Dân Việt

Hội tìm khách hàng cho nông dân

04/10/2011 07:57 GMT+7
(Dân Việt) - Vừa tìm kiếm đối tác vừa mở lớp đào tạo nghề, sau hơn 1 năm, Hội ND Hà Tĩnh đã kéo việc làm mây tre đan xuất khẩu về cho hàng ngàn hộ ND với thu nhập cao và ổn định.

Đa phần ND Hà Tĩnh chỉ sản xuất thuần nông nên thu nhập hạn chế, nguồn lao động lại dư thừa. Vào thời kỳ nông nhàn, ND phải đi kiếm việc làm ở các tỉnh khác. Trong khi đó, ở nhiều vùng nông thôn, ND có nghề phụ đan lát nhưng không được đầu tư nên đã mai một dần.

img
Hàng ngàn hộ dân tham gia sản xuất mây tre đan xuất khẩu.

Đưa nghề về cho ND

Tháng 10.2010, Hội ND Hà Tĩnh bắt tay vào khảo sát vùng nguyên liệu, năng lực sản xuất hàng mây tre đan. Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh cho biết: Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 HTX và 2 nhóm làm mây tre đan với số lượng 2.000 sản phẩm/tháng và chỉ thu hút được 150 lao động với thu nhập không đáng kể.

Nhìn chung các cơ sở sản xuất mây tre đan không có mối hàng tiêu thụ, nhiều HTX lao đao. Khảo sát vùng nguyên liệu, các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và Kỳ Anh rất dồi dào giang nứa, đủ cung cấp cho sản xuất hàng tre đan xuất khẩu. Vì vậy, Hội ND Hà Tĩnh tỉnh đã chọn nghề mây tre đan xuất khẩu để dạy cho ND.

Bà Tuyết Anh cho biết thêm, cán bộ Hội đã ra Hà Nội tìm đối tác. Sau nửa năm tìm hiểu, Tỉnh hội đã tiếp xúc được với Tập đoàn Thủy sản YAMAYASU của Nhật Bản thông qua một công ty đối tác tại Việt Nam. Công ty này đã ký kết với Hội mua khay đựng thủy sản bằng mây tre đan.

Từ cơ sở này, Hội đã phát động phong trào làm mây tre đan tới các hộ ND. Hơn 1 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ ND tỉnh đã tổ chức 16 lớp dạy nghề cho trên 600 lao động nông thôn. Hội còn mời các nghệ nhân từ Hà Nội, Hà Nam về dạy. Đến thời điểm này đã có 17 xã của 6 huyện, thị xã với hàng ngàn hộ ND tham gia sản xuất sản phẩm mây, tre đan với số lượng trên 40.000 sản phẩm đạt chất lượng xuất sang Nhật Bản.

Lao động thu tiền triệu mỗi tháng

Chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn 3, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà tâm sự: Hai vợ chồng chị và 4 đứa con làm 9 sào ruộng nhưng cuộc sống chật vật. Tháng 4.2011, Hội ND tổ chức dạy nghề làm mây, tre đan xuất khẩu cho bà con. Từ khi có nghề, nhiều chị trong thôn đã có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng.

Còn với ông Bùi Hoãn - Bí thư chi bộ thôn 7, xã Tân Lộc thì nghề mây tre đan đã đưa lại cho ông mỗi tháng trên 3 triệu đồng. Ông Hoãn cho biết: “Có nghề mây, tre đan xuất khẩu, thu nhập của tôi cao hơn hẳn sản xuất lúa. Bây giờ không chỉ tôi mà vợ và các con tôi cũng nhận mây tre về nhà làm”. Ông Hoãn cho biết thêm, nghề này chỉ cần mẫn một chút là làm được và rất phù hợp với ND.

Tới đây Hội ND tỉnh sẽ triển khai rộng rãi cho 5.000 ND học nghề và sản xuất mây tre đan để đáp ứng một tháng có 3 container hàng xuất khẩu, trị giá 1,5 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Duy Ngụ - Chủ nhiệm HTX mây tre đan Thành Lợi (xã Tân Lộc) tâm sự: Mặc dù thành lập từ năm 2007, nhưng HTX chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều xã viên đã xin rút lui vì không có đầu ra cho sản phẩm. Tưởng chừng HTX phải giải tán thì giữa năm 2011, được sự giúp đỡ của Hội ND tỉnh, HTX đã khôi phục lại nghề mây tre đan. Sau khi kết nối được đầu ra, đã có trên 400 người xin tham gia, hàng mây tre đan của Tân Lộc đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận, ND có thêm thu nhập ổn định, HTX đã sống lại.

Ông Phan Văn Nhàn- Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: Từ mô hình mây tre đan xuất khẩu được Hội ND Hà Tĩnh đưa về, ND Tân Lộc đã tận dụng tối đa quỹ thời gian nhàn rỗi, từng bước đưa nghề này thành nghề có thu nhập cao. Tới đây huyện sẽ khảo sát và nhân rộng mô hình này.