cười vui vẻ chia sẻ: “Thoạt nhìn, các bạn sẽ cảm thấy SEA Games vẫn còn “bừa bộn” lắm phải không? Nhưng thực chất mọi thứ đã đâu vào đó. Đây là lúc chúng tôi đang hoàn thiện những bước cuối cùng để chào đón bạn bè quốc tế đến với Malaysia. Những đồ vật ngổn ngang chúng tôi để kia, vài ngày nữa, các bạn sẽ thấy nó được đưa vào đúng vị trí đã được định sẵn. Tất cả đã được sắp đặt kỹ lưỡng đâu vào đó!”.
Văn hóa xếp hàng
Thực tế, SEA Games đã đến trong suy nghĩ của rất nhiều người dân Malaysia. Trên đoạn đường hơn 10km chở chúng tôi từ sân Bukit Jalil tới khách sạn Renaissance (trung tâm Kuala Lumpur, nơi diễn ra cuộc họp báo trao đổi thông tin trước ngày khởi tranh môn bóng đá nam SEA Games), anh bạn tài xế taxi Muhammad Jumali nói: “SEA Games à? Còn 6 ngày nữa mới khai mạc, chúng tôi biết điều đó. Chúng tôi cũng biết tất cả các thành viên trong Ban tổ chức đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để mang tới một lễ khai mạc ấn tượng nhất vào ngày 19.8. Nhưng cá nhân tôi lúc này chỉ quan tâm tới… lái taxi thôi. Đến ngày đó hẵng hay, chúng tôi sẽ cháy hết mình cùng SEA Games. Rồi các bạn sẽ thấy tình yêu thể thao của người dân Malaysia lớn đến thế nào!”.
Đồng hành với tôi có anh Hoàng Đình Nhương – phóng viên Thông tấn xã đã thường trú tại Malaysia được hơn 1 năm. Anh Nhương bảo: “Bạn đừng lấy đó làm lạ. Văn hóa xếp hàng của Malaysia không chỉ xuất hiện ở các cửa hàng mà đã ăn sâu vào trong suy nghĩ, trong cách ứng xử với cuộc sống hàng ngày của họ. Việc gì cần thiết nhất sẽ làm trước, những việc khác sẽ lần lượt giải quyết từng chút một”.
Ngay tại khách sạn Renaissance, tôi lại có dịp trải nghiệm thêm về cái gọi là “văn hóa xếp hàng” đó. Số là trước cuộc họp báo chí là một cuộc họp kỹ thuật, chốt danh sách của các đội dự SEA Games. Thế là mặc kệ gần 100 phóng viên trong nước và khu vực sốt ruột, cứ kẻ đứng người ngồi chật kín ngoài sảnh, trong phòng họp cứ túc tắc họp cho xong mới thôi. Không nói nhiều, cứ cuộc họp trước xong rồi mới đến cuộc họp sau!
“Những ngày đầu sang đây mình cũng thấy khó chịu lắm! Nhưng rồi dần quen và thấy rất ổn. Hà Nội không vội được đâu, đúng không? Còn Malaysia thì cứ xếp hàng rồi sẽ đến lượt” - anh Nhương vui vẻ nói.