Dân Việt

Dân lao đao vì nguyên Tổ trưởng TTK vay tiền tỷ rồi “biến” mất?

Hồng Đức 18/08/2017 17:34 GMT+7
Nhiều gia đình nông dân ở huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa) đang lao đao vì đã cho bà L.T.H.V - vốn là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Tiến Thành, (Thạch Định) vay tiền với số lượng lớn rồi “biến” mất khỏi địa phương.

Lợi dụng uy tín?

Theo đơn tố cáo của người dân, bà L.T.H.V, trú tại thôn Tiến Thành, xã Thạch Định (huyện Thạch Thành), vốn là là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội ở thôn này. Gia đình bà V rất có uy tín nên bà đã dụ dỗ, lôi kéo người dân cho bà vay tiền.

img

Người dân đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Ảnh: Hồng Đức

Ông Vũ Văn Tám, trú tại thôn Thạch Toàn, xã Thạch Định, cho biết: “Gia đình bà V có xây một gia trại nuôi lợn, gà, vịt. Chị V đến gặp vợ chồng tôi đặt vấn đề là không có tiền mua con giống, nên muốn mượn sổ đỏ thế chấp để vay tiền ngân hàng. Tôi đồng ý cùng chị lên ngân hàng vay được 100 triệu đồng và đưa cho chị luôn.

Chị V chịu trách nhiệm trả lãi hàng tháng cho ngân hàng. Sau khi chị V mua lợn, gà, vịt về nuôi, thì gia đình tôi lại bán cám đầu tư cho chị V để chăn nuôi. Số tiền cám mà vợ chồng chị V lấy của gia đình tôi lên tới 110 triệu đồng.

Đến ngày 24.9.2016, chị V nói là đã bán được vịt và lợn nên sẽ trả số tiền trên cho gia đình tôi. Nhưng chị V lại xin khất gia đình tôi cho chị vay thêm khoảng 1 tháng nữa rồi sẽ trả.

Để lấy lòng tin của vợ chồng chúng tôi, chị V đã viết giấy vay nợ của gia đình tôi là 210 triệu đồng. Thế nhưng, sau đó chưa đầy một tháng như lời chị V hẹn trả tiền, thì chị ta đã bỏ nhà, đi khỏi địa phương”.

Không riêng gì gia đình ông Tám, mà bà V còn vay tiền của nhiều gia đình ở xã Thạch Định, Thạch Đồng, Thạch An và một số xã khác ở huyện Thạch Thành, với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. 

Bà Phạm Thị Bộ, ở thôn Thạch An, xã Thạch Định cũng cho bà V vay 350 triệu đồng.

Bà Bộ, cho biết: “Bao nhiêu năm qua, tôi tích góp được hơn gần 200 triệu đồng gửi tiết kiệm ở ngân hàng, cùng với số tiền anh em, bạn bè giúp đỡ tôi định làm cho con ngôi nhà tử tế một chút. Vừa rút tiền về, chị V bảo cho chị mượn mấy ngày rồi trả.

Vốn là họ hàng xa, cùng với vị trí công việc như vậy nên tôi rất tin tưởng. Ai ngờ, khi nhận tiền rồi, chị V bỏ nhà, trốn khỏi địa phương. Còn chồng chị V, thì trả lời chúng tôi là “không liên quan tới việc vợ ông ấy vay tiền làm ăn kinh tế”. .

img

Giấy vay tiền do bà V ký nhận, trong đó có cả chữ ký của chồng. Ảnh: Hồng Đức

Cùng chung cảnh ngộ như bà Bộ, còn có ông Lê Hồng Tú, ở thôn Thạch Toàn, xã Thạch Định cho bà V vay 190 triệu đồng; bà Lê Thị Vân, thôn Thạch An, (xã Thạch Đồng) cho bà V vay 120 triệu đồng; anh Lê Thế Tuyên, thôn Đồng Thịnh, xã Thạch Đồng cho bà V vay 130 triệu đồng…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với cách thức huy động vốn của bà L.T.H.V, thì nhiều người dân như gia đình bà Bộ, ông Tú, bà Vân, anh Tuyên… đã bị bà V cám dỗ bởi lãi suất cao. Những người mà bà V dụ dỗ được thường là người quen, anh em họ hàng, đặc biệt là lợi dụng uy tín sẵn có của mình và chồng để vay mượn.

