Chỉ trong 3 năm, truyền hình thực tế Việt sản sinh rất nhiều cuộc thi riêng biệt về bolero: Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Kịch cùng Bolero, Tuyệt đỉnh song ca, Thần tượng Bolero, Người hát tình ca, Tuyệt đỉnh song ca… Chưa kể, nhiều game show khác cũng sử dụng phần lớn các ca khúc nổi tiếng của bolero như Ban nhạc quyền năng, Thần tượng tương lai, Hát mãi ước mơ, Hãy nghe tôi hát…
Sự “sống lại” của bolero đã lan tỏa rộng rãi đến mọi ngóc ngách của đời sống thường nhật. Không chỉ có game show, nhiều đêm nhạc bolero cũng nở rộ ở khắp các thành phố lớn. Ca sĩ đều chạy theo trào lưu để hâm nóng tên tuổi. Vậy, “sự trỗi dậy” của thể loại này đã tác động thế nào đến thị trường âm nhạc những năm qua? Những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của Bolero sẽ được mổ xẻ trong chuyên đề: Bùng nổ Bolero: Bước lùi của nhạc Việt? |
Lẽ thường các ca sĩ đang được “ăn lộc” của bolero, có nhiều lợi danh và tiền bạc từ bolero thì phải cảm ơn bolero và bảo vệ bolero. Như thế cũng là phải đạo, trọn tình. Ngược lại, có thể các ca sĩ không thuộc dòng nhạc này hoàn toàn có quyền bày tỏ quan điểm và cách nhìn nhận riêng về dòng nhạc. Tốt hay xấu gì cũng chỉ là quan điểm của cá nhân ca sĩ đó. Nó chẳng đại diện cho một nhóm người hay một thế hệ hay một cái gì đó to tát hơn. Ca sĩ càng có quan điểm thẳng thắn càng thể hiện bản lĩnh và con đường âm nhạc mà họ đang đi.
Vì vậy, tôi trân trọng những phản biện của ca sĩ Tùng Dương về những liên quan đến dòng nhạc bolero, cho dù cũng có những điểm chưa hoàn toàn đồng thuận. Đồng thời, cũng chia sẻ những bức xúc với các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Hồ Quang 8…
Đàm Vĩnh Hưng bức xúc vì cho rằng Tùng Dương đang xúc phạm nhạc Bolero
Bolero chưa bao giờ ngưng chảy trong tâm hồn người Việt
Trên thực tế thì dòng nhạc nào ra đời và tồn tại cùng thời gian thì đều có chỗ đứng riêng của nó. Không những vậy, nó góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận công chúng nơi đã sinh ra dòng nhạc đó. Nếu cao hơn nữa, dòng nhạc đó với những bản nhạc được những khán giả bấu víu để sẻ chia những niềm đau, những cơn tuyệt vọng, những lúc sóng gió nhất trong cuộc đời, thì phải khách quan thừa nhận đó còn là một dòng nhạc vô cùng ý nghĩa. Nếu “soi” tất cả các tiêu chí ấy thì bolero với những bản tình ca trữ tình buồn đã đáp ứng được.
Bolero vô cùng gần gũi và hữu ích đối với một bộ phận đông đảo công chúng nghe nhạc Việt Nam. Vậy cần khẳng định bolero phải có giá trị riêng của nó. Và chính những giá trị ấy mà từ khi ra đời đến nay hơn nửa thế kỷ, dẫu cũng có không ít những thăng trầm, nhưng chưa bao giờ dòng nhạc này ngưng chảy trong tâm hồn của một bộ phận đông đảo khán giả.
Người Việt chúng ta ưa những bản nhạc tình buồn, sự chia ly, sự khổ đau, những sẻ chia của thân phận thiệt thòi, sự thất vọng hoặc cố gắng vươn dậy sau những mất mát là có căn nguyên của nó. Một phần xuất phát từ yếu tố lịch sử dân tộc. Trong suốt chiều dài hình thành và phát triển dân tộc ta luôn gắn liền với các cuộc đấu tranh để giữ từng tấc đất biên cương. Đồng nghĩa với điều đó là những cuộc chia tay đẫm nước mắt của những tình yêu đôi lứa, của tình mẫu tử, phụ tử… đằng đẵng tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ kia. Tính chất trữ tình buồn nói về sự chia ly có thể nhìn thấy rất rõ trong nhiều bài dân ca đã có từ trong quá khứ và hiện vẫn còn tồn tại.
Nói như vậy để một lần nữa khẳng định, không thể phủ nhận một dòng nhạc dù gần như chỉ với một màu tiết tấu, một màu tính chất và một màu nội dung, nhưng lại có sự gắn bó đối với đời sống và tinh thần cuả người Việt. Cho nên, nhạc bolero sẽ còn tồn tại dài dài và còn tiếp nối mạch nguồn trong những sáng tác mới của các thế hệ nối tiếp.
Bản thân tôi là một người học nhạc cơ bản thuộc thế hệ sinh sau 1975, vậy nhưng tôi vẫn thích nghe nhiều bài bolero và các bài nhạc về tình yêu sáng tác trước năm 1975. Thậm chí, đôi khi tôi cũng hát và đăng trên trang cá nhân để chia sẻ cùng bạn bè tôi. Suy cho cùng, âm nhạc được sinh ra là để phục vụ nhu cầu của con người. Miễn sao, ta cảm thấy thoải mái, thấy “đã” cùng với những bản tình ca ấy.
