Dân Việt

Lớp học đặc biệt giữa lòng TP. Cà Mau

Chúc Ly 27/08/2017 12:30 GMT+7
Hơn 1 tháng nay, tại trụ sở cũ khóm 4, phường 1, TP. Cà Mau (Cà Mau) có một lớp học tình thương thật đặc biệt hoạt động. Lớp học tình thương này hội tụ nhiều thành phần, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người lao động và cả những cô chú lớn tuổi chưa có điều kiện đến trường.

Đến tham gia một buổi học của lớp học tình thương này, cảm nhận đầu tiên chúng tôi nhận thấy là sự "ồn ào" dễ thương của lớp, một lớp học mà cùng lúc có các thành viên ở nhiều độ tuổi, cùng ê a đánh vần, ghép chữ. Mỗi "cô giáo"  luôn phải cầm tay uốn nắn từng nét chữ một cho các học viên. 

Cô Đinh Thị Tuyết Mây (giáo viên trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng), giáo viên chính của lớp học tình thương, chia sẻ: Lớp học tình thương được thành lập đến nay đã hơn 1 tháng, tập trung nhiều thành phần khác nhau, lớn nhất có những cô đã ngoài 50 tuổi. Trong đó, đa số học viên của lớp là những người có hoàn cảnh khó khăn, thành phần lao động không có điều kiện và đã quá tuổi vào lớp 1. Sau khi phường chủ trương thành lập lớp học, tôi cũng tình nguyện nhận dạy lớp, cùng với một số bạn tình nguyện viên nữa.

img

Cô Mây là giáo viên dạy chính của lớp. Ảnh: Chúc Ly

Do lớp học có nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau nên thời gian đầu công việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn. “Trình độ và khả năng tiếp thu của các học viên không đồng đều, đa số chưa nhận biết được mặt chữ, một số cô chú lớn tuổi thì tay bị cứng nên rèn chữ càng khó khăn. Chính vì vậy cách dạy của lớp là phải kiên nhẫn, cố gắng theo sát từng học viên, làm sao để ai cũng đọc, viết được chữ, và thực hiện một số phép tính cơ bản” - cô Mây thông tin.

img

Lóp học có nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau. Ảnh: Chúc Ly

Cũng theo cô Mây, mục đích cuối cùng của lớp học này là mong muốn ai cũng biết cái chữ, những người lớn thì biết đọc được con số, biết làm những phép tính cơ bản, nhằm phục vụ tốt hơn cho việc làm ăn, buôn bán sau này. Từ đó, nhân rộng, sẻ chia để ngày càng có nhiều người không có điều kiện đến trường được học tập.

img

Em Thuận đang chăm chú viết chữ. Ảnh: Chúc Ly

Vừa nắn nót hoàn thành một nét chữ trong quyển vở, em Trần Thị Thuận vui vẻ nói: “Ban ngày con đi bán vé số kiếm tiền, tối thì vào đây học, học xong con lại đi bán tiếp. Học lớp này con thấy rất vui, con biết chữ, biết đọc, sau này đi làm để kiếm tiền nuôi cha mẹ”.

Hiện nay, lớp học tình thương này có khoảng 25 học viên, mở các tối thứ 2, 4 ,6 hàng tuần, thời gian từ 18-20 giờ. Tại đây, các dụng học tập như sách, tập, viết… đều được hỗ trợ miễn phí hoàn toàn.

img

Các dụng cụ học tập được hỗ trợ miễn phí. Ảnh: Chúc Ly

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thúy Hằng, tình nguyện viên của lớp học, bộc bạch: Thời gian đầu do chưa quen nếp nên một số học viên không kiên nhẫn học, thấy ai vắng vài hôm là chúng tôi phải đi vận động họ đi học lại. Dần dần, khi tìm thấy niềm vui với việc học tập thì sĩ số lớp đều hơn, mọi người đến lớp cũng vui hơn. Qua hơn 1 tháng theo học, đa số học viên đều đã nhận diện được mặt chữ, ghép vần và đọc được chữ.

img

img

Các học viên được chỉ dạy, hướng dẫn nhiệt tình. Ảnh: Chúc Ly

“Cái khó của lớp là một số em phải đi lao động kiếm sống hoặc phụ giúp gia đình nên không có thời gian đầu tư vào việc học, chủ yếu chỉ có thời gian học trên lớp” - chị Hằng cho hay.

Cũng theo chị Hằng, lớp đã vận động được mạnh thường quân hỗ trợ 20 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng và 2.000 quyển tập cho những học viên khó khăn.