Dân Việt

Nguy cơ thiếu hụt i-ốt đang quay trở lại

22/10/2011 19:58 GMT+7
Theo điều tra từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Việt Nam đang nằm trong khu vực có tình trạng thiếu i-ốt, độ bao phủ muối i-ốt đạt tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ còn dưới 70%.

I-ốt là một vị chất cần thiết cho đời sống con người, thiếu i-ốt có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của con người. Bệnh thiếu i-ốt thường gặp nhất là bướu cổ, tuy nhiên bướu cổ chỉ là một biểu hiện nhẹ nhất của thiếu i-ốt, mà tác hại hơn cả đó là sự ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, có thể gây tổn thương về não, suy giảm trí tuệ, ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của trẻ.

img
Muối i-ốt tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ còn 70%. Ảnh minh họa.

Ở Việt Nam, theo kết của điều tra năm 1993, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi là 22,4%, mức trung vị i-ốt niệu 32 mcg/l. Đến năm 2005, nước ta cơ bản đã kiểm soát rối loạn muối i-ốt, tỷ lệ gia đình sử dụng muối và thực phẩm có i-ốt trên 90%, mức i-ốt niệu trung vị >= 100 mcg/l.

Tuy nhiên, từ năm 2005, Ban chỉ đạo chương trình quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt (PC CRLTI) bị giải thể, dự án phòng chống các rối loạn i-ốt chuyển sang hoạt động thường xuyên của Bộ Y tế (Bệnh viện Nội tiết trung ương) chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, do nhiều lý do khách quan như kinh phí được cấp có hạn, tỷ giá đô la biến động, nên dự án PC CRLTI chỉ đảm bảo cung cấp đủ khoảng 2/3 lượng KIO3 cho nhu cầu sản xuất của các cơ sở. Kinh phí dành cho phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt từ năm 2006 bị giảm nghiêm trọng và nguy cơ thiếu i-ốt đã quay trở lại.

Năm 2000 kinh phí cấp cho dự án PC CRLTI là 60-70 tỷ/năm, 2000-2005 là 20-30 tỷ/năm, tuy nhiên từ 2006 đến nay chỉ còn 6-7 tỷ/năm, trong khi đó 80% kinh phí tuyến TW phục vụ chủ yếu cho mua KIO3 phòng chống rối loạn thiếu i-ốt, vì thế kinh phí cho các hoạt động giám sát, tập huấn chuyên môn rất bị hạn chế.

Bên cạnh đó, ở mỗi địa phương khác nhau nên hoạt động phòng chống thiếu i-ốt cũng khác nhau, dự án PC CRLTI rất hạn chế, do sự chủ quan, thờ ơ với mục tiêu đã đạt ra nên dẫn đến nguy cơ tái diễn là điều không thể tránh khỏi. Hiện 2010, chỉ có 30 tỉnh thành phố có ngân sách của địa phương cung cấp cho chương trình PC CRLTI.

Theo Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm - Bộ Y tế, KIO3 dùng để trộn muối theo Quy chuẩn Việt Nam từ 9.2011 là 50,5g KIO3/1 tấn muối i-ốt. Dựa trên nhu cầu tiêu thụ gia vị mặn của nhân dân, theo các khuyến cáo lượng gia vị mặn quy ra muối là 4kg muối/người/năm, số muối người dân toàn quốc dùng là 344.000 tấn/năm, lượng i-ốt cần thiết cho nhân dân là hơn 17.000 kg/năm.

Nhưng trên thực tế, hàng năm lượng muối i-ốt mua được đạt thấp hơn khuyến cáo đề ra và ngày càng giảm trong những năm vừa qua, cụ thể, từ 2006-2008 mua khoảng 13.000 kg/năm, 2009 là 8.450 kg/năm, 2010 là 7.650 kg/năm.

Cũng theo điều tra từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương: độ bao phủ muối i-ốt đạt chỉ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ còn 70%, đây là vấn đề đáng báo động, nếu không được quan tâm giải quyết kịp thời, nguy cơ rối loạn i-ốt ở nước ta sẽ tái diễn như thời điểm trước năm 2005.

Ngoài ra, theo WHO/UNICEF/ICCIDD thì thiếu i-ốt vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn khoảng 1,6 triệu người trên thế giới, đặc biệt là trẻ em ở các nước phát triển. Tỉ lệ bướu cổ toàn cầu ước tỉnh khoảng 12%, tương đương 655 triệu người, trong đó số người mắc ở Châu Âu nhiều nhất, vùng Đông Nam Á có khoảng 175 triệu người, chiếm 26,7% số người bị bướu cổ trên thế giới.

Theo Lao Động