Bỏ trốn, nhờ công an trả tiền?

Mặc dù là số tiền lớn, nhưng giao dịch của người dân và bà V chủ yếu bằng miệng hoặc là những tờ giấy viết tay sơ sài không có giá trị pháp lý. Và hầu hết hạn trả nợ trong những tờ giấy vay nợ được bà V viết ra đều có thời gian từ 10 đến 30 ngày.

Họ tin tưởng bởi bà V là một trong những gương điển hình làm kinh tế giỏi của xã, lại là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn Tiến Thành. Bên cạnh đó, bà V luôn thanh toán sòng phẳng, đúng thời hạn nên nhiều hộ dân mất cảnh giác khi tham gia.

Sau khi nhận được thông tin bà V bỏ trốn, gia đình ông Tám, bà Bộ, ông Tuyên và hàng chục hộ gia đình khác hết sức hoang mang, lo lắng… đã làm đơn tố cáo gửi lên UBND xã Thạch Định và công an huyện Thạch Thành.

Anh Lê Hồng Tú, ở thôn Thạch Toàn, xã Thạch Định, cho biết: “Khi bà V bỏ nhà trốn khỏi địa phương, tôi đã làm đơn tố cáo hành vị chiếm đoạt tài sản của bà V rồi gửi lên Công an huyện Thạch Thành. Thế nhưng, đến ngày 28.2.2017, Công an huyện Thạch Thành đã mời tôi lên trả cho tôi 2.000.000 đồng, với lý do: “Ngày 23.2.2017, bà V có gửi đơn trình báo đến Công an huyện.

Qua đơn trình báo, bà V thông báo về việc đi khỏi địa phương để làm ăn và đề nghị cơ quan Công an trả lại số tiền 2.000.000 đồng cho tôi. Do đó, thực huyện nguyện vọng của bà V, Công an huyện Thạch Thành đã lập biên bản trả cho tôi số tiền 2.000.000 đồng, mà bà V gửi cơ quan Công an”.

img

Biên bản trả lại tài sản cho người dân, do bà L.T.H.V nhờ Công an huyện Thạch Thành thực hiện.

Ảnh: Hồng Đức

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Lâm Đồng – Bí thư đảng ủy xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, xác nhận: “Sự việc như người dân phản ánh là có thật. Hiện chị ấy bỏ đi đâu thì chúng tôi cũng không biết.

Khoảng cuối năm 2016, bà con có lên đây báo cáo về việc chị V đã vay của nhiều người dân trong xã và các xã lân cận một số tiền khá lớn với lãi suất cao, nhưng tự nhiên chị V “mất tích” đã khiến cho bà con hết sức hoang mang, lo lắng. Nghe đâu, có những nhà lên tới 600 triệu đồng.

Trong số đó, có những người đang là Đảng viên, nên không dám nói. Nhưng hiện tại, chỉ có khoảng vài cái đơn tố cáo đang gửi ở xã thôi, còn họ gửi đi đâu thì tôi cũng không rõ”.

Trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Vũ Mạnh Khang – Giám đốc Chi nhánh Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thành, nói: “Bà Lê Thị Hồng Vinh là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn Tiến Thành từ tháng 8.2013.

Sau khi nhận được thông tin bà V bỏ trốn khỏi địa phương, chúng tôi cũng đã phối hợp với các chính quyền xã, các đoàn thể liên quan tiến hành tổ chức, kiểm tra lại số dư nợ và những vấn đề liên quan của bà V. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, thì không có gì bất thường, số dư nợ của Ngân hàng CSXH đều đến đúng người, đúng mục đích.

Do đó, chúng tôi đã tổ chức bầu mới Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn Ngân hàng CSXH của thôn Tiến Thành và hiện nay Tổ tiết kiệm này đang hoạt động bình thường”.