Nhưng thú thực, nếu ai đó cho tôi cái quyền được chọn một dòng nhạc để đại diện cho nền âm nhạc đại chúng của đất nước này nhằm giới thiệu cho bè bạn quốc tế tôi sẽ không chọn bolero. Một khi ngôn ngữ không còn là sức mạnh của âm nhạc, khi chỉ còn là sự cảm nhận của những âm thanh, thì bolero sẽ có phần đơn điệu và ít sự sáng tạo. Thật may, cái quyền ấy tôi sẽ không bao giờ có được, nếu không việc không chọn để chiều lòng số đông, nguy cơ rất cao, tôi cũng rơi vào tâm điểm của một cuộc “tổng công kích”, giống như Tùng Dương hiện nay.
Tùng Dương đang trong tâm điểm chỉ trích của những ca sĩ như Hồ Quang 8, Duy Mạnh...
Đừng đem thước đo tiền bạc ra đánh giá âm nhạc
Tôi không tin rằng, Tùng Dương không thể hát được bolero như giọng ca bolero đất Bắc Hồ Quang 8 chia sẻ. Có điều, giả sử Tùng Dương có “đụng” vào bolero thì đó sẽ là bolero kiểu Tùng Dương. Giống như Hà Trần, vài năm trước có ra một đĩa nhạc với nhiều bản bolero nhưng hát hoàn toàn theo kiểu của cô ấy. Cá nhân tôi nghe thấy rất thú vị.
Tùng Dương giống như Hà Trần, thuộc tuýp ca sĩ có cá tính âm nhạc mạnh lại ham sáng tạo nên làm gì cũng sẽ đề cao dấu ấn cá nhân. Tôi có niềm tin này ở Tùng Dương từ cách đây đúng tròn 12 năm, khi ấy, tôi cùng giọng ca trữ tình Tuấn Hiệp thực hiện một album nhạc xưa có pha chút hơi hướng bolero. Để tạo hơi thở mới, chúng tôi mời thêm Tùng Dương và một giọng ca nhạc trẻ đình đám lúc bấy giờ là Lệ Quyên. Cả hai ca sĩ đều ngạc nhiên khi đón nhận lời mời vậy mà cuối cùng chúng tôi đã có bản Mùa thu cho em (Ngô Thụy Miên) do Tùng Dương thể hiện và Xóm đêm (Phạm Đình Chương) do Lệ Quyên thể hiện, nằm trong album “Mắt biếc” phát hành đầu năm 2006, nghe rất thú vị, vì cả hai đã “phả” được hơi thở mang dấu ấn riêng vào trong tác phẩm cũ.
Cho đến bây giờ Lệ Quyên đã trở thành một gương mặt gắn liền với bolero lại có sự khác biệt được khán giả trong nước và hải ngoại ngưỡng mộ. Tuấn Hiệp đã khẳng định vị trí của một ca sĩ hát nhạc xưa. Trong khi Tùng Dương thì không chọn con đường ấy mà tiếp tục say mê với những khám phá, sáng tạo âm nhạc của riêng anh.
Ở góc độ khác, nếu tất cả các nghệ sĩ chỉ chăm chăm chạy theo những gì đang là mốt, đang “hot” thì lấy đâu ra cái gọi là bước ngoặt đặt tiếp nền móng cho sự phát triển. Nhìn sang lịch sử âm nhạc châu Âu, nếu chỉ chăm chăm phục vụ sở thích nghe nhạc như một sự giải trí trong các bữa tiệc, giúp vui cho giới quý tộc, làm sao có những nhân vật sống trong nghèo khổ nhưng tạo được cả một bước ngoặt cho lịch sử âm nhạc của nhân loại.Đã là nghệ thuật thì không có cái gọi là tuyệt đối đúng, tuyệt đối sai. Điều này lại càng đúng với âm nhạc, khi mà giá trị của nó hiện hữu chỉ là âm thanh, không ai có thể sờ được, cầm được, nắm được mà chỉ có một cách duy nhất và thật mơ hồ, đó là cảm nhận. Trong khi cảm nhận thì mỗi nơi một khác, mỗi người một khác. Chẳng thế mà từ hàng thế kỷ nay người châu Âu thích nghe nhạc giao hưởng trong khi người Việt Nam lại thích nghe nhạc hát. Tóm lại, mỗi một người đứng ở một vị trí sẽ chỉ bao quát được một khoảng trời trong tầm mắt mình có thể nhìn thấy. Khi đứng trong khoảng trời này, nghĩ về khoảng trời khác ắt sẽ có những sự không đồng nhất.
Nhìn lại vào đời sống âm nhạc đại chúng Việt Nam, nơi gần như nhạc hát chiếm thế độc tôn, nếu ai cũng chạy theo đám đông công chúng thì làm sao có những mới mẻ mang tính sáng tạo cho đời sống âm nhạc, cho bộ mặt âm nhạc của một quốc gia. Cho nên, không thể phủ nhận vai trò của những dòng nhạc quen thuộc song cũng không thể đem thước đo tiền bạc để đánh giá những cống hiến sáng tạo được ghi nhận ở một lớp khán giả ít hơn.
Các đêm nhạc Bolero được tổ chức dày đặc từ Hà Nội đến TP.HCM đã nói lên phần nào thị hiếu khán giả. Nhưng liệu công chúng có đang quá dễ dãi không khi mà hầu hết các đêm nhạc Bolero hiện nay được đánh giá là thiếu sáng tạo và đầy sự cũ kỹ. Mời độc giả đón đọc bài nhận định: Liveshow Bolero: Chỉ là "ăn mày dĩ vãng"? vào 11h trưa thứ Năm (24/8) tại mục Giải trí - Âm nhạc |
Đàm Vĩnh Hưng khẳng định anh đang cổ súy bolero và cho rằng Tùng Dương xúc phạm người khác để tâng bốc bản thân.