Tuy nhiên, mức đề xuất thuế này vẫn được coi là nhẹ nhàng hơn so với đề xuất trước đó của bộ Công thương khi áp mức thuế của xe bán tải ngang hàng với thuế của xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi cùng loại. Cụ thể:
Bộ Tài chính vừa có báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế TNDN và thuế TNCN, thuế tài nguyên (Dự án luật). Trong đó, nội dung về việc áp thuế TTĐB đối với dòng xe bán tải vẫn được quan tâm đặc biệt.
Theo bộ này, trong những năm qua, số lượng xe bán tải (pick-up) nhập khẩu và tiêu dùng tăng nhanh ở Việt Nam. Cụ thể, năm 2012 lượng xe tiêu thụ là 3.291 xe, trong đó xe nhập khẩu là 3.252 xe và xe lắp ráp trong nước chỉ có 39 xe. Đến năm 2016, lượng xe tiêu thụ là 28.233 xe, trong đó xe nhập khẩu là 27.265 xe, xe lắp ráp là 968 xe. Do loại xe này có thuế suất TTĐB thấp hơn so với xe ô tô chở người có cùng số chỗ ngồi (dòng xe SUV thuế suất TTĐB áp dụng đối với loại trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 là 55%) nên một số người tiêu dùng đã chuyển sang mua xe bán tải thay vì mua xe SUV.
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xe bán tải bằng 60% thuế suất với xe con cùng dung tích.
Hiện, mức thuế TTĐB của dòng xe bán tải từ 15% đến 25% tùy theo dung tích xi lanh.
Trước đó, để góp phần định hướng tiêu dùng loại xe vừa chở người vừa chở hàng, phù hợp với mục đích sử dụng loại xe này, ngày 14/3, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình nhập khẩu ô tô, trong đó có giao bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) để để xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và mục đích sử dụng loại xe này.
Ngày 28/4, bộ Công thương cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp, trong đó có đề xuất áp dụng mức thuế suất TTĐB đối với xe vừa chở người, vừa chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500kg và có từ 5 chỗ người chở xuống như xe ô tô con dưới 9 chỗ (55%).
Tuy nhiên, qua nghiên cứu rà soát, bộ Tài chính thấy rằng, các nước trong khu vực thường áp dụng thuế suất TTĐB đối với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng ở mức thấp hơn thuế suất đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ. Do vậy, để đảm bảo mục đích sử dụng xe, bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế suất TTĐB bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh. Loại này, chủ yếu có dung tích từ 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 nên thuế suất là 55% như xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì mức thuế suất của xe bán tải sẽ là 33%- thấp hơn nhiều so với đề xuất là 55% của bộ Công thương trước đó.
Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng vụ Chính sách thuế, bộ Tài chính cho rằng, mức đề xuất này được đưa ra sau khi đã có những tính toán rất kỹ, dựa trên cơ sở nhu cầu trong nước. Thực tế, nếu dòng xe này được dùng làm phương tiện cá nhân thì sẽ có những ảnh hưởng lớn đến xe sản xuất, lắp ráp trong nước nên việc điều chỉnh là hết sức cần thiết.