Dân Việt

Giáo sư, nhạc sĩ nói gì về việc phong Giáo sư cho ca sĩ Ngọc Sơn?

Thảo Nguyên (tổng hợp) 22/08/2017 07:25 GMT+7
Theo PGS Đỗ Xuân Tùng - nguyên Trưởng phòng Đào tạo Nhạc viện Hà Nội, thì việc phong hàm giáo sư cho ca sĩ Ngọc Sơn chỉ là câu chuyện ao làng, một sự ảo tưởng.

Mấy ngày vừa qua, dư luận, giới nghệ sĩ, tri thức đang xôn xao bàn tán sự việc ca sĩ Ngọc Sơn được phong hàm Giáo sư âm nhạc. Cụ thể, ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tặng bằng khen vì có những hoạt động xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Việt Nam. Bằng khen này phong tặng cho anh danh hiệu Giáo sư âm nhạc. Bên dưới của bằng khen là chữ ký của ông Tiến sĩ Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam.

img

Ngay sau đó nhiều ý kiến của giáo sư, nhạc sĩ đã chia sẻ về sự việc này trên các báo. Theo PGS.TS - nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) ca sĩ Ngọc Sơn tự nhiên được một hiệp hội trao tặng danh hiệu Giáo sư âm nhạc là một câu chuyện hài. Tuy nhiên theo PGS.TS - nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng thì bản thân ca sĩ Ngọc Sơn không có lỗi. Trách nhiệm thuộc về Hội Nghệ nhân và Thương hiệu mà cụ thể là người ký bằng khen trao tặng đó.

PGS.TS - nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng cho hay, người ký bằng khen tặng Ngọc Sơn không hiểu, còn Hội Nghệ nhân và Thương hiệu thì tự phong lung tung. Đó là câu chuyện ao làng, không quá lớn lao tới mức ảnh hưởng tới nền văn hóa hay giáo dục. Thế nhưng ở xã hội Việt Nam hiện nay, không thiếu người được phong danh hiệu kiểu đó và người ta cứ lờ đi nhận. Có nhiều người tự viết một bài hát, chưa biết hay hay không nhưng cũng tự nhận mình là nhạc sĩ, người viết một bài thơ rồi tự xưng là nhà thơ. Những trường hợp như thế còn hài hơn câu chuyện của Ngọc Sơn.

GS. TSKH. Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước nhiệm kỳ 2014-2019 từ chối bình luận trực tiếp vấn đề liên quan đến chức danh của ca sĩ Ngọc Sơn, do chưa tiếp cận được hồ sơ. Tuy nhiên khi được hỏi về quy trình để được công nhận chức danh này, ông Nhung nói: “Đương sự có nguyện vọng công nhận chức danh GS ở VN thì phải làm đơn, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng chức danh GS nhà nước, trong quyết định 174 cũng nói những người được các trường Đại học có uy tín ở nước ngoài phong là GS có nguyện vọng đặc cách công nhận là GS của Việt Nam thì phải có hồ sơ, sơ yếu lý lịch có nguyện vọng gửi về hội đồng, hội đồng sẽ gửi cho hội đồng chuyên ngành về văn hóa và âm nhạc, xem xét và góp ý và sau đó sẽ quyết định”.

img

Ngọc Sơn quỳ tăng mẹ tấm bằng khen trong đêm nhạc mừng thọ. 

Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ: “Đây không phải học hàm do nhà nước trao tặng nên nó chỉ là một danh hiệu vui mà anh em trong Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt tặng cho Ngọc Sơn. Không nên ồn ào về cái danh hiệu vui này. Nếu trước đây chưa từng có thì bây giờ có. Ngọc Sơn có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, anh ấy xứng với danh hiệu này!".

Còn nhạc sĩ Phó Đức Phương thì cho biết: "Trong lịch sử chưa từng có danh hiệu này. Ngọc Sơn làm sao có thể làm giáo sư được. Tôi không muốn bình luận thêm".

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc (Bộ VH-TT-DL), cho biết: “Hiểu như Ngọc Sơn thấy rõ là nhầm. Đấy có phải là nhà nước trao tặng đâu. Người ta cũng ngộ phong thôi chứ làm gì có danh hiệu đó”.

Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VHTTDL chia sẻ:  “Đó là một sự PR thiếu văn hóa”. Theo ông Cẩn, hiện không có chức danh GS âm nhạc, mà chỉ có GS chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc hoặc GS chuyên ngành âm nhạc học. Thêm vào đó, nhà nước có một hội đồng học hàm do Bộ GDĐT là cơ quan thường trực. Hằng năm, hội đồng sẽ họp, xem xét phong GS. Không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào được thay thế hội đồng này làm việc đó.