Dân Việt

Đại biểu QH:Thời học sinh tôi cũng bị cán bộ xã phê xấu vào lý lịch

Ngọc Lương 23/08/2017 06:54 GMT+7
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, năm 1982, khi làm hồ sơ đi học ông cũng bị cán bộ xã phê xấu vào sơ yếu lý lịch.

img

ĐB Đặng Thuần Phong quê Bến Tre, ông là ĐBQH khóa XI, XII, XIII và XIV. Ảnh: VPQH

Xảy ra từ ngày trước

Nhìn nhận về những vụ việc cán bộ xã phê xấu vào lý lịch của người dân xảy ra ở Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ngãi chỉ vì do gia đình họ còn nợ những khoản đóng góp, ĐB Đặng Thuần Phong cho biết: Đây là việc không phải bây giờ mới xảy ra, trước đây cũng đã có. Ông lấy ví dụ ngay từ trường hợp của bản thân.

“Năm 1982, lúc đó tôi làm hồ sơ để đi học cũng bị Trưởng Công an xã (vì chuyện cá nhân) phê nặng nề vào lý lịch là “gia đình không chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước”. Tôi rất buồn, khi về nhà được bố động viên rồi thời gian trôi đi cũng đỡ suy nghĩ hơn. Trước tôi, người chị gái cũng bị phê xấu vào lý lịch”- ĐB Phong kể.

img

Những vụ cán bộ xã phê xấu vào lý lịch người dân gây bức xúc dư luận.

“Nhiều cán bộ xã thấy những cuộc vận động đóng góp gì ở địa phương mà hộ gia đình nào chưa thực hiện được như mong muốn, khi con em họ đến xin xác nhận, cán bộ xã vin vào cớ đó để phê xấu. Đây giống như một kiểu thể hiện quyền lực, cái đó làm ảnh hưởng cho người dân rất nhiều” - ĐB Phong bày tỏ.

Theo ĐB Đặng Thuần Phong, hành vi phê xấu vào lý lịch của cán bộ xã trong những trường hợp vừa qua là do nhận thức.

“Họ không hiểu thẩm quyền của mình nên hành động theo cảm tính, nghĩ phê như thế là để tạo sức ép lại gia đình công dân đó. Họ không nghĩ làm như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh chính trị và cuộc đời nghề nghiệp của người khác. Hiện nay điều kiện xã hội ngày càng phát triển, quyền con người, quyền công dân luôn được đảm bảo theo tinh thần của Hiến pháp thì cách phê vào lý lịch của cán bộ xã như những vụ vừa qua là không thể chấp nhận” - ĐB Phong nói.

Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm

Cũng theo ông Phong, trước đây vì báo chí chưa phát triển, mạng xã hội chưa có nên trường hợp người dân bị cán bộ phê xấu vào lý lịch chỉ cam chịu, thậm chí tìm cách nộp đủ cho xã những khoản còn nợ để được cán bộ xác nhận lại. Theo ông, không chỉ có những vụ xảy ra như ở Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa hay Quảng Ngãi được báo chí đã nêu mà có thể còn nhiều vụ việc khác người dân không phản ánh.

“Anh là cán bộ xác nhận chỉ có thẩm quyền xác nhận xem người dân có khai đúng hay không, chứ không được quyền nhận xét việc gia đình họ thực hiện chủ trương này, chính sách kia thế nào. Việc lợi dụng quyền hạn để quy kết cả gia đình ai đó sẽ biến sự việc nhỏ thành việc lớn”- ĐB Phong cảnh báo.

Theo ông, để tránh tình trạng cán bộ xã hội lợi dụng thẩm quyền để phê xấu hoặc cản trở việc xác minh lý lịch cho người dân, cần phải nâng trách nhiệm công vụ, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó là sự vào cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

ĐB Đặng Thuần Phong nói thêm, cần nghiên cứu xem đối với thủ tục để người dân đi học, đi xin việc làm có cần phải xác nhận và đóng dấu của địa phương như cách làm hiện nay không. Nếu thấy không cần thiết có thể bỏ để tránh thủ tục hành chính cho người dân.

ĐB Phong cho rằng, đối với những cán bộ có hành vi sai phạm khi phê vào lý lịch của người dân cần phải xử lý nghiêm để làm gương, chứ không chỉ xin lỗi là xong.

“Qua những vụ việc vừa qua, tôi thấy buồn. Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, là nơi gần dân, đáng lẽ phải hiểu dân, chia sẻ với dân, nếu người dân chưa thực hiện tốt chủ trương, chính sách đi nữa thì phải động viên, khích lệ, không được dùng sức ép về mặt hành chính để áp chế. Làm như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản chất tốt đẹp của nhà nước pháp quyền, khiến người dân mất lòng tin vào cấp cơ sở” - ĐB Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.