Dân Việt

Biết ơn cuốc, xẻng

20/12/2011 06:29 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày bé, có lần tôi nghe bố kể một chuyện vui, rằng cái ông Huân hàng xóm lại bảo: Hóa ra cày hơn cuốc ông ạ. Sau này mới biết đời ông ấy đã bao giờ có nổi con trâu để cày, làm ruộng toàn dùng cuốc. Nghe thế mới ngẫm lại thấy công cụ đa dụng nhất của người nông dân có lẽ là cái cuốc.

Biết ơn các công cụ lao động, người Mông trong 3 ngày tết rửa sạch cuốc, xẻng đặt cạnh bàn thờ, dán lên cán cuốc, cán xẻng tờ giấy cắt hoa để tỏ lòng tri ân với dụng cụ giúp họ cuốc xới làm nương. Người Giáy thì dán giấy đỏ lên toang chuồng trâu, lên cày, bừa, cuốc. Người Tày thì buộc vải đỏ lên từ gốc cây quanh nhà để chúc mừng. Nhà nghiên cứu bảo thế là đa thần giáo, còn người dân bảo cái gì giúp họ có miếng ăn thì phải biết tôn vinh nó trong ngày tết vậy thôi.

Bây giờ chắc chúng ta đang hưng phấn hiện đại hóa đất nước quá nên câu canh nông vi bản hoặc quên hoặc đã bị ném vào sọt rác mất rồi. Bây giờ có người làm công tác tuyên truyền mà không biết chiêm, mùa là gì. Rà trên Google không thấy, nó cho một tràng tiếng Tây chẳng hiểu là cái gì.

Tự nhiên bây giờ cái rốn của dân tộc là nông thôn bị coi rẻ. Người ta nghĩ về nông thôn là vất vả và lạc hậu, chỉ thị thành là văn minh sung sướng, và rồi một số người nông thôn cũng nghĩ vậy. Chẳng ai biết cơn suy thoái toàn cầu như năm rồi, nông nghiệp, nông thôn đã cứu cho đất nước không bị loạn vì gạo ăn không bị thiếu.

Tôi nghe nói Giáo sư Hồ Đắc Di thời kháng chiến có chút tiền dành dụm được đều gửi về quê mua đất. Danh sĩ Bắc Hà biết yêu quý đất, trọng giá trị bền lâu của đất. Chắc chắn khi mua đất, giáo sư không nghĩ đến chuyện trục lợi như bọn “ăn đất” ngày nay.

Một đất nước hình thành từ nông nghiệp phải biết trọng từ mảnh đất đến cái cuốc, cái cày. Nghề nông phải cần được tôn vinh.