Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam vừa chủ trì buổi công bố công khai kết luận thanh tra Dự án đầu tư xây dựng chợ trung tâm TP.Buôn Ma Thuột và xác minh, làm rõ khiếu nại, kiến nghị của một số tiểu thương chợ trung tâm TP.Buôn Ma Thuột.
Theo kết luận thanh tra, trước khi đầu tư xây dựng, Chợ trung tâm TP.Buôn Ma Thuột (chợ cũ) có lịch sử hình thành, phát triển qua nhiều năm. Việc đầu tư xây dựng chợ mới là cấp thiết, kết quả đầu tư xây dựng đã trực tiếp góp phần đảm bảo văn minh đô thị của TP.Buôn Ma Thuột, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy an toàn giao thông đô thị của chợ và khu vực lân cận.
Việc kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với Luật Đầu tư 2005 và Nghị định 02/2003. Tuy nhiên trong việc kêu gọi đầu tư, quản lý xây dựng còn một số hạn chế, sai sót.
Chợ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: CTV
Công tác chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ trung tâm TP.Buôn Ma Thuột thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai, việc UBND TP.Buôn Ma Thuột sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả bồi thường, hỗ trợ là đúng quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.
Song Thanh tra Chính phủ cho rằng khi lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường đã không đánh giá giá trị xây dựng quầy sạp trong chợ cũ là tài sản do các hộ tiểu thương đã tự bỏ tiền xây dựng, để xem xét hỗ trợ chi phí xây dựng quầy sạp là chưa thoả đáng.
Việc UBND tỉnh Đắk Lắk từ năm 2003 đến thời điểm đưa chợ vào hoạt động không ban hành văn bản quy định cụ thể việc sử dụng, thuê, thời hạn và các biện pháp quản lý điểm kinh doanh tại chợ phù hợp với tính chất từng loại chợ và tình hình cụ thể của địa phương là quá chậm trễ trong việc thực hiện quy định theo Nghị định 02/2003.
Quá trình đưa chợ vào hoạt động thiếu quan tâm, không chỉ đạo cụ thể, thiếu kiểm tra dẫn đến làm phát sinh khiếu nại, kiến nghị của công dân và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, quản lý chợ.
Hơn nữa, trong một số văn bản của Công ty chợ Buôn Ma Thuột, UBND TP.Buôn Ma Thuột và UBND tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn kêu gọi đầu tư khi xác định hình thức đầu tư đã sử dụng từ “BO” để viết tắt cho cụm từ “xây dựng-kinh doanh” là không đúng với bản chất dự án dầu tư là dự án đầu tư kinh doanh với hình thức đầu tư thành lập mới doanh nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư trong nước quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư 2005.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã hướng dẫn các hộ tiểu thương nếu không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của UBND tỉnh thì khiếu nại lên cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra toà theo quy định nhưng một số tiểu thương chợ tạm Buôn Ma Thuột vẫn không chấp nhận và tiếp tục phản ánh gay gắt.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện việc hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ bù đắp chi phí xây dựng quầy sạp tại chợ tạm; đồng thời đề nghị Công ty Chợ Buôn Ma Thuột có biện pháp hỗ trợ nhằm chia sẻ, góp phần giải quyết khó khăn của các hộ tiểu thương trước đây kinh doanh tại chợ cũ hiện đang kinh doanh tại chợ tạm.
“Tạo mọi điều kiện để công dân tiếp tục trình bày, chứng minh về số tiền đã góp ủng hộ xây dựng chợ cũ trước đây, để có biện pháp hỗ trợ. Thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện để các hộ hiện đang kinh doanh tại chợ tạm vào kinh doanh tại khu chợ B theo đúng quy định của pháp luật”- kết luận nêu rõ.
Bên cạnh việc yêu cầu Công ty Chợ Buôn Ma Thuột thực hiện các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng phải chỉ đạo thủ trưởng các sở ngành, UBND TP.Buôn Ma Thuột kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đồng ý với các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.