Dân Việt

Hướng cho học sinh cách học chủ động

04/10/2011 18:03 GMT+7
(Dân Việt) - Chiều 3.10, nhóm Cánh Buồm gồm các chuyên gia giáo dục uy tín đã tổ chức ra mắt 16 cuốn sách giáo khoa với định hướng cải cách giáo dục một cách đơn giản và thực tế nhất.

Nhóm Cánh Buồm khá nổi tiếng trong năm học 2010-2011 với bộ sách giáo khoa tham khảo Chào lớp 1. Năm học này, nhóm tiếp tục cho ra mắt 16 cuốn sách giáo khoa tiểu học.

img
Một tiết dạy của nhóm Cánh Buồm tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội).

Tự học - tự giáo dục

Đại diện nhóm Cánh Buồm, nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ: “Hiện đại hoá giáo dục trước hết là thay đổi cách học của trẻ em – nhà sư phạm phải từ bỏ lối giảng giải nhồi nhét và tìm ra cách học của trẻ em khi chúng chiếm lĩnh các đối tượng khoa học, nghệ thuật và tâm linh. Theo đó, việc đổi mới phải bắt đầu từ bước nhỏ, đó là đổi mới sách giáo khoa”.

Sách giáo khoa theo quan điểm của nhóm Cánh Buồm chính là những việc học sinh làm trong tiết học để tự tìm đến với những điều cần tìm, điều đó sẽ đọng lại trong tâm thức của học sinh và bộc lộ ra ngoài thành những kỹ năng chứ không đơn thuần là những kiến thức được truyền tải thụ động.

Nhà giáo Phạm Toàn nhấn mạnh: “Chúng tôi trình xã hội một bộ sách giáo khoa để tham khảo. Nhưng đó không chỉ là vài ba đầu sách mà là một ước vọng khơi mào xây dựng nền giáo dục hiện đại cho đất nước VN. Qua bộ sách, xã hội sẽ thấy được định nghĩa về giáo dục hiện đại, thấy được cả cách học và cách dạy, do đó mà cũng gợi ý cả cách đào tạo giáo viên và nhiều vấn đề cải cách giáo dục khác” .

Những cuốn sách đầu tiên Chào lớp 1 đưa vào dạy thực nghiệm tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) được cả giáo viên và nhiều phụ huynh nhận định: Học sinh đã học được tư duy tiếp nhận kiến thức chủ động, biết ghi lại kiến thức theo cách riêng của mình trên vở và khi được giáo viên kiểm tra lại.

Tuy nhiên, cũng có phụ huynh cho rằng, đối với một số học sinh “cá biệt”, lười tiếp nhận, các em sẽ khó nắm được một số khái niệm khó và không hoà đồng. Chị Nguyễn Kim Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Cuốn Tiếng Việt lớp 2 đã có khái niệm từ thuần Việt, Hán Việt… rất khó giải thích cho các cháu quá nhỏ về những từ này”.

Nên có nhiều bộ sách giáo khoa

Khi nhóm Cánh Buồm cho ra đời những cuốn sách mang tên “Sách giáo khoa” đầu tiên đã được dư luận và các chuyên gia giáo dục đặt nhiều câu hỏi. Liệu bộ sách này có làm “nhũng nhiễu” thêm thị trường sách tham khảo đang hết sức rối loạn? Khái niệm “Sách giáo khoa tham khảo” liệu có nên tồn tại khi mà Bộ GDĐT chỉ mới công nhận một bộ sách giáo khoa chính thống và duy nhất hiện hành? Mục đích của bộ sách này là gì?

Nhìn từ góc độ chuyên gia giáo dục, GS Chu Hảo nhận định: “Bộ sách của Cánh Buồm không giống bất cứ một bộ sách tham khảo nào khác vì nó có hệ thống, quy trình riêng không bổ trợ, nâng cao kiến thức “ăn theo”. Nó định hướng cho một cách dạy mới”.

