Đi 8km, xe con phải nộp phí 25.000 đồng. Ảnh trạm thu phí Ea Đar đang "diễn tập".
8km một trạm, 10km thêm trạm nữa
Chỉ còn vài ngày nữa là trạm thu phí Ea Đar tại Km 93 QL 26 (xã Ea Đar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) sẽ chính thức hoạt động, kéo dài 18 năm 6 tháng để hoàn vốn cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501 (Cico 501 - PV, trụ sở tại Đà Nẵng). Theo đó, chỉ vài phút chạy xe trên 8km dự án (Km 91+383 – Km 98+800), loại phương tiện nhỏ nhất (dưới 12 chỗ ngồi hoặc xe tải dưới 2 tấn) phải trả phí 25.000 đồng. Trên QL 26, một trạm thu phí khác của Cico 501 đang rục rịch vận hành tại thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), cách trạm thu phí Ea Đar khoảng 85km, thời gian thu phí cũng 18 năm 6 tháng.
Anh Nguyễn Anh Bằng – tài xế thường xuyên chở hải sản từ Nha Trang lên Đắk Lắk lo lắng: “Hai trạm này tuy cách nhau 85km, nhưng không phải họ nâng cấp mở rộng hết 85km đâu. Ở Ninh Hòa làm có 10km, còn Đắk Lắk chưa tới 8km. Đi có 18km mà trả phí 2 lần, dân nào chịu nổi?”.
Còn anh Hoàng Lê Tứ, tài xế xe khách tuyến Buôn Ma Thuột – Nha Trang cho rằng, QL 26 (nối Đắk Lắk với Khánh Hòa) dài 153km, Cico làm một đoạn 10km và một đoạn 8km thì "chẳng giải quyết được gì cả", chưa nói giá cao hay thấp. “Mà tôi thấy lạ, hai dự án cách nhau 85km, mỗi dự án chỉ có vài cây số. Sao không gộp làm một rồi đặt một trạm thu phí chứ chặt khúc, chia nhỏ quốc lộ ra làm gì?, anh Tứ thắc mắc.
Ít xe là lỗi của dân?
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, nếu so với các dự án BOT khác ở khu vực Tây Nguyên, giá tại trạm thu phí Ea Đar đắt gấp nhiều lần. Đơn cử 30km đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Nông của Liên danh nhà đầu tư Băng Dương – Toàn Mỹ có thời gian thu phí điều chỉnh là 11 năm, mức thu 35.000 đồng/phương tiện loại nhỏ nhất. Còn Công ty Quang Đức làm 25,5km đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk, thời gian thu phí 16 năm 9 tháng (tạm tính sau thanh tra), giá thu 35.000 đồng. Tính ra với 7,5km đường BOT, Liên danh Băng Dương - Toàn Mỹ chỉ thu 8.750 đồng/lượt, còn Công ty Quang Đức thu 10.294 đồng trong khi Cico 501 thu tới 25.000 đồng, chưa kể thời gian thu phí của Liên danh Băng Dương – Toàn Mỹ còn ngắn hơn.
Trạm thu phí Ea Đar sẽ chính thức hoạt động trong vài ngày tới.
Tất nhiên ngoài thời gian thu phí, mức thu còn được tính toán dựa trên nhiều yếu tố khác như tiêu chuẩn đường, tổng vốn đầu tư, lưu lượng xe qua lại… nhưng thực tế doanh nghiệp vận tải và người dân không mấy quan tâm. Với họ chỉ cần đường rộng, mặt đường êm thuận, giao thông an toàn, mức thu vừa phải là được. Dự án qua Đắk Lắk của Cico 501 là đường đô thị thứ yếu, nếu có đẹp hơn thì địa phương hưởng, còn doanh nghiệp vận tải và người đi đường chẳng được gì. Chưa kể đường “đô thị thứ yếu” thực tế là đoạn nối giữa thị trấn Ea Kar và thị trấn Ea K’Nốp, đi qua vùng nông thôn, nằm ngoài khu đông dân cư. Vậy mà vận tốc chạy xe còn bị hãm từ 80km/h xuống 60 km/h. “Tốn xăng dầu, mất thời gian, lo bị CSGT bắn tốc độ”, một lái xe ca thán thêm.
Việc cho đặt 2 trạm thu phí trên đoạn đường dài chưa đến 20km, cũng như mức phí được Bộ GTVT, nhà đầu tư nêu lý do là lưu lượng xe qua lại trên quốc lộ 26 quá ít. Nhưng lưu lượng xe quá ít đâu phải lỗi tại dân, cớ sao bắt dân trả phí cao?
Mặt khác, lưu lượng xe ít đồng nghĩa với kinh tế - xã hội kém phát triển, việc thu phí cao hơn là chuyện ngược đời. Trước đó, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên từng có văn bản đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bố trí ngân sách để mua lại các dự án BOT nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân Tây Nguyên, bởi đây là khu vực kém phát triển so với các vùng miền khác trong cả nước.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đỗ Quang Trà – Giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk cho biết, QL 26 do Cục Đường bộ III (Tổng cục Đường bộ) quản lý, các dự án BOT trên tuyến này do Bộ GTVT quyết định.
Khi PV Dân Việt đặt vấn đề, theo quy định các dự án BOT phải có sự thỏa thuận của địa phương, ông Trà cho biết: “Thỏa thuận là do UBND tỉnh, chứ sở không có thẩm quyền”.
Về việc nếu như xảy ra việc lái xe phản đối, gây ùn tắc giao thông như ở trạm thu phí Cai Lậy, ông Trà cho hay: “Lúc đó sở sẽ có trách nhiệm, với tư cách là đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn”.