Với sự cố gắng tuyên truyền, vận động, ngăn chặn của các cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng 273, con số nạn nhân đã giảm thiểu xuống chỉ còn 3 trường hợp trong năm 2011.
Những cái chết như… đùa
Khi chúng tôi có mặt ở Đồn Biên phòng 273 thì trung tá Ninh Xuân Trường - Chính trị viên của đồn - đang điều động cán bộ xuống thôn Hồng Ngài - địa bàn xa nhất của xã Y Tý, cách Đồn Biên phòng 273 đến 20km, để nắm thông tin về một vụ tự tử đau lòng bằng lá ngón vừa xảy ra.
Bộ đội biên phòng giúp dân làm nhà. |
Theo trung tá Trường thì vào khoảng 22 giờ ngày 8.12.2011, Vàng A Dình, sinh năm 1968, dân tộc Mông, trú tại thôn Hồng Ngài, xã Y Tý đến uống rượu tại nhà Vàng A Sử là người cùng thôn. Đến tối muộn, vợ Dình lên nhà Sử gọi chồng về ngủ. Vì đã có sẵn mâu thuẫn với vợ trong việc đòi mua một số đồ đạc nên sau khi về nhà, vợ chồng Dình lại tiếp tục cãi nhau.
Sau đó, Dình lấy nắm lá ngón hái sẵn khi đi chăn trâu buổi chiều ra dọa tự tử. Không thấy vợ nói gì, Dình cho lá ngón vào mồm nhai. Vợ và con dâu Dình trông thấy liền kêu mọi người xung quanh đến cứu nhưng đến khoảng 4 giờ sáng ngày 9.12.2011 thì Dình đã tử vong tại nhà. Gia đình Dình có 6 người con, đứa nhỏ vẫn còn đang ẵm ngửa nên việc Dình tự tử sẽ để lại một gánh nặng mưu sinh lên vai người vợ tần tảo của mình.
Trước đó, vào tháng 6.2011, vì bán được mùa thảo quả có được kha khá tiền trong tay, Phàn Díu Heng - người dân tộc Dao, ở thôn Sim San, xã Y Tý đòi vợ phải mua cho một chiếc xe máy để đi cho bằng "những thằng nhà bên cạnh". Tuy nhiên, vợ Heng muốn để dành số tiền đó để lo cho con cái nên không đồng ý.
Giận vợ, Heng đi uống rượu về rồi mang nắm lá ngón vừa hái ra dọa ăn. Đang cơn nóng giận, vợ Heng lên tiếng thách thức và thế là gã người Dao giận quá mất khôn đã trệu trạo nhai rồi nuốt chửng cả nắm lá độc. Chỉ một thời gian ngắn sau, Heng đã tắt thở trong tiếng kêu khóc của vợ và 4 đứa con thơ.
Với nỗi trăn trở hiện lên trong ánh mắt, trung tá Trường cho biết những trường hợp tự tử bằng lá ngón từ năm 2010 trở về trước xảy ra khá phổ biến ở 3 xã Y Tý, A Lù và Ngải Thầu. Năm nào cũng phải có cả chục trường hợp đau lòng xảy ra.
Trong năm 2011 này, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ngăn chặn, con số này đã giảm xuống chỉ còn 3 trường hợp. Thế nhưng chỉ với 3 trường hợp ăn lá ngón tự tử thôi cũng đủ để những người lính biên phòng trăn trở, day dứt khôn nguôi khi phải đi dự những đám tang là kết cục của sự nóng vội và thiếu hiểu biết.
Đưa những người đàn bà trở về tổ ấm
Sự thiếu hiểu biết của người dân vùng cao cũng khiến cho nạn phụ nữ mất tích ở những dải đất vùng biên này ngày càng tăng mạnh. Theo thống kê của Đồn Biên phòng 273, năm nào cũng xảy ra trên chục trường hợp phụ nữ người dân tộc bỏ đi mất tích, có năm thậm chí còn lên đến con số hàng chục người trên địa bàn 3 xã. Có nhiều nguyên nhân để phụ nữ vùng cao bỏ nhà vượt biên, trong đó một trong những nguyên nhân chính là mâu thuẫn gia đình.
Đầu năm 2011, vì giận người chồng nát rượu, không chịu lao động để kiếm cái ăn, Ly Có Sa - người dân tộc Hà Nhì ở thôn Lao Chải, xã Y Tý đã bế con gái nhỏ mới 6 tuổi bỏ sang Trung Quốc. Nắm bắt được thông tin từ người dân, các cán bộ Đồn Biên phòng 273 đã xuống vận động, đả thông tư tưởng người chồng của Sa là Ly Khờ Vù rồi hướng dẫn cho Vù làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu phụ sang Trung Quốc tìm vợ. Đơn vị cũng viết thư nhờ bộ đội biên phòng nước bạn phối hợp tìm Sa. Sau khi gặp gỡ, hai vợ chồng Sa đã làm hòa với nhau rồi lại trở về nhà chăm chỉ làm ăn nuôi đàn con nhỏ.
Tuy nhiên có lẽ những trường hợp làm những người lính biên phòng ở đây đau đầu nhất chính là những vụ phụ nữ vùng biên bị dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc.
Lật giở lại tập hồ sơ dày cộp mà Đồn Biên phòng 273 đã xử lý, đại úy Hạng Xuân Trung - Chính trị viên phó, cho biết: "Tháng 2.2011, nhận được nguồn tin báo của nhân dân, các chiến sĩ Đồn Biên phòng 273 đã theo dõi, bám sát đối tượng Phùng Thị Mày khi đối tượng này từ Trung Quốc sang chợ Mường Hum (xã Mường Hum) dùng chiêu bài dụ dỗ chị em phụ nữ dân tộc sang Trung Quốc để có cuộc sống nhàn hạ, sung sướng hơn.
Ba phụ nữ dân tộc Mông nhẹ dạ cả tin là Sùng Thị Sai, Phà Thị Ké, Phà Thị Súa - cùng ở xã Dền Thàng (huyện Bát Xát) đã tin và đi theo Mày. Khi nhóm này đi đến sát biên giới nước bạn thì bị các chiến sĩ biên phòng ngăn chặn, bắt giữ Phùng Thị Mày và đưa 3 nạn nhân trao trả về địa phương".
Rất nhiều những chiến công của bộ đội biên phòng ở nơi địa đầu Tổ quốc đã và đang góp sức xây dựng một vùng biên cương của đất nước bình yên, tạo cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc Y Tý.
---------------
Bài 3: Xóa bỏ hủ tục rợn người.
Nguyễn Thắng