Cần có nhiều bộ sách giáo khoa chứ không phải một bộ duy nhất như hiện nay, đó là một hình thức áp đặt giáo dục.

Còn theo GS Vũ Thế Khôi cho rằng: “Cần phải tiến tới chỉ có một chương trình chuẩn, còn có thể có nhiều cách đào tạo để đi đến chuẩn đó. Giống như việc cần có nhiều bộ sách giáo khoa chứ không phải duy nhất một bộ sách độc quyền như bây giờ”.

Cũng theo GS Khôi, Bộ GDĐT cũng đã từng công nhận một nền giáo dục đào tạo đa dạng khi cho phép thực hiện Chương trình dạy tiếng Việt riêng cho học sinh 10 tỉnh biên giới phía Bắc. Kết quả của chương trình này rất khả quan khi tỷ lệ xoá mù cao hơn hẳn khi cho các em học theo chương trình chuẩn chung quốc gia.

Cách làm của nhóm Cánh Buồm cũng tương tự như vậy, tuy nhiên muốn tồn tại, nhóm Cánh Buồm cũng cần phải hướng tới xây dựng một kiến thức chuẩn, ít nhất cho từng cấp học, tham khảo từ hệ thống hiện hành chứ không thể đối đầu với hệ thống này.

GS Chu Hảo nhìn xa hơn khi tiên lượng: “Hiện tại phương pháp dạy học truyền thống theo sách giáo khoa không còn phù hợp nữa và sớm muộn nó cũng bị phá vỡ, đòi hỏi một sự cải tiến phù hợp hơn. Tôi rất đồng tình với việc cần tiến tới chủ trương xã hội hoá giáo dục mà việc đầu tiên là phải xã hội hoá sách giáo khoa.

Thay bằng việc đầu tư rất nhiều tỷ đồng cho một bộ sách giáo khoa duy nhất… chưa hẳn tốt nhất thì nên khuyến khích làm ra những cuốn sách giáo khoa tốt nhất và để xã hội phản biện một cách khách quan chứ không phải anh làm rồi chính anh lại nghiệm thu thành quả của anh như cách ta vẫn làm hiện nay”.

Về phía Bộ GDĐT chưa có bất cứ ý kiến nào về bộ sách được đưa ra. Tuy nhiên, trong Dự thảo Đề án cải cách chương trình và sách giáo khoa với kinh phí 70.000 tỷ đồng, các nhóm biên soạn sách độc lập như Cánh Buồm không hề được nhắc đến, mà Bộ vẫn đưa ra cách làm cũ kỹ là thành lập các nhóm viết sách rồi thẩm định.

Với bộ sách giáo khoa này, dư luận có thể đặt câu hỏi, vì sao nhóm Cánh Buồm có thể viết sách mà không tốn một đồng nào của Nhà nước, trong khi Bộ GDĐT cần đến 70.000 tỷ đồng?

16 cuốn sách được xuất bản lần này bao gồm: Môn tiếng Việt và môn Văn (từ lớp 1 đến lớp 5), môn lối sống, khoa học – công nghệ, tiếng Anh (từ lớp 1 đến lớp 4). Ở môn tiếng Việt lớp 1, học sinh chỉ học 3 thao tác phân tích ngữ âm tiếng Việt để tự ghi được tiếng Việt, nhờ đó tự đọc thành thạo. Lớp 2, học từ vựng tiếng Việt theo sự tiến hóa của các từ tiếng Việt (thuần Việt đến từ phái sinh, ghép hợp nghĩa, ghép phân nghĩa… đến từ Hán-Việt, từ mượn phương Tây) và tự làm giàu vốn từ tiếng Việt của mình... Tương tự, môn văn từ lớp 1 – 5 sẽ lần lượt được học các thành phần của ngữ pháp nghệ thuật: Tưởng tượng, liên tưởng, bố cục… theo hướng tạo sự đồng thuận qua những tiết học hình thành kỹ năng tự tiếp thu.