Tháng 5.2011, TP. Đà Nẵng có chủ trương xây dựng nơi này thành khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí, người làng Vân vừa vui mừng lại vừa phấp phỏng âu lo về một cuộc đổi đời nơi chốn thị thành.
Xót xa làng cùi!
Không phải ngẫu nhiên mà làng Vân thơ mộng nép mình nơi eo biển bên chân đèo Hải Vân sừng sững có tên gọi khác xót xa hơn là làng cùi, làng hủi… Vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, khi mà căn bệnh phong được xếp vào “tứ chứng nan y”, người mắc bệnh phong thường bị người đời xa lánh, hắt hủi.
Không còn nơi nương tựa, những phận người không may mắn từ những vùng quê khác nhau dắt díu nhau tìm đến trú ẩn ở rẻo đất hiểm trở bên chân đèo Hải Vân. Mỗi người một quê xứ khác nhau nhưng có chung nỗi đau, họ xích lại gần nhau để san sẻ và lấy tên ngọn đèo làm tên làng của mình. Làng Vân ra đời từ đó!
Khi được nhà nước quan tâm, học trò làng Vân sẽ không còn cảnh học lớp ghép? |
Qua nửa thế kỷ với bao đổi thay đến chóng mặt, nhưng riêng đường đến với làng Vân thì vẫn gập ghềnh hiểm trở như ngày trước. Muốn đến được làng Vân, chỉ có một con đường độc đạo xuyên qua rừng, men theo đường sắt khoảng gần 10km với muôn vàn hiểm hoạ rình rập.
Con đường thứ 2 để vào làng đó là chèo thuyền vượt biển khoảng gần 1 giờ đồng hồ. So với đường núi, đường biển có vẻ “bằng phẳng” hơn, tuy nhiên ở vùng biển khá bình yên này thỉnh thoảng lại có lốc tố bất ngờ nên vào mùa mưa bão dù có liều lĩnh đến mấy, người làng Vân vẫn phải chọn đường núi trơn trượt để đi.
Bà Gái (72 tuổi), một người dân làng Vân nói trong buồn tủi: Giao thông đi lại hiểm trở cộng với nỗi tủi phận, người làng Vân hầu như rất ít khi ra khỏi nơi mình sinh sống. Những mảnh đời khổ đau cứ lặng lẽ kiếm kế mưu sinh bằng việc mò cua, bắt ốc ven bãi biển hoặc đi vào rừng săn chim bắt thú. Cuộc sống chủ yếu tự cung, tự cấp.
Như một lẽ sinh tồn bản năng, tụi nhỏ tự tìm đến với nhau chia sẻ nỗi đau, rồi kết tóc xe tơ thành chồng thành vợ. Cũng không khác lắm với cha mẹ, những đứa trẻ ở làng Vân lớn lên vì nỗi tủi hổ “đồ con hủi” nên không dám đi ra ngoài, mà nếu có đủ cái “dũng khí” ấy, họ cũng không đi vì không bằng cấp, trình độ.
Rồi chúng lại lập gia đình với người trong làng, suốt một đời quanh quẩn nghề quăng chài bủa lưới. Cũng có những đứa trẻ may mắn hơn, được học hành thành đạt nhưng phần lớn sau ngày nhận mảnh bằng tốt nghiệp đại học, họ đành ngậm ngùi cúi đầu tạ lỗi ba mẹ, làng xóm để ra đi, rời xa một phần ký ức ở cái làng phong đầy mặc cảm đó…
Cuộc sống của người mắc bệnh phong ở làng Vân cứ thế loay hoay trong cái vòng tuần hoàn đơn điệu đầy xót xa ấy suốt nửa thế kỷ nay.
Kỳ vọng về cuộc sống mới
Làng Vân, nơi chúng tôi tìm đến, năm nào cũng vậy, đều cảm nhận được, nơi đây chỉ là một “ốc đảo” tách biệt với thế giới bên ngoài. Dẫn chúng tôi vào làng, cụ Nguyễn Thương - một trong những người dân đầu tiên đến định cư ở làng này nói: “Làng Vân bây giờ cũng chẳng khác với 50 năm về trước là mấy. Có chăng, cái khác bây giờ là làng có trường, có tiếng bi bô đọc bài của trẻ và có thêm đoạn đường bê tông dẫn vào trường mà thôi!”.
Tò mò trước lời giới thiệu, chúng tôi tiến sâu vào làng. Điều lạ lùng là hầu như ở đây nhà nào cũng nuôi rất nhiều chó. Bà Gái lúi húi xay trầu trên đôi tay cụt mất hết ngón, ngậm ngùi: “Mấy chục năm rồi không về lại quê hương (bà quê ở Huế) đôi khi cũng nhớ da diết, muốn về thăm nhưng lại ngại bởi đi đâu người lạ cũng chăm chăm nhìn vào đôi tay cụt của mình dò xét. Ở đây bốn mùa ngồi nghe gió biển thổi u u, con cái đi làm xa chẳng mấy khi trở về nên nuôi nhiều chó để đêm đêm nghe tiếng sủa cho đỡ buồn và bớt sợ ma”.
Thế nhưng, ngay sau đó, bà nói như khoe: “Làng tui sắp được dời vào chỗ dân cư đông người, được nhà nước cấp đất làm nhà, con cái được đến trường thành phố học hành hẳn hoi nữa. Sướng lắm!”.
Đối diện nhà bà Gái, ông Trần Đức - Trưởng thôn nhẩm tính: “Hơn 20 năm nay, làng Vân chỉ có một trường tiểu học dành cho con em trong làng. Trường lớp tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn nên các cháu phải học ghép. Sau khi học hết tiểu học, muốn và có điều kiện học tiếp phải vào thành phố ăn nhờ ở đậu trong khi ba mẹ chúng chỉ là những dân chài nghèo khó. Vì vậy, mấy chục năm rồi làng chỉ có đôi ba đứa được học hành đến nơi đến chốn.
Bà Gái mong làng Vân sẽ không còn là một “ốc đảo”. |
Toàn làng Vân có 134 hộ với hơn 350 nhân khẩu. Chừng ấy con người đồng nghĩa với chừng ấy nỗi ước mơ được sống cuộc sống có điều kiện hơn để con em được học hành, người dân mỗi lúc ốm đau được đến bệnh viện kịp thời. Thế nhưng, mới đây, khi biết chuyện, người trong thành phố “tẩy chay”, không chịu cho chúng tôi vào ở, nghĩ cũng buồn lòng”.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên thành phố có chủ trương này. Năm 2006, Đà Nẵng đã có chủ trương di dời những công dân làng Vân vào gần thành phố nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng, đầy đủ hơn về mọi mặt như văn hoá, y tế, giáo dục…
Năm 2008, thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận cho Tập đoàn Oaktree (Hoa Kỳ) khảo sát dự án với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD, biến nơi đây thành khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, bến du thuyền, casino…
Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau làng vẫn chưa được di dời. Ông Đặng Văn Hương, năm nay gần 80 tuổi bộc bạch: “Từ hôm nghe tin sắp được vào gần thành phố, tui cứ thao thức mãi. Chúng tôi mong được quan tâm nhiều hơn để tương lai con em làng phong không khổ cực như bố mẹ chúng”.
Chia tay làng Vân, dẫu ước mơ đổi đời của họ vẫn còn đang gập ghềnh, nhưng chúng tôi tin rằng, những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi ở mảnh đất này sẽ được bù đắp!
Vũ Vân